Ngày 10/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Dự thảo Luật đã bổ sung một số quy định mới phù hợp với xu hướng, tiến trình chuyển đổi số.
Chuyển đổi số tạo thuận lợi cho người dân
Trình bày tờ trình về Luật Trật tự, an toàn giao thông (ATGT) đường bộ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, theo thống kê, từ năm 2009 đến nay, toàn quốc đã xảy ra hơn 379 nghìn vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết hơn 124 nghìn người, bị thương hơn 367 nghìn người, chiếm hơn 97% số vụ, số người chết, người bị thương trong tổng số vụ tai nạn của các loại hình giao thông, gây thiệt hại rất lớn về tài sản. Trung bình hàng năm có gần 9 nghìn người chết, gần 30 nghìn người bị thương, trong đó chủ yếu trong độ tuổi lao động, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, việc xây dựng, ban hành Luật Trật tự, ATGT đường bộ xuất phát từ yêu cầu thực tiễn khách quan với mục tiêu quan trọng là bảo đảm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân khi tham gia giao thông, xác định cụ thể cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chính về trật tự, ATGT đường bộ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; đảm bảo sự điều chỉnh sát thực tế về pháp lý; khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập của Luật Giao thông đường bộ hiện hành, phù hợp với xu thế phát triển phát luật của nước ta và thông lệ quốc tế.
Bộ trưởng cho biết, Chương IV người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ gồm 11 điều, từ Điều 49 đến Điều 59 quy định về: Điều kiện của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ; giấy phép lái xe; tuổi, sức khỏe của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ; đào tạo lái xe; sát hạch lái xe. Dự thảo Luật đã bổ sung một số quy định mới phù hợp với xu hướng, tiến trình chuyển đổi số, tạo thuận lợi cho người dân.
“Theo đó đối với một trong các giấy tờ: giấy phép lái xe, chứng nhận đăng ký xe, chứng nhận kiểm định, chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự, trong trường hợp thông tin của các loại giấy tờ nào đã được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử, thẻ căn cước theo quy định thì không phải mang theo” - Bộ trưởng Tô Lâm cho hay.
Thẩm tra dự án Luật, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới, Ủy ban Quốc phòng an ninh nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Trật tự, ATGT đường bộ. Bởi Luật Giao thông đường bộ được ban hành năm 2008, sau 15 năm thực hiện cho thấy nhiều quy định của Luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, không đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý trong lĩnh vực này.
Cân nhắc cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện mà hơi thở có nồng độ cồn
Về các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 8), một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định cấm tuyệt đối người “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” (khoản 1). Một số ý kiến khác nhất trí với quy định này, vì thực tiễn thực hiện đã chứng minh tính hiệu quả.
Về các hành vi bị nghiêm cấm như: điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong cơ thể có chất ma túy hoặc các chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng, ĐB Sùng A Lềnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai) bày tỏ quan điểm đồng tình với quy định trên; nhưng đề nghị bổ sung cụm từ “đường bộ” vào sau cụm từ “điều khiển phương tiện tham gia giao thông” để bảo đảm thống nhất. “Theo đó, cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” - ông Lềnh nêu.
Cũng đề cập quy định nghiêm cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, ĐB Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn ĐBQH TPHCM) đề nghị quy định rõ “có nồng độ cồn” hay “có nồng độ cồn vượt quá quy định cho phép?”.
Bà Lan cho rằng, cần thiết kế lại theo hướng có thể lựa chọn mức nồng độ cồn thấp để quy định không được vượt quá. Nếu không đôi khi không uống gì, thổi cũng lên nồng độ cồn. “Quy định này cần có sự hợp lý, có lộ trình cụ thể để người dân dần hạn chế, tiến tới không sử dụng rượu bia trước khi lái xe” - bà Lan nói và cho rằng sau khi Luật Trật tự, ATGT đường bộ được ban hành, sẽ phải ban hành nghị định mới thay thế Nghị định 100/2019 của Chính phủ.
Theo ĐB Cao Thị Xuân (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa), quy định hành vi bị nghiêm cấm là điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn được luật hóa từ Nghị định 100. Như vậy, tất cả trường hợp tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn đều vi phạm và bị xử phạt.
Bà Xuân đề nghị, Chính phủ tổng kết, đánh giá lại, đánh giá tác động việc thực hiện Nghị định 100 thời gian qua. “Quốc hội bấm nút thông qua dự án luật này phải có tính toán, rà soát kỹ lưỡng vì quy định trên có tác động rất lớn” - bà Xuân nói.
Bổ sung quy định về tính điểm giấy phép lái xe
Về người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ (Chương IV), theo Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới, có một số ý kiến đề nghị tiếp tục bổ sung quy định về điểm, trừ điểm giấy phép lái xe vì cho rằng trong điều kiện phát triển kinh tế số, xã hội số, khoa học công nghệ ngày càng phát triển thì việc ứng dụng công nghệ số trong xử lý vi phạm giao thông là tất yếu, kể cả việc tính điểm, trừ điểm giấy phép lái xe như một số nước hiện nay đang thực hiện.
Theo ĐB Nguyễn Sỹ Quang (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai), cần bổ sung quy định về tính điểm giấy phép lái xe, trừ điểm giấy phép lái xe là một biện pháp quản lý nhà nước. Vì thực tế có nhiều người liên tục vi phạm Luật giao thông trong một thời gian ngắn những chế tài xử lý chưa đủ mạnh. Nhiều nước hiện nay đang áp dụng biện pháp này như một cách để đánh giá thái độ của lái xe đối với vi phạm buộc họ phải ý thức hơn nữa, nếu không sẽ bị tước giấy phép lái xe và phải học, thi mới được cấp lại giấy phép lái xe.
Ông Quang cũng cho rằng, trong những năm gần đây công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe đã từng bước đáp ứng nhu cầu của xã hội trong điều kiện kinh tế - xã hội phát triển mạnh mẽ, phương tiện giao thông cơ giới tăng vọt. Tuy vậy ở từng khâu vẫn đang nổi lên những vấn đề tồn tại, hạn chế lớn, như: chương trình đào tạo chưa phù hợp, sát thực tế; việc giáo dục đạo đức văn hoá người lái xe còn bị coi nhẹ.
Đưa ra dẫn chứng qua một số vụ án công an phát hiện liên quan đến các trung tâm đào tạo sát hạch lái xe thời gian qua cho thấy có hàng chục nghìn trường hợp học viên không học lý thuyết; xuất hiện nhiều trường hợp lái xe không đủ sức khoẻ, tâm thần, nghiện ma tuý khi chỉ riêng 10 tháng đầu năm 2023 lực lượng công an đã xử lý hơn 2.000 người điều khiển phương tiện giao thông có sử dụng ma túy, ông Quang cho rằng: Việc quản lý người lái xe là vấn đề đặc biệt quan trọng phải được thể hiện rõ trong các nội dung của Luật Trật tự, ATGT đường bộ. Nội dung quản lý phải bảo đảm xuyên suốt, từ khâu đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe đến quá trình chấp hành pháp luật về giao thông.
“Do đó cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, rà soát, làm rõ hơn một số quy định của Luật trong quản lý người lái xe. Xác định lại vai trò, vị trí của công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, quản lý người lái xe, phải gắn với công tác bảo đảm trật tự ATGT. Bởi nó liên quan trực tiếp đến sinh mạng con người và phải có cơ quan chịu trách nhiệm và quản lý người được cấp giấy phép lái xe sau khi được cấp phép” - ông Quang kiến nghị.
Tại Luật Trật tự, ATGT đường bộ, liên quan đến đấu giá biển số xe ô tô, ông Lê Tấn Tới cho biết, có một số ý kiến cho rằng, sau khi Quốc hội ban hành nghị quyết thí điểm đấu giá biển số xe ô tô tuy thời gian thực hiện thí điểm chưa nhiều nhưng bước đầu đã chứng minh được tính hiệu quả, tính khả thi của chính sách mới này. Do đó đề nghị sớm được quy định trong dự thảo Luật để bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp. Ủy ban Quốc phòng an ninh đề nghị Chính phủ sớm có báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện Nghị quyết 73 ngày 15/11/2022 của Quốc hội để các vị ĐBQH có cơ sở xem xét, quyết định.
Cùng ngày, với 94,33% ĐBQH tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2024. Theo đó, số thu NSNN là hơn 1,7 triệu tỷ đồng. Tổng số chi NSNN là hơn 2,119 triệu tỷ đồng.
Về thực hiện chính sách tiền lương, từ ngày 1/7/2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương. Nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương bảo đảm từ nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và một phần bố trí trong dự toán chi cân đối NSNN. Điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.
Từ ngày 1/7/2024, bãi bỏ tất cả các cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước, áp dụng chế độ tiền lương, phụ cấp, thu nhập thống nhất. Không tiếp tục áp dụng cơ chế đặc thù hiện hành đối với phần kinh phí thường xuyên theo cơ chế quản lý tài chính đặc thù của các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước. Giao Chính phủ tổ chức thực hiện và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8. Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương theo quy định. Cho phép tiếp tục loại trừ một số khoản thu khi tính số tăng thu ngân sách địa phương dành để cải cách tiền lương như quy định tại Nghị quyết số 34/2021/QH15 của Quốc hội.