Việc Bảo hiểm xã hội Việt Nam gửi ý kiến tới Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về phương án điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng tăng thêm 8% từ ngày 1/7/2024, đang nhận được nhiều ý kiến không tán đồng. Cho dù cơ quan bảo hiểm cho rằng mức điều chỉnh lương hưu như vậy là phù hợp (căn cứ mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng năm 2023 là 3,25% và tăng trưởng kinh tế năm 2023 là 5,05%).
Được biết, trong tháng 4, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) sẽ trình dự thảo Nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng để phù hợp với cải cách tiền lương. Trước khi trình Chính phủ, Bộ LĐTBXH sẽ lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về dự thảo Nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng.
Tuy nhiên, cũng cần nhắc lại, trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 42/2023 ngày 29/6/2023 điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng. Theo đó, từ 1/7/2023, tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng từ 12,5% đến 20,8%.
Thực tế cho thấy, lương đối với người lao động vẫn luôn “đuổi theo giá”, chính vì thế Chính phủ chủ trương điều chỉnh lương một cách cơ bản, dự kiến bắt đầu thực hiện từ 1/7/2024. Lương người đang đi làm đã thấp, thì tất nhiên lương người nghỉ hưu còn thấp hơn nhiều. Đa số người hưởng lương hưu không có nguồn thu nhập nào khác nên nhiều người vẫn phải làm việc để trang trải cuộc sống. Nhất là khi tuổi già đến thì cũng là lúc bệnh tật ùn ùn kéo đến. Chi phí thuốc men, điều trị bệnh tật đôi khi “ngốn” hết lương của người hưu trí.
Lúc đó, bất đắc dĩ họ phải trông nhờ vào con cháu.
Vì thế, cải cách tiền lương đi đôi với điều chỉnh lương hưu chính là sự tiến bộ xã hội và bảo đảm tính ưu việt của chế độ.
Trong buổi làm việc đầu năm mới 2024, chính Bộ trưởng LĐTBXH Đào Ngọc Dung cũng cho rằng, cải cách tiền lương phải đi đôi với điều chỉnh chính sách lương hưu theo tinh thần không để người hưu trí rơi vào khó khăn, thiệt thòi hơn khi cải cách. Theo Bộ trưởng, khi cải cách tiền lương, mặt bằng chung tiền lương với người lao động cả nước nâng lên mà lương hưu không được điều chỉnh tốt thì người hưởng lương hưu rất thiệt thòi. “Do đó, cần tính toán cân đối, hài hòa. Nếu mức lương của cán bộ công chức, viên chức tăng 23,5% thì ít nhất lương hưu phải tăng 15%" - ông Dung nói.
Dư luận xã hội và nhiều người nghỉ hưu băn khoăn khi hai mức đề xuất tăng lương hưu 8% và 15% từ ngày 1/7/2024 có sự chênh lệch quá lớn. Thực tế tăng lương hưu chỉ 8% thì khó cải thiện mức sống của người cao tuổi. Đặc biệt, trong bối cảnh mức lương mới của người lao động tăng mạnh (trong khoảng 25% đến 30%), và giá cả thị trường leo thang.
Theo ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, tới đây, cán bộ công chức, viên chức được điều chỉnh lương cao hơn thì người về hưu cũng cần được tăng lương hưu ở mức cao. Còn tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐTBXH) cho rằng, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất điều chỉnh 8% là rất thấp, không bằng mức lương tối thiểu bình quân của 4 vùng hiện nay, sẽ gây hụt hẫng cho những người hưởng chế độ hưu trí. Theo ông Dũng, nếu Bộ LĐTBXH đưa ra mức tăng lương cán bộ công chức, viên chức là 23,5% thì đề xuất tăng lương hưu 15% là phù hợp.
Đáng chú ý, nhiều ý kiến cho rằng với việc Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất mức tăng lương hưu 8% thì quỹ bảo hiểm xã hội đỡ áp lực hơn, nhưng lại tạo ra khoảng cách lương của người về hưu trước và người nghỉ hưu sau cải cách tiền lương ngày càng bị kéo giãn.
Lương hưu là quyền lợi của người lao động sau khi được nghỉ chế độ. Đó cũng chính là nguồn lực hết sức cần thiết để thực hiện an sinh xã hội. Đành rằng ưu tiên cải cách tăng lương cho người đang làm việc, nhưng với hơn 3,3 triệu người hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng trong cả nước cũng cần được quan tâm đúng mức. Chắc chắn rằng, trong tương quan dự kiến mức tăng lương của người đang làm việc với người đã nghỉ hưu, khoảng cách càng xa thì người cao tuổi cùng gia đình của họ càng gặp khó khăn.