Mặt trận

Báo Cứu Quốc giữa lòng dân

Bùi Thị Hoàn (Giám đốc Bảo tàng MTTQ Việt Nam) 25/12/2023 07:12

Ra đời năm 1942 giữa lúc cao trào giải phóng dân tộc phát triển mạnh mẽ, Báo Cứu Quốc - cơ quan cổ động của Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh) với sứ mệnh kêu gọi, hiệu triệu đồng bào hợp sức, đồng lòng đánh Pháp, đuổi Nhật, giành độc lập, tự do. Chặng đường hình thành và phát triển đầy gian khổ và vinh quang, Báo Cứu Quốc (1942-1977) đã đồng hành cùng vận mệnh đất nước và in dấu ấn sâu đậm giữa lòng nhân dân.

untitled-1.jpg
Những số Báo Cứu Quốc được xuất bản trong sự đùm bọc của nhân dân. Ảnh: Quang Vinh.

Là cơ quan cổ động của Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh), song Báo Cứu quốc lại do Tổng Bí thư Trường Chinh thay mặt Đảng trực tiếp phụ trách từ năm 1942 đến năm 1944 và từ năm 1944 do đồng chí Xuân Thủy làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút. Điều đó cho thấy vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận và công tác báo chí nói chung, Báo Cứu quốc nói riêng. Cần lưu ý rằng, ngày 10/10/1942, Trung ương Đảng xuất bản Báo Cờ giải phóng và cũng do Tổng Bí thư Trường Chinh phụ trách. Từ năm 1942 đến năm 1944, Báo Cờ giải phóng ra được 16 số tại trụ sở ở Đông Anh, Hà Nội. Báo Cứu Quốc - tờ báo của Mặt trận Việt Minh chịu sự lãnh đạo của Đảng và Mặt trận đồng thời luôn có quan hệ và phối hợp với tờ báo của Đảng.

Trong thời kỳ đấu tranh, hoạt động bí mật, cơ quan Báo Cứu Quốc đã phải chuyển địa điểm nhiều lần: Kim Anh (Phúc Yên), Thuận Thành, Tiên Du (Bắc Ninh), Hạ Dương, Trâu Quỳ (Gia Lâm), chùa Thầy (Sài Sơn, Quốc Oai, Sơn Tây), Vạn Phúc (Hà Đông), Thu Quế (Song Phượng, Đan Phượng, Hà Đông) trong sự đùm bọc, chở che của nhân dân. Hoạt động bí mật nhưng Báo Cứu Quốc là tờ báo lưu hành rộng rãi nhất lúc bấy giờ. Báo Cứu Quốc đã cất lên tiếng nói về sự lầm than, thống khổ, những nguyện vọng, quyền lợi chính đáng và mong ước, khát vọng thiết tha của quần chúng nhân dân lao động. Báo Cứu Quốc đã vượt qua mọi sự khó khăn, ngáng trở, tìm mọi con đường, ngã rẽ để đến với đồng bào, tuyên truyền, kêu gọi, vận động, đoàn kết, tập hợp nhân dân cùng đứng lên đấu tranh giành quyền làm chủ và độc lập, tự do cho dân tộc.

Trong Hồi ký “Những chặng đường Báo Cứu Quốc”, đồng chí Xuân Thủy chia sẻ: Khi được tổ chức giao viết bài cho số Báo “Cứu Quốc đặc san về vấn đề hải ngoại”, ông được bố trí ở trong một gian nhà tranh, gần lũy tre, thông ra cánh đồng. Hàng ngày, thức ăn được bày trên bàn mộc. Cơm hầm, muối vừng thi thoảng có đậu phụ kho tương. Nhà sư và chú tiểu của ngôi chùa ở làng Ngọc Giang ven đê giúp đỡ cán bộ cách mạng rất chu đáo.

