Tăng huyết áp là nguyên nhân hàng đầu gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim làm cho hàng trăm ngàn người bị tử vong, liệt, tàn phế hoặc mất sức lao động mỗi năm. Uớc tính Việt Nam hiện có khoảng 12 triệu người bị tăng huyết áp, tức là cứ trong 5 người trưởng thành thì có 1 người mắc bệnh. Đó là vấn đề đáng báo động.
Người bệnh tăng huyết áp cần theo dõi huyết áp hàng ngày.
Kết quả điều tra của Bộ Y tế năm 2015 cho thấy trong 12 triệu người mắc bệnh tăng huyết áp ở cộng đồng hiện nay thì có tới gần 60% chưa được phát hiện và trên 80% chưa được điều trị; đồng thời có tới 79% số người có nguy cơ tim mạch hiện không được tư vấn, quản lý dự phòng.
Tăng huyết áp là một vấn đề thường gặp trong cộng đồng và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, dẫn đến cái chết của hàng triệu người mỗi năm. Tăng huyết áp đồng thời cũng là nguyên nhân gây suy tim và đột quỵ não, là nguyên nhân đứng thứ hai gây nhồi máu cơ tim cấp. Khi huyết áp đạt 140/90 mm Hg hoặc cao hơn thì được coi là huyết áp cao hay tăng huyết áp.
Về nguyên nhân dẫn đến tăng huyết áp, có nhiều yếu tố trong đó gồm hút thuốc lá, ít vận động cơ thể, dư thừa muối, uống nhiều rượu, béo phì, căng thẳng, di truyền và tuổi tác…
Trong số những người mắc bệnh tăng huyết áp thì tỷ lệ ở nam giới cao hơn (47%), trong khi nữ giới là 42%. Đặc biệt, ở những người tuổi càng cao thì tỷ lệ tăng huyết áp càng cao.
Để phòng ngừa bệnh tăng huyết áp hiệu quả, các chuyên gia y tế đã đưa ra lời khuyên người dân phải có chế độ ăn hợp lý như giảm ăn mặn (dưới 5g muối/ngày); tăng cường ăn rau xanh, hoa quả tươi; hạn chế thức ăn có nhiều cholesterol và axít béo no; đảm bảo đủ kali và các yếu tố vi lượng đồng thời, mọi người cố gắng duy trì vòng bụng dưới 90cm ở nam và dưới 80cm ở nữ; giảm cân (nếu quá cân); hạn chế uống rượu, bia; ngừng hoàn toàn việc hút thuốc lá, thuốc lào.
Bên cạnh đó, mỗi người cần tăng cường hoạt động thể lực ở mức thích hợp (khoảng 30-60 phút đi bộ hoặc đạp xe mỗi ngày); tránh lo âu, căng thẳng thần kinh; chú ý đến việc thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý; tránh bị lạnh đột ngột.
Hiện Việt Nam đang bắt đầu tăng cường triển khai các dịch vụ dự phòng, quản lý tăng huyết áp, đái tháo đường và các bệnh không lây nhiễm khác tại trạm y tế xã và tại cộng đồng. Một số mô hình dự phòng và quản lý bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng cũng đã được thí điểm tại địa phương để tổng kết, đánh giá làm cơ sở nhân rộng...
Theo Viện Tim mạch Việt Nam, hoạt động sàng lọc và quản lý bệnh nhân tăng huyết áp được triển khai trên nhiều xã, phường. Giai đoạn 2011-2015, hoạt động khám sàng lọc và quản lý bệnh nhân tăng huyết áp được triển khai trên địa bàn 1.179 xã/phường trong toàn quốc.
Nhờ đó, hơn 2 triệu người từ 40 tuổi trở lên đã được khám sàng lọc (phát hiện tăng huyết áp trên 365.000 người mắc tăng huyết áp, trong đó có khoảng gần 182.000 người lần đầu tiên được phát hiện tăng huyết áp chiếm 49,8%). Bệnh nhân tăng huyết áp được phát hiện sau sàng lọc đều được tư vấn quản lý tại các cơ sở y tế.
Viện Tim mạch Việt Nam kiến nghị để quản lý và điều trị tốt bệnh tăng huyết áp, bệnh tim mạch nói riêng và bệnh không lây nhiễm nói chung, thời gian tới Bộ Y tế cần xây dựng mạng lưới quản lý bệnh nhân mắc bệnh không lây nhiễm ngoại trú từ trung ương đến địa phương và được bảo hiểm y tế cung cấp đủ danh mục thuốc, trang thiết bị thiết yếu để điều trị tại cơ sở.
Đồng thời, Bộ cần hoàn chỉnh hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và quản lý từng bệnh không lây nhiễm; triển khai các hoạt động truyền thông phòng chống yếu tố nguy cơ trong trường học để tạo thói quen tốt về lối sống sinh hoạt cho trẻ em từ khi còn học trong nhà trường...
Bệnh tăng huyết áp được coi là "kẻ giết người thầm lặng" bởi bệnh không có những triệu chứng điển hình. Không phải lúc nào người mắc bệnh tăng huyết áp cũng thấy khó chịu. Một số người tăng huyết áp có triệu chứng lâm sàng như: chóng mặt, đau đầu, ù tai... Tuy nhiên, rất nhiều người tăng huyết lại không có biểu hiện này. |