Bảo đảm nước sạch cho người dân

Lê Anh 02/08/2023 10:00

Không chỉ đối diện với sụt giảm nước ngầm do sử dụng giếng nước khoan, TP Hồ Chí Minh còn phải ứng phó với tình trạng suy thoái, cạn kiệt và sụt lún đất ngày càng phức tạp do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Vậy giải pháp nào cho vấn đề này?

Lắp đặt đường cung cấp nước sạch tại một khu nhà trọ ở quận Tân Phú (TPHCM). Nguồn: SAWACO.

Sụt giảm nước ngầm

Dù đã có nước máy, thế nhưng gia đình ông Trần Văn Tân (huyện Hóc Môn) vẫn giữ thói quen sử dụng nước giếng khoan cho các sinh hoạt hàng ngày từ hơn 30 năm qua. Ông Tân giải thích do gia đình chăn nuôi heo và sản xuất nông nghiệp cần nhu cầu nước thường xuyên, trong khi nếu dùng nước máy thì sẽ phát sinh chi phí cao. Hiện nay, cả gia đình với 7 nhân khẩu chủ yếu sử dụng nước máy cho việc nấu ăn và tắm giặt.

Khảo sát của UBND huyện Hóc Môn mới đây về tình hình sử dụng nước giếng khoan trên toàn địa bàn cho thấy, vẫn còn tới hơn 43.000 giếng khoan, với lưu lượng nước ngầm được khai thác trung bình hơn 66.000 m3/ngày đêm.

Không chỉ tại các huyện ngoại thành TPHCM, khảo sát tại quận trung tâm như Tân Phú cũng cho thấy, còn tồn tại khoảng gần 2.400 giếng khoan. Hiện nay, UBND quận Tân Phú vẫn kiên trì lộ trình thực hiện hàng năm, phấn đấu đến năm 2025 vận động người dân ngừng sử dụng và trám lấp hoàn toàn gần 2.400 giếng khoan trên địa bàn này.

Không chỉ đối diện với sụt giảm nước ngầm do sử dụng giếng khoan, TPHCM còn phải ứng phó với tình trạng suy thoái, cạn kiệt và sụt lún đất ngày càng phức tạp do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Trong báo cáo về giám sát chất lượng các nguồn nước sạch được sử dụng cho mục đích sinh hoạt trên địa bàn, bà Lê Hồng Nga - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM cho biết, đã phát hiện nhiều vị trí không đạt một trong các thông số về pH, Clo dư, màu sắc, mùi vị nằm rải rác tại nhiều quận, huyện.

Về những thách thức rất lớn do sụt giảm nước ngầm, ông Bùi Thanh Giang - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO) cho biết, đơn vị này đang nỗ lực để thực hiện nhiều biện pháp giảm tỉ lệ thất thoát nước, ứng dụng số hóa đểphục vụ người dân tốt hơn.

Lộ trình đến năm 2025

TPHCM đã triển khai chương trình về cung cấp nước sạch và chấm dứt khai thác nước ngầm từ ba năm qua (giai đoạn 2020-2030). Dù vậy, kết quả vẫn chưa như kỳ vọng. Để giảm được số lượng giếng khoan, công tác vận động người dân hạn chế sử dụng nước ngầm, thậm chí ngưng sử dụng hoàn toàn giếng khoan cần sự phối hợp, quyết tâm rất lớn từ các cấp cơ sở và các đơn vị liên quan.

Liên quan đến tình trạng sụt lún đất diễn biến phức tạp, ông Trần Nguyên Hiền - Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, hiện nay ưu tiên lớn nhất là đảm bảo khả năng quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý, lâu dài các nguồn tài nguyên nước dưới đất, hạn chế ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt và sụt lún đất.

TPHCM đã ban hành kế hoạch giảm khai thác nước dưới đất và trám lấp giếng khai thác nước dưới đất trên địa bàn đến năm 2025. Trong khoảng 4 năm gần nhất, thành phố đã giảm được tỷ lệ sử dụng nước ngầm từ 716.581 m3/ngày xuống còn 264.581 m3/ngày. Ngoài lộ trình giảm khai thác nước dưới đất, hiện nay Sở TNMT cũng đang tập trung giảm sử dụng nước ngầm ở nhóm đối tượng sử dụng nước dưới đất là hộ gia đình. Trong đó, đẩy nhanh công tác phát triển mạng lưới cấp nước, đảm bảo áp lực và chất lượng nước sạch, đồng thời khuyến khích người dân sử dụng nước sạch, hạn chế sử dụng nước giếng khoan.

Ngoài quản lý nhà nước, nhiều ý kiến cũng cho rằng vai trò của công tác vận động người dân của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội của TPHCM sẽ quyết định vào hiệu quả của việc quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên nước ngầm, đảm bảo an ninh nguồn nước và cung cấp nước sạch bền vững cho người dân đô thị.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bảo đảm nước sạch cho người dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO