Theo một báo cáo mới, chỉ có 13 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có chất lượng không khí “lành mạnh” trong khi hầu hết các quốc gia ở trong tình trạng ô nhiễm không khí.
Báo động ô nhiễm bụi mịn
Báo cáo của IQAir - một công ty theo dõi chất lượng không khí trên toàn thế giới - cho biết, mức độ ô nhiễm không khí trung bình hàng năm ở khoảng 90% quốc gia và vùng lãnh thổ được phân tích đã vượt quá hướng dẫn về chất lượng không khí của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), vốn được thiết kế để giúp các chính phủ xây dựng các quy định nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
IQAir đã phân tích chất lượng không khí trung bình từ 131 quốc gia và vùng lãnh thổ và nhận thấy rằng, chỉ có 6 quốc gia gồm: Australia, Estonia, Phần Lan, Grenada, Iceland và New Zealand và 7 vùng lãnh thổ ở Thái Bình Dương và Caribe, bao gồm: đảo Guam và Puerto Rico, đáp ứng tiêu chuẩn không khí của WHO (yêu cầu mức độ ô nhiễm không khí trung bình là 5 microgam trên mét khối trở xuống).
7 quốc gia – Iraq, Pakistan, Bahrain, Bangladesh, Burkina Faso, Kuwait và Ấn Độ – có chất lượng không khí kém vượt xa hướng dẫn của WHO với ô nhiễm không khí trung bình trên 50 microgam trên mét khối.
Nghiên cứu đã xem xét cụ thể vật chất dạng hạt mịn (PM2.5) là chất gây ô nhiễm nhỏ nhất nhưng cũng nguy hiểm nhất. Khi được hít vào, PM2.5 sẽ đi sâu vào mô phổi, nơi nó có thể đi vào máu. Nó đến từ các nguồn như đốt nhiên liệu hóa thạch, bão bụi và cháy rừng, đồng thời có liên quan đến một số vấn đề sức khỏe bao gồm hen suyễn, bệnh tim và các bệnh về đường hô hấp khác.
Tháng 9/2021, WHO đã thắt chặt các hướng dẫn về ô nhiễm không khí hàng năm, cắt giảm lượng vật chất dạng hạt mịn có thể chấp nhận được từ 10 xuống 5 microgam trên mét khối khi hàng triệu người chết mỗi năm do các vấn đề sức khỏe liên quan đến ô nhiễm không khí.
Theo cơ quan của Liên hợp quốc, trong năm 2016, khoảng 4,2 triệu ca tử vong sớm có liên quan đến vật chất dạng hạt mịn. Nếu các hướng dẫn mới nhất được áp dụng vào thời điểm đó, WHO nhận thấy có thể có ít hơn gần 3,3 triệu ca tử vong liên quan đến ô nhiễm.
Báo cáo cũng tiếp tục nêu bật sự bất bình đẳng đáng lo ngại: thiếu các trạm quan trắc ở các nước đang phát triển ở Châu Phi, Nam Mỹ và Trung Đông, dẫn đến thiếu dữ liệu về chất lượng không khí ở những khu vực đó.
Mặc dù châu Phi đã chứng kiến sự cải thiện về số lượng quốc gia được đưa vào báo cáo năm nay so với năm 2021, nhưng phần lớn lục địa này vẫn có ít quốc gia được đại diện nhất. Theo IQAir, chỉ có 19 trong số 54 quốc gia châu Phi có đủ dữ liệu từ các trạm giám sát của họ.
Bà Glory Dolphin Hammes - Giám đốc điều hành của IQAir khu vực Bắc Mỹ - cho biết, mỗi lần họ thêm một quốc gia mới từng thiếu dữ liệu về chất lượng không khí, những quốc gia đó chắc chắn sẽ đứng vào danh sách ô nhiễm nhất.
“Nếu bạn nhìn vào thứ được gọi là dữ liệu vệ tinh hoặc dữ liệu được mô hình hóa, thì châu Phi có lẽ là lục địa ô nhiễm nhất hành tinh, nhưng chúng tôi không có đủ dữ liệu” – bà Hammes nói với CNN.
“Một trong những rào cản lớn nhất hiện nay lại chính là cách mà các chính phủ hiện đang theo dõi chất lượng không khí bởi hầu hết họ có xu hướng đầu tư vào các thiết bị không đo được chính xác các hạt vật chất dạng mịn trong không khí” - bà Hammes nói.
Tìm giải pháp
Tại Mỹ, tình trạng ô nhiễm không khí được cải thiện đáng kể vào năm ngoái so với năm 2021 do mùa cháy rừng tương đối nhẹ. Thành phố Coffeyville (bang Kansas) có chất lượng không khí tồi tệ nhất ở Mỹ vào năm ngoái, mà nguyên nhân được IQAir cho là do một nhà máy lọc dầu gần đó. Columbus, Ohio; Atlanta và Chicago đứng đầu danh sách các thành phố lớn của Mỹ có chất lượng không khí tồi tệ nhất, mặc dù các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng, California là nơi có 10 trong số 15 thành phố lớn ô nhiễm không khí tồi tệ nhất, bao gồm Los Angeles và Sacramento.
Các nhà nghiên cứu cho biết, trên khắp thế giới, các nguồn gây ô nhiễm không khí chính vào năm ngoái là cháy rừng và đốt nhiên liệu hóa thạch để vận chuyển và sản xuất năng lượng, tàn phá các cộng đồng dễ bị tổn thương và bị thiệt thòi nhất.
“Chúng ta vẫn phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và nhiên liệu hóa thạch phải chịu trách nhiệm cho phần lớn ô nhiễm không khí mà chúng ta gặp phải trên hành tinh này” – bà Hammes khẳng định và cho biết thêm, các vụ cháy rừng do biến đổi khí hậu gây ra đóng vai trò quan trọng trong việc làm xấu đi chất lượng không khí, đặc biệt là ở Mỹ. Báo cáo lưu ý rằng, các vụ cháy rừng trong những năm gần đây đã nhanh chóng xóa đi những cải thiện về chất lượng không khí mà Mỹ đã thực hiện trong thập kỷ qua.
Theo bà Hammes, các quốc gia phải học hỏi lẫn nhau, ví dụ như các quốc gia có chất lượng không khí tốt nhất là những quốc gia thực hiện các hành động cụ thể để chuyển đổi khỏi các ngành công nghiệp gây ô nhiễm và chuyển sang các dạng năng lượng xanh hơn, chẳng hạn như năng lượng mặt trời và gió.
Điều quan trọng là phải mở rộng mạng lưới giám sát chất lượng không khí, đặc biệt là ở các vùng có hoàn cảnh khó khăn. Chẳng hạn, bất chấp xung đột đang diễn ra ở Ukraine, báo cáo của IQAir cho thấy, Ukraine đã mở rộng mạng lưới giám sát không khí, thu thập dữ liệu từ gần gấp ba số lượng thành phố vào năm 2022 so với năm 2021.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng, vấn đề cấp bách hiện nay là cần giải quyết thách thức kép về sức khỏe do ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu. Công việc này đòi hỏi mọi người, mọi quốc gia cùng quan tâm thực hiện. Có như vậy mới mong ô nhiễm không khí được cải thiện trả lại con người bầu trời trong lành tự nhiên.