Sáng 9/11, tại TP Tam Kỳ, Hội Nhà báo tỉnh Quảng Nam tổ chức buổi tọa đàm “Báo chí trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0”. Tham dự buổi tọa đàm, có 70 đại biểu đến từ các Sở, ban, ngành tỉnh Quảng Nam và Chi hội Nhà báo Quảng Nam.
Ông Nguyễn Hữu Sáng, Phó trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam phát biểu.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, nhà báo Lê Văn Nhi, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Quảng Nam, Tổng Biên tập Báo Quảng Nam cho rằng, theo nhận định của Cục Báo chí, Bộ TT&TT, cách mạng công nghiệp 4.0 đã từng bước thâm nhập vào đời sống báo chí Việt Nam khoảng 10 năm trở lại đây và làm thay đổi nhanh chóng về tổ chức, hoạt động, cũng như hiệu quả của báo chí. Điều dễ thấy là với sự hỗ trợ của công nghệ, quy trình tổ chức sản xuất, xuất bản các sản phẩm báo chí nhanh hơn nhiều so với phương thức hoạt động của báo chí truyền thống.
Ông Nguyễn Hữu Đổng, Phó Tổng Biên tập Báo Quảng Nam cho rằng: “Sự ra đời của mạng xã hội đã tạo ra thách thức ghê gớm với nghề báo. Báo chí phải cạnh tranh với nhau và với mạng xã hội. Lấy ví dụ ở Việt Nam, với khoảng 40 triệu tài khoản facbook, chỉ cần 1% trong số đó xuất hiện với tư cách “người đưa tin” ở mọi lúc mọi nơi thì đã gấp hơn 2 lần lượng nhà báo có thẻ (18 ngàn người) hiện nay. So với khối lượng thông tin đồ sộ trên các mạng xã hội khó có tờ báo nào - nhất là báo in, có thể sánh kịp, nhất là về độ nhanh nhạy”.
Trình bày tham luận, nhà báo Dương Tấn Huy, Trưởng đài TT-TH thị xã Điện Bàn chia sẻ: “Đối với các kênh truyền thông (mạng) chính thống, cấp trên nên cân nhắc và phối hợp với cơ sở để kiểm chứng, phản biện kịp thời các thông tin thiếu chính xác. Hạn chế việc phổ cập một số thông tin thiếu chính xác để hình thành tác phẩm báo chí đưa lên mạng gây phản cảm cho người xem. Mặt khác lãnh đạo các cơ quan báo chí cấp trên có thể giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho một số phóng viên, biên tập viên để kịp thời có những thông tin chính thống, các phản biện xã hội trên các báo, đài,… nhằm tạo dư luận tốt cho xã hội và sự yên tâm của nhân dân”.
Còn ông Doãn Thành Trí, Chi hội Báo Quảng Nam nhấn mạnh: Chưa bao giờ, những người làm báo buộc phải thay đổi phương thức tác nghiệp, thích nghi với cách làm việc mới nhiều như hiện nay. Tất nhiên có những phần việc chỉ yêu cầu cách thức tác nghiệp thông thường theo cách truyền thống. So với trước, người làm báo phải kiêm nhiều việc hơn, biết xử lý nhiều phương tiện tác nghiệp hiện đại, phải hiểu biết nhiều chức năng từ một tòa soạn hội tụ là như thế nào cho đến việc làm sao phải đáp ứng yêu cầu của công chúng.
Quang cảnh tọa đàm.
Phát biểu chỉ đạo buổi tọa đàm, ông Nguyễn Hữu Sáng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam nhấn mạnh: “Việc định hướng đúng đắn dư luận xã hội luôn là một thách thức, một yêu cầu khó; khả năng tác động của báo chí vào công chúng và dư luận xã hội còn chưa đồng đều, hiệu quả chưa thật sự rõ nét; chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan báo chí về những vấn đề nhạy cảm, bức thiết; thiếu phương tiện và kênh thông tin cần thiết để nắm bắt dư luận xã hội một cách chính xác, kịp thời, hiệu quả…”.
Theo ông Sáng, trước xu hướng thông tin trên mạng ngày càng nhiều, có cả những thông tin tốt và thông tin xấu, độc, từng cơ quan báo chí và mỗi nhà báo phải đề cao trách nhiệm, chọn lọc thông tin, kiểm định tính xác thực; làm tốt chức năng định hướng dự luận xã hội, hướng người dân vào những giá trị chân, thiện, mỹ, xây dựng môi trường thông tin lành mạnh.