Với nguyên liệu chính là gạo nếp, mỗi nơi, bà con lại sáng tạo ra những loại bánh khác nhau mang đặc trưng riêng của từng vùng miền. Và nếu một lần được thử món bánh ngải của người Tày, chắc bạn sẽ phải ồ lên, thứ bánh gì mà thơm ngon đến lạ.
Mỗi chiếc bánh ngải khi làm ra đều có màu xanh đặc trưng, ngon và hấp dẫn.
Thường những người phụ nữ Tày ở Bắc Kạn không ai là không biết làm bánh ngải - món ăn truyền thống được lưu truyền từ đời này qua đời khác và là một món ăn không thể thiếu trong những dịp lễ tết của người Tày.
Mỗi chiếc bánh ngải khi làm ra đều có màu xanh đặc trưng, ngon và hấp dẫn. Với bà con người Tày ở Bắc Kạn, làm bánh ngải không khó nhưng lại đòi hỏi sự công phu và khéo léo từ khâu chọn gạo, rau ngải, nhân bánh. Nguyên liệu có ngon, cách làm có tinh tế, khéo léo thì mới ra được chiếc bánh ngải dẻo thơm, ngọt mát.
Bánh ngải kén gạo, không phải loại gạo nào cũng làm được bánh. Muốn bánh thơm, dẻo phải chọn loại nếp nương và không được lẫn gạo tẻ, nếp được trồng theo lối canh tác truyền thống và tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hay phân bón hóa học. Đường để làm bánh cũng phải là đường phên có màu vàng, ngọt và không có sạn. Ngải cứu phải chọn lá non, tươi.
Lá ngải sau khi hái ngoài vườn về nhặt bỏ lá già, úa rồi đem rửa sạch, đun trong nước tro bếp khoảng 2 giờ đồng hồ. Tốt nhất là chọn tro tre, nứa cho sạch. Sau 2 tiếng đun lá ngải sẽ nhừ nhuyễn, đổ ra rổ rửa nhiều lần cho sạch nước tro rồi vắt kiệt nước, nắm thành từng nắm.
Gạo làm bánh được ngâm từ tối hôm trước rồi đem đồ chín thành xôi vừa độ dẻo. Kinh nghiệm của người làm bánh là gạo ngâm khoảng 12 đến 15 tiếng thì xôi sẽ dẻo quánh, không bị cứng.
Khi xôi đồ chín cho vào cối giã với lá ngải. Lưu ý giã ngay khi xôi còn nóng thì bánh mới dẻo, mịn. Sau khi xôi được giã nhuyễn thì đổ ra mâm và bắt đầu nặn bánh.
Trước đó, phải chuẩn bị sẵn nhân bánh. Nhân bánh chính là bí quyết tạo ra hương vị thơm ngon cho chiếc bánh ngải. Đường phên đun chảy thành mật rồi trộn với vừng đen rang chín, giã nhỏ. Hai thứ này quện vào nhau tạo nên một hương vị thơm ngon rất đặc biệt.
Bánh được nặn thành hình tròn sau đó ấn dẹt ra, cho nhân vào giữa, rồi vo tròn lại.Mỗi chiếc bánh được đặt trên một khoanh lá chuối tròn nhỏ để chúng không dính vào nhau. Sau đó gói chung khoảng 10 cái bánh nhỏ vào một lớp lá chuối để giữ bánh được lâu hơn.
Miếng bánh dẻo, thơm mùi lá ngải, cùng với vị ngọt mát, bùi bùi của nhân đường, vừng ăn mát mà không ngấy. Bánh ngải trước đây chỉ được làm trong các dịp mừng lúa mới hay các ngày lễ tết của người Tày.
Thế nhưng, ngày nay du lịch phát triển, mỗi du khách đến đây, một lần được thưởng thức món bánh ngải lại muốn mua một vài chục mang về làm quà cho người thân.