Ngày 29/5, Quốc hội dành thời gian cả ngày thảo luận ở hội trường về Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Thực hiện nghiêm các kết luận, kiến nghị của cơ quan kiểm tra, kiểm toán, thanh tra
Trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết: Về kết quả đạt được trong việc huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 đã thể chế hóa chủ trương của Đảng, các kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Tính đến 31/12/2022, tổng số tiền đã được huy động để trực tiếp phục vụ công tác phòng, chống dịch và thực hiện các chính sách an sinh xã hội là khoảng 230 nghìn tỷ đồng. Trên 11,6 nghìn tỷ đồng đã được huy động vào Quỹ vaccine phòng Covid-19. Tiếp nhận khoảng 259,3 triệu liều vaccine phòng Covid-19. Đã có hàng triệu tình nguyện viên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ y tế, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trực tiếp tham gia tuyến đầu chống dịch. Các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế đã trực tiếp tham gia phòng, chống dịch và đóng góp sức lực, tiền, hiện vật và nhiều khoản đóng góp khác với nhiều hình thức khác nhau, trong đó có nhiều khoản đóng góp, ủng hộ không lượng hóa được bằng tiền.
Tuy nhiên, theo bà Thuý Anh, đã có những sai phạm nghiêm trọng trong huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch, đặc biệt trong công tác nghiên cứu, nghiệm thu, chuyển giao, cấp phép lưu hành, hiệp thương giá, tổ chức sản xuất, mua bán kit xét nghiệm Covid-19 liên quan đến Công ty cổ phần công nghệ Việt Á và việc tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước cách ly tại cơ sở dân sự, tự nguyện trả phí trong thời gian dịch Covid-19; nhiều cán bộ ở trung ương và địa phương bị xử lý hình sự.
Qua giám sát, đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết giám sát sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các luật có liên quan đến lĩnh vực y tế cơ sở, y tế dự phòng, phòng thủ dân sự và tình trạng khẩn cấp; xây dựng, hoàn thiện các đề án thực hiện nhiệm vụ được giao tại các văn kiện của Đảng liên quan đến lĩnh vực y tế cơ sở, y tế dự phòng; bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản hướng dẫn thi hành luật trong công tác mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, hóa chất bảo đảm thống nhất với Luật Đấu thầu và Luật Giá; xây dựng, hoàn thiện các đề án thực hiện nhiệm vụ được giao tại các văn kiện của Đảng liên quan đến lĩnh vực y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Bên cạnh đó, đoàn giám sát cũng kiến nghị, tăng cường khả năng cung ứng dịch vụ y tế cơ sở, y tế dự phòng theo hướng y tế cơ sở bảo đảm thực hiện đầy đủ chức năng chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám bệnh, chữa bệnh, phòng, chống dịch, bệnh và nâng cao sức khỏe nhằm bảo đảm mọi người dân được chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng. Đẩy mạnh thực hiện mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Đồng thời, các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm các kết luận, kiến nghị của cơ quan kiểm tra, kiểm toán, thanh tra. Khẩn trương xử lý dứt điểm các vụ việc liên quan đến Công ty cổ phần công nghệ Việt Á theo chủ trương của Bộ Chính trị về phân loại xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm.
Tham nhũng trong hoạt động phòng, chống Covid-19 phải được xử lý nghiêm
ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) cho rằng, qua đại dịch chúng ta thấy sự chăm lo của Đảng, Nhà nước đến sức khỏe nhân dân, các cấp, các ngành thể chế hóa chủ trương của Đảng, các kết luận của Bộ Chính trị, của Ban Bí thư bằng rất nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về phòng, chống dịch và huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước thức xuyên đêm để chỉ đạo phòng, chống dịch; vào tâm dịch để thăm hỏi, động viên nhân dân. Kết quả, chúng ta đã phòng, chống dịch hiệu quả và phát triển kinh tế đạt được những thành tựu hết sức to lớn.
Tuy nhiên, theo ông Thông, qua giám sát chúng ta cũng thấy được những bất cập, lỗ hổng của các quy định pháp luật và những vấn đề tồn tại khác mà báo cáo của đoàn giám sát đã nêu. “Qua dịch Covid-19 chúng ta thấy rõ hơn lòng tham của một số người, kể cả những người có chức, có quyền đã lợi dụng sự mất mát, đau thương của người dân, của đất nước để cấu kết làm trái quy định pháp luật, làm giàu bất chính và thực tế đã bị pháp luật nghiêm trị” - ông Thông nói.
Theo ĐBQH Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội), những sai phạm nghiêm trọng trong hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua, “những cú lừa sắc như dao cắt” của Công ty Việt Á trong tổ chức cơ sở sản xuất, kit test rất đáng lên án. Tham ô, tham nhũng trong hoạt động phòng, chống Covid-19 cần phải xử lý thật nghiêm khắc.
Hoàn thiện quy định liên quan đến lĩnh vực y tế cơ sở, y tế dự phòng
Theo ĐBQH Nguyễn Văn Huy (đoàn Thái Bình), còn nhiều bất cập, vướng mắc, khó khăn trong hoạt động y tế cơ sở hiện nay khi mà tỷ lệ khám, chữa bệnh BHYT tại trạm y tế xã trên tổng số lượt khám, chữa bệnh BHYT ở các cấp chuyên môn kỹ thuật giảm; điều kiện về thuốc, trang thiết bị tại trạm y tế xã chưa bảo đảm để thực hiện các nhiệm vụ được giao. Đây là điều rất đáng phải suy nghĩ để có những giải pháp khắc phục. Chưa kể, tình trạng nhân lực và năng lực y tế cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ, chế độ đãi ngộ cho cán bộ, nhân viên y tế cũng còn nhiều bất cập.
Chung quan điểm, theo ĐBQH Phạm Đình Thanh (đoàn Kon Tum), hoạt động y tế cơ sở, y tế dự phòng còn gặp nhiều khó khăn, yếu kém. Cơ chế chính sách còn bộc lộ nhiều vấn đề bất cập cần phải được nghiêm túc xem xét và sớm có giải pháp khắc phục. Chính sách đối với y tế cơ sở, y tế dự phòng hiện nay còn chưa phù hợp, số lượng nhân lực y tế cơ sở còn thấp. Việc tuyển dụng, thu hút bác sĩ về làm việc tại các trạm y tế gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vùng miền núi, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn; nguồn nhân lực chất lượng chuyên sâu tại y tế cơ sở, y tế dự vòng thiếu, số lượng bác sĩ được đào tạo chính quy làm việc tại y tế cơ sở rất thấp, phần lớn đào tạo theo hình thức chuyên tu, liên thông.
Do đó, Chính phủ cần sớm chỉ đạo rà soát trình Quốc hội ban hành các dự án Luật để bổ sung hoàn thiện quy định liên quan đến lĩnh vực y tế cơ sở, y tế dự phòng; tiếp tục nghiên cứu bổ sung cơ chế cụ thể để bảo đảm tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân viên y tế nói chung, nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng nói riêng, đảm bảo tương xứng với công sức và đặc thù công việc.
Nâng cao năng lực cho cán bộ y tế cơ sở
Theo ĐBQH Nguyễn Văn Huy (đoàn Thái Bình) để y tế cơ sở bảo đảm thực hiện đầy đủ chức năng chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám, chữa bệnh, phòng, chống dịch bệnh và nâng cao sức khỏe nhằm bảo đảm cho mọi người dân đều được chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng cần phải thể chế rõ phạm vi của y tế tuyến huyện, y tế tuyến xã và y tế thôn, bản gắn với chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng tuyến, quan tâm đổi mới cơ chế tài chính, cơ chế chi trả của Quỹ BHYT theo hướng là tăng chi cho y tế cơ sở, đổi mới chính sách và phương thức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ y tế cơ sở, nhất là nhân lực làm việc tại các trạm y tế xã.