Băng rừng tìm học trò

ĐIỀN BẮC 08/10/2023 06:47

Trên hành trình “gieo chữ, trồng người” nơi vùng cao xứ Nghệ, các thầy, cô giáo đã phải trải qua rất nhiều khó khăn, thử thách. Có những lúc thầy cô phải đi xuyên đêm băng rừng tìm học trò về lớp. Thế nhưng, với họ hạnh phúc của nghề giáo là khi trao đi kiến thức và được chứng kiến sự trưởng thành của nhiều thế hệ học trò.

Các trường Phổ thông dân tộc bán trú trên địa bàn huyện Quỳ Châu đã hạn chế được học sinh bỏ học.

Gian nan gieo chữ

Trường Phổng thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở (THCS) xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu (Nghệ An) là địa bàn vùng sâu, vùng xa, tuy đã thông thương với các vùng khác, nhưng đời sống kinh tế của người dân còn gặp rất nhiều khó khăn. Số liệu thống kê cho thấy, 97,4% học sinh của trường là con em dân tộc thiểu số, tỉ lệ hộ nghèo chiếm trên 65%, giao thông đi lại chưa thuận tiện là một trong các yếu tố thách thức đối với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục. Đặc biệt là sau hè hay vào mùa thu hoạch lúa, học sinh ở nhà không có ai chăm sóc nên đi theo bố mẹ lên rẫy, một số theo bạn rủ đi chơi game, làm thuê ở thành phố nên các em nghỉ và bỏ học khá nhiều. Những lúc như vậy các giáo viên ở nơi đây lại phải băng rừng, xuyên đêm đi tìm đưa các em trở lại với trường lớp.

Tình trạng nêu trên cũng đang xảy ra tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú - THCS Hội Nga, huyện Quỳ Châu. Năm học mới 2023-2024 mới bắt đầu được hơn 1 tháng, thì vào những ngày đầu tháng 10, em Lô Quốc Phong (học sinh lớp 7B) Trường Phổ thông dân tộc bán trú - THCS Hội Nga vắng học khiến thầy giáo Nguyễn Trọng Nghĩa không khỏi lo lắng. Bởi nếu không đến trường, Phú sẽ không theo kịp các bạn, tương lai của em sẽ đi về đâu khi thiếu cái chữ. Nghĩ đến đây, các thầy, các cô của Phú phải băng rừng, vượt suối suốt 2 giờ đồng hồ mới tìm tới được khu chòi nhỏ, nơi gia đình học sinh Phú ở để canh nương. Sau một hồi vận động, thuyết phục, bố mẹ và em đã đồng ý cho cô giáo đưa em về trường. Tìm được trò, thầy cô vui khôn tả, dù vất vả nhưng đó là niềm hạnh phúc. Thầy Nghĩa chia sẻ: “Tôi cùng tập thể giáo viên nhà trường đã thường xuyên gần gũi các em và tạo môi trường học tập, lao động tốt trong quá trình phát triển của một học sinh. Việc “kéo” học sinh về lớp dù vất vả nhưng đó là niềm hạnh phúc, bởi các em lớn lên cần có cái chữ”.

Ngoài việc dạy chữ, các thầy cô giáo công tác tại các trường Phổ thông dân tộc bán trú còn đóng vai trò như người thân để động viên an ủi các em. Em Hà Nhật Phong, học sinh lớp 7A2 Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Hội Nga tâm sự: “Ngoài việc truyền thụ kiến thức cho học sinh, các thầy cô còn đóng thêm vai trò của người mẹ, người cha. Cô giáo Hoàng Thị Xoan là một ví dụ, cô dạy chúng em cái chữ, quan tâm tới học sinh lúc ốm đau, lúc vui, lúc buồn. Gia đình em thuộc diện hộ nghèo, đặc biệt khó khăn. Em ở với ông bà ngoại. Hàng ngày, em phải cùng với ông bà đi lên rừng kiếm củi, làm nương rẫy. Nhưng em may mắn được Công đoàn nhà trường nhận làm mẹ đỡ đầu, góp tiền nuôi cho em ăn học đến hết lớp 9”.

Cô giáo Xoan nhớ lại: “Trong môi trường bán trú, với các em vừa nhập trường, đa số rất nhớ nhà. Những lúc như vậy, bản thân là một cô giáo, tôi luôn ở bên cạnh để động viên an ủi, nhất là những lúc các em ốm đau. Cách đây tròn một năm trước, khi cả lớp đang say sưa học bài, bỗng nhiên học sinh Vi Văn Liêu (lớp 9C) lên cơn co giật phải đi cấp cứu, may mắn các bác sĩ đã kịp thời cứu được tính mạng của em. Những lúc như vậy, cô giáo, nhà trường là người ở bên, thay cha mẹ các em, chăm sóc, động viên để các em thấy ấm áp”. Cũng theo cô Xoan, Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Hội Nga là trường bán trú có học sinh thuộc hai xã đặc biệt khó khăn của huyện Quỳ Châu, hầu hết học sinh là con em dân tộc Thái, chiếm hơn 80%. Trong đó, có 58% học sinh ngoại trú và 42% học sinh nội trú.

Thầy cô Trường Phổ thông dân tộc bán trú-THCS Hội Nga, tuyên truyền, vận động các em học sinh đến lớp.

Dạy cả kỹ năng sống

Cô giáo Lô Thị Tiên, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Châu Phong, huyện Quỳ Châu không chỉ âm thầm gieo chữ mà cô đã dành rất nhiều thời gian, công sức để dạy và truyền thụ những kỹ năng mềm cho các em, nhất là các em ở bán trú. “Mong muốn của tôi là làm sao để con em vùng cao, rút ngắn khoảng cách tri thức, kỹ năng sống giữa miền ngược và miền xuôi. Từ đó, giúp các em có sự tự tin, có tư duy mới, có lối sống văn hóa lành mạnh, sớm trưởng thành, đóng góp công sức, trí tuệ vào sự phát triển của xã hội”.

Các thầy cô ở ngôi trường Châu Phong này, khi thấy các em học sinh xảy ra xung đột, ngay lập tức họ sẽ trở thành những người cha, người mẹ đứng ra hòa giải và hướng dẫn các em cách ứng xử sao cho văn minh trong môi trường tập thể. Cô Tiên nhỏ nhẹ: “Khi các em ốm đau, thầy cô chăm sóc hết sức là tận tình. Bên cạnh đó, thầy cô còn làm những công việc của một bác sĩ tâm lý, động viên các em an tâm học tập. Trước sự dạy dỗ con chữ, chăm sóc, trao cho các em tình yêu thương của thầy cô đã giúp cho những đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi lớn tăng thêm niềm tin vào cuộc sống, yên tâm đến trường, nâng cao ý thức tự giác học tập”.

Cô giáo Lô Thị Tiên, Trường Phổ thông dân tộc bán trú - THCS Châu Phong nhận đỡ đầu em Hà Nhật Phong, trú bản Đôm 1 học hết cấp 2.

Thầy giáo Lô Văn Tư - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Châu Phong, chia sẻ: “Châu Phong là một xã khó khăn, trên 70% học sinh thuộc hộ nghèo. Nhiều học sinh có bố mẹ đi làm ăn xa, ở với ông bà. Do đó, việc học tập của các em đối diện với nhiều khó khăn dẫn đến một số học sinh bỏ học. Bởi vậy, ngoài dạy học, các thầy cô còn làm nhiệm vụ vận động học sinh đến trường khi các em rời lớp giữa chừng. Không những vậy, thầy cô còn giúp đỡ các em những lúc khó khăn, quan tâm đến tâm sinh lý của các em…”. Cũng theo thầy Tư, nhờ đó trong năm học vừa qua, trường đã duy trì tốt 100% số lượng học sinh ở bán trú cho đến cuối năm học.

Nói về vai trò “một công đôi việc” của các giáo viên tại các trường bán trú, bà Lương Thị Hà - Phó phòng GDĐT huyện Quỳ Châu cho biết: Đây là các hoạt động hết sức ý nghĩa, các đối tượng hướng đến là những học sinh thiệt thòi, những học sinh có hoàn cảnh khó khăn… Công đoàn nhà trường đã nhận đỡ đầu, động viên và chăm sóc các em cho đến khi ra trường. Nhờ vậy, chất lượng giáo dục ở khu vực vùng cao Quỳ Châu đang từng bước được nâng cao, hạn chế học sinh bỏ học”.

Ngoài các tiết học, tranh thủ thời gian rảnh các em học sinh bán trú chăm lo vườn rau sạch.
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Băng rừng tìm học trò

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO