Không chỉ mang trong mình những nét văn hóa truyền thống đặc sắc, dân tộc Cao Lan sinh sống nhiều tại huyện Yên Bình (Yên Bái) còn có một nền ẩm thực phong phú. Một trong những món đặc sản của người Cao Lan là bánh chim gâu.
Lớp vỏ bọc ngoài bánh là những chiếc lá dứa rừng được đan thành hình con chim gâu.
Chuyện xưa kể rằng, bánh chim gâu ra đời dựa trên một câu chuyện về nàng Lưu Tam. Một người con gái vừa đẹp người đẹp nết lại giỏi ca hát, khiến trai tráng trong bản si mê không chịu làm việc, nên dân làng sinh lòng ghen ghét. Do đó anh trai cô mới ép gả cô đi và cấm cô không được nói gì khi về nhà chồng. Sau khi được gả về nhà chồng, nàng Lưu Tam đã nghe lời anh trai không nói nửa lời, khiến cho nhà chồng ghét bỏ và sai người đưa trả cô về.
Trên đường về cô nhìn thấy một con chim gâu chết ở rìa đường với cái diều căng cứng đầy thóc, gạo. Nàng tiến tới nhặt con chim lên và nói “con chim này cũng chết vì ăn”, cùng lúc đó nàng lại nghe tiếng kêu yếu ớt của những con chim non ở bụi dứa rừng cạnh đó, đến lúc này nàng mới ngộ ra rằng con chim kia chết vì ăn nhiều thức ăn để tha về tổ nuôi chim non. Cảm động trước tình mẫu tử thiêng liêng của chim mẹ với chim con, nàng đã lấy thức ăn trong diều của chim mẹ mớm cho chim non ăn, sau đó cắt lá dứa rừng đan làm giỏ và đưa chúng về nhà nuôi.
Từ đó, người Cao Lan làm ra những chiếc bánh chim gâu với hình dáng nhỏ xinh như cái diều của chim mẹ, để thể hiện tình yêu thương, để nhắc nhở nhau về sự quan tâm chăm sóc của những người trong gia đình là rất quan trọng. Như vậy, bánh chim gâu là món ăn dân dã nhưng ẩn chứa bên trong nó là câu chuyện về tình mẫu tử thiêng liêng, cao cả và của những người thân trong gia đình đối với nhau.
Nguyên liệu chính để làm bánh là gạo nếp loại ngon, được vo sạch, để ráo nước rồi trộn thêm ít muối tạo vị đậm đà cho bánh. Hiện một số gia đình còn cầu kỳ hơn khi trộn thêm một chút đỗ xanh, hay nhuộm gạo các màu bằng các loại lá cây hoặc ngâm gạo bằng nước tro nẳng để tạo thêm hương vị khác nhau. Để hoàn thiện những chiếc bánh chim gâu thì lá dứa rừng là vật liệu không thể thiếu. Bà con cho rằng, lá dứa rừng là một vị thuốc chữa được bệnh dạ dày do đó, gói bánh bằng lá dứa rừng sẽ vừa tạo vị thơm ngon, vừa chữa được bệnh nên đây là loại lá rừng quen thuộc mà người Cao Lan yêu thích. Lá dứa rừng sau khi được rửa sạch, lau khô thì sẽ được tước phần gai, chẻ thân cứng đi cho lá mềm dễ gói. Người Cao Lan gọi là bánh chim gâu bởi lớp vỏ bọc ngoài bánh là những chiếc lá dứa rừng được đan thành hình con chim gâu (chim gâu là tên gọi khác của loài chim cu gáy).
Công đoạn luộc bánh cũng cần sự tỉ mỉ, kỹ lưỡng. Cụ thể, để có một nồi bánh ngon thì trong suốt quá trình nấu, lửa phải đều và châm nước thường xuyên để giữ chiếc bánh được ngập trong nước. Bánh sẽ chín sau khoảng 1 tiếng, sau đó vớt ra, để cho ráo nước và cắt đôi bánh ra để thưởng thức.
Bây giờ bánh chim gâu không còn là món ăn trong gia đình vào những ngày rằm, ngày Tết mà đã đến với các lễ hội, được nhiều du khách yêu thích.