Những ngày qua, tình trạng mất an toàn tại một số cơ sở giáo dục đã được ghi nhận, cho thấy sự cần thiết phải tìm ra giải pháp hiệu quả nhằm xây dựng môi trường học đường an toàn và bền vững hơn.
Những vụ việc đau lòng
Trường THCS thị trấn Đồi Ngô số 1 (huyện Lục Nam, Bắc Giang) vừa tạm đình chỉ học tập 3 học sinh trong vụ xô xát sau giờ học, chờ kết luận của công an. Trước đó, khoảng 11 giờ 30 phút ngày 22/4, hết giờ học buổi sáng, học sinh N.D.L. (học lớp 6) bị các học sinh P.T.D., D.G.B. (lớp 7) đánh tại khu vực nhà Đa năng. Trong quá trình xô xát đó, học sinh N.N.D. (lớp 7) dùng điện thoại quay lại video và xuất hiện trên mạng xã hội.
Một học sinh của Trường Mầm non Cẩm Trung (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã tử vong trong bể chứa nước của nhà trường do bảo vệ quên khóa cửa và đậy nắp bể khi bơm nước. Do nguồn nước của trường bị nhiễm phèn nên để đảm bảo an toàn cho học sinh, nhà trường đã xây dựng bể chứa nước, làm hệ thống lọc nước. Bình thường khu vực bể sẽ có cửa và được khóa cẩn thận, nhưng do bơm nước chưa xong nên lúc đó bảo vệ chưa kịp khóa. Bé D. chậm phát triển ngôn ngữ và mắc chứng tăng động, thường xuyên rời khỏi lớp học. Hôm đó, bé cũng chạy ra khỏi lớp, một cô giáo có đi cùng để trông chừng nhưng có vài phút cô giáo vào nhà vệ sinh, ra thì không thấy học sinh đâu nên đã báo nhà trường cùng đi tìm…
Để chuẩn bị chương trình văn nghệ, Trường THCS thị trấn Ba Tơ (Quảng Ngãi) đã thuê trọn gói dịch vụ âm thanh, ánh sáng, sân khấu từ ông T.Đ.T. (trú xã Ba Động, huyện Ba Tơ). Trong quá trình lắp đặt, chiều 25/4 xuất hiện mưa lớn từ khoảng 16 giờ đến gần 17 giờ nhưng việc chạy thử chương trình sau đó không ghi nhận sự cố. Đến khi chương trình diễn ra, một giáo viên thông báo với lãnh đạo nhà trường về việc một số học sinh cảm thấy tê dưới chân, nghi ngờ có hiện tượng rò rỉ điện. Ngay sau đó, nhà trường yêu cầu bộ phận kỹ thuật kiểm tra và được thông báo rằng hệ thống điện đã được khắc phục, đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, khoảng 21 giờ 30 cùng ngày khi đến tiết mục văn nghệ thứ 18 trong tổng số 20 tiết mục, em T.C.T. (học sinh lớp 9) bất ngờ bị điện giật. Dù đã được cấp cứu tích cực nhưng nạn nhân không qua khỏi.
Những vụ việc liên quan đến tai nạn thương tích xảy ra trong trường học, dù đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho ngành giáo dục. Các nhà trường nói chung cần quan tâm hơn nữa đến công tác đảm bảo an toàn trường học, để mỗi ngày học sinh đến trường thực sự là một ngày vui.
Giải pháp đồng bộ từ nhà trường - gia đình - xã hội
Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã có nhiều văn bản gửi các Sở GDĐT về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn trường học. Trong đó, nhấn mạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, gia đình học sinh và cộng đồng về phòng, chống bạo lực học đường, an toàn giao thông, đuối nước, vệ sinh an toàn thực phẩm và các tai nạn thương tích thường gặp khác. Bộ cũng chỉ đạo các nhà trường tổ chức đa dạng các hoạt động giáo dục nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng cho học sinh ứng phó, phòng chống, ngăn chặn và xử lý kịp thời các tình huống xảy ra; nâng cao hiệu quả thực hiện quy tắc ứng xử văn hóa, quy chế dân chủ trong nhà trường.
Các Sở GDĐT chỉ đạo các cấp quản lý phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, cơ quan liên quan trong việc bảo đảm an toàn trường học; giữ mối liên hệ thường xuyên, kịp thời với gia đình và địa phương để nắm bắt tình hình; xử lý nghiêm hành vi vi phạm theo quy định, bảo đảm an toàn quyền, lợi ích hợp pháp của học sinh. Ngoài ra, các Sở GDĐT cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện công tác bảo đảm an toàn trường học.
Tuy nhiên, trước những sự việc mất an toàn trường học, nhiều ý kiến cho rằng, ngành giáo dục cần sớm đánh giá tình hình và nghiên cứu sửa đổi tiêu chí xây dựng trường học an toàn phòng, chống tai nạn thương tích, bảo đảm phù hợp thực tiễn.
Đối với các nhà trường, cần thường xuyên xây dựng các chuyên đề về giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ bản thân, phòng, chống xâm hại, bạo lực học đường, phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước lồng ghép trong các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, hoạt động Đoàn, Đội… Cần xây dựng cơ chế giám sát chặt chẽ, giúp theo dõi và đánh giá quá trình thực hiện an toàn trường học một cách khoa học và minh bạch. Khi có hệ thống theo dõi rõ ràng, các trường học sẽ có động lực hơn trong việc thực hiện đúng các quy định về an toàn.
Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Trần Thế Cương khẳng định, quan điểm xuyên suốt là xây dựng môi trường học đường lành mạnh, thân thiện theo “3 chữ an” để học trò đến trường phải được an toàn, thầy cô giáo phải được an toàn và phụ huynh đưa con đến trường thì được an tâm. Các nhà trường đặc biệt quan tâm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm công tác bán trú và các điều kiện bảo đảm an toàn trong việc đưa - đón học sinh... Đặc biệt, tăng cường các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn trường học là một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm học 2024 - 2025.