Từ năm 1944, Báo Cứu Quốc do đồng chí Xuân Thủy làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút. Cơ quan báo đặt ở Tiên Du, Bắc Ninh đã bị lộ và chuyển đến núi Thầy, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Đông. Nhà in Báo Cứu Quốc đặt ở núi Thầy. Anh em nhà in ăn ngủ và có thể làm việc trong một ngôi nhà lợp rạ của hai anh em người “mõ” làng để che mắt địch. Đầu thôn Đa Phúc thuộc xã Sài Sơn đặt hai trạm giao thông bí mật. Một trạm để chuyển giấy mực từ xa đến rồi đưa vào hang. Một trạm để chuyển báo từ trong núi ra rồi đưa đi phân phát nhiều nơi. Ngoài ra, cả trên làng dưới bãi còn đặt các trạm đón cán bộ biên tập từ các nơi đến làm việc. Nơi ăn ở, họp hành đều có chỗ chính, chỗ phụ. Đồng chí Xuân Thủy được sắp xếp ở dưới bãi giáp sông Đáy. Cứ ở xóm này mấy hôm lại chuyển đi xóm khác và đều được các gia đình ở địa phương che chắn, bảo vệ.

Tờ báo Cứu Quốc số Xuân Kỷ Dậu 1945 được chuẩn bị kỳ công cả nội dung và hình thức với trọng tâm của tờ báo là khởi nghĩa. Báo đã in xong và chuyển đi một phần thì sáng sớm hôm sau lính kéo về đầy làng khám xét, lục soát. Một số người dân địa phương là cơ sở của cách mạng đã kịp thời tẩu tán số báo còn lại, cấp tốc báo cho cán bộ trốn thoát, che chắn cho những cán bộ bị mắc kẹt. Không bắt được cán bộ, địch cho kéo mấy cái xe bò giấy mực, dụng cụ nhà in đi, bao vây núi Thầy và canh gác các ngả đường. Có cán bộ là người dân địa phương đã thoát ra ngoài nhưng không nề hà nguy hiểm cải trang quay về làng để nắm tình hình.

Sau khi địa điểm ở núi Thầy bị lộ, cơ quan Báo Cứu Quốc được chuyển đến Vạn Phúc. Nhà dân vẫn là căn cứ địa an toàn nhất được tổ chức lựa chọn. Tòa soạn đặt ở nhà ông bà Ba Niệm. Nhà in đặt ở nhà ông bà Bính Thu. Hai nhà liền nhau đều chật chội nhưng tấm lòng rộng mở: “Nhà in, tòa soạn, chiếc giường con. Một buồng dăm thước xoay ngang dọc/ Mà bốn phương trời dậy núi non”. (Nhiều tác giả: Hồi ký Những chặng đường Báo Cứu Quốc, Nhà xuất bản Hà Nội, 1987).

Tháng 4/1945, cơ quan Báo Cứu Quốc được lệnh chuyển đến thôn Thu Quế, xã Song Phượng, huyện Đan Phượng, Hà Đông. Nhà in Phan Đình Phùng được đặt ở dưới bãi trong gian buồng nhà ông Nguyễn Văn Bảy, xung quanh là vườn mía và cây ăn quả. Kho giấy, mực in để ở nhà chị Thìn. Tòa soạn đặt ở trên làng, là một ngôi nhà phụ của ông bà Nguyễn Văn Tề. Đó là một ngôi nhà tre lợp rạ lụp xụp, vừa là bếp đun, vừa là nơi ban biên tập làm việc. Anh Tạo nhà bên cạnh phụ trách tự vệ hàng ngày nắm bắt và phản ánh tình hình nhân dân và bọn hào lý trong làng cho cán bộ biết. Trạm giao thông đặt ở nhà ông bà Nguyễn Văn Sinh. Nhà ông Sinh có điện thờ, nhiều người đến cúng lễ nên cán bộ ra vào gặp gỡ nhau cũng thuận tiện. Trong không khí sục sôi của cách mạng Tháng Tám năm 1945, tờ báo Cứu Quốc kêu gọi Tổng khởi nghĩa ra mắt vào thời khắc đặc biệt của lịch sử có sức hiệu triệu to lớn, mạnh mẽ quân và dân ta cương quyết tiến lên, vùng dậy giành lấy quyền độc lập của nước nhà. Báo in đến đâu phân phát đến đó. Tối 18/8/1945, theo sự chỉ đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ, cuộc họp gấp rút bàn về việc chuyển cơ quan Báo Cứu Quốc về Hà Nội diễn ra tại nhà ông bà Nguyễn Văn Tề. Ông bà Tề trẩy những chùm nhãn ngon nhất mời cán bộ ăn. Công tác chuẩn bị diễn ra suốt đêm trong thời tiết khô lạnh. Ông bà Tề và anh Tạo, phụ trách tự vệ chẳng quản ngại khó khăn, nguy hiểm đã thức cùng anh em tòa soạn báo, phân công nhau canh gác đảm bảo an toàn cho cán bộ.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, trong niềm hân hoan của cả dân tộc, trụ sở Báo Cứu Quốc được chuyển về số 144 Hàng Trống (nay là trụ sở Báo Hà Nội Mới) bắt đầu chặng đường hoạt động công khai ra báo hàng ngày giữa Thủ đô Hà Nội và có mặt ở khắp nơi trên các miền đất nước.

Bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ, gian khổ, Báo Cứu Quốc lại tiếp tục sống giữa lòng nhân dân. Do tính chất và tình hình của cuộc kháng chiến, tòa soạn báo liên tục những cuộc di chuyển đến nhiều nơi: Phú Thọ, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Thái Nguyên… Trong cuộc “trường chinh” tiến về Tây Bắc đầy khó khăn, vất vả, tòa soạn Báo Cứu Quốc lại nhận được sự ủng hộ, trợ giúp đắc lực của quần chúng nhân dân. Ở đâu, nhân dân địa phương cũng nhường nhà cho ở, đặt máy in. Nhân dân sửa đường để xe ô tô hoặc xe trâu chở máy móc vào làng, có ý thức bảo vệ cơ quan báo, giữ tuyệt đối bí mật việc cơ quan đóng trong làng. Khi tòa soạn báo rơi vào giữa vòng vây của địch, đồng bào vùng cao hăng hái xung phong chân đất leo núi, băng rừng giúp cán bộ chuyển kho vật tư lên núi, hết lòng giúp đỡ, bảo vệ, cung cấp gạo ăn, thực phẩm. Đồng bào còn tổ chức lên rừng chặt giang bán cho xưởng in làm giấy đều đặn, đầy đủ. Nhiều em thiếu niên địa phương làm nhiệm vụ liên lạc của tòa soạn, khi tòa soạn chuyển đi, có em còn trốn nhà đi theo, khi bị địch bắt đã thông minh và dũng cảm hy sinh để bảo vệ kho giấy, kho mực của tòa soạn. Nhờ vậy mà trong những năm chiến đấu chống Pháp cam go, ác liệt, Báo Cứu Quốc ở Trung ương vẫn ra đều đặn, hàng ngày không bị gián đoạn vì tình hình chiến sự và còn phát triển ra các liên khu theo bước chân kháng chiến.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Báo Cứu Quốc tiếp tục đồng hành cùng vận mệnh dân tộc và cuộc sống lao động, chiến đấu anh dũng của nhân dân ta. Dù trong bất luận hoàn cảnh nào thì tinh thần đại đoàn kết vẫn thấm đẫm và chan chứa trong từng câu chữ, từng trang báo có sức lay động và lan tỏa mạnh mẽ, khơi dậy sức mạnh, ý chí, bản lĩnh của toàn dân tộc để đóng góp cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Năm 1977, cơ quan Báo Cứu Quốc được hợp nhất cùng với Báo Giải Phóng thành Báo Đại Đoàn Kết.

Nhìn lại chặng đường đầy gian khổ, thử thách nhưng cũng rất đỗi vinh quang, hào hùng mà Báo Cứu Quốc đã trải qua càng thấy trân trọng hơn những đóng góp to lớn của Báo Cứu Quốc đối với dân tộc và sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam. Báo Cứu Quốc đã xác lập được một vị trí vững chắc trong dòng chảy lịch sử và trong lòng nhân dân. Cùng với sự dũng cảm dấn thân, nỗ lực không ngừng, tận tâm, tận lực cống hiến của đội ngũ cán bộ, nhân viên làm báo chính là suối nguồn yêu thương, là sự che chắn, bao bọc của lòng dân tạo thành tấm khiên vững chắc giúp Báo Cứu Quốc vượt qua mọi thác ghềnh gian nan, hoàn thành trọng trách của Đảng, nhân dân đã tin tưởng gửi gắm và đặt những viên gạch nền vững chắc cho sự trưởng thành, phát triển của Báo Đại Đoàn Kết hôm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Báo Cứu Quốc giữa lòng dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO