Báo động thừa cân béo phì ở trẻ - Bài 1: Sai lầm của các bậc cha mẹ

Đức Trân 06/09/2023 10:00

Thống kê mới nhất tại Việt Nam cho thấy, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em trong độ tuổi học đường (từ 5-19 tuổi) đang tăng nhanh. Trong đó, tỷ lệ thừa cân béo phì khu vực thành thị là 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%.

Thăm khám trẻ thừa cân, béo phì tại Viện Dinh dưỡng quốc gia.

Thừa cân, béo phì là sự tích tụ mỡ bất thường, vượt quá mức, làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá, béo phì ở trẻ em là một trong những gánh nặng sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng nhất của thế kỷ 21.

Không thể làm ngơ

Tại nước ta, trẻ em thừa cân, béo phì cũng đang tăng nhanh đáng báo động trong những năm qua. Theo kết quả Tổng điều tra về Dinh dưỡng năm 2019-2020, tỷ lệ thừa cân béo phì của trẻ trong khoảng 5-19 tuổi là 19% - tăng 2 lần so với năm 2010 (8,5%). Tuy nhiên, số liệu này vẫn chưa phản ánh hết được tình hình thừa cân béo phì ở trẻ nhỏ nước ta, nguyên nhân vì đây là số liệu tổng quát, bao gồm cả trẻ ở thành thị và nông thôn, miền núi.

Kết quả điều tra của Viện Dinh dưỡng quốc gia được thực hiện năm 2017-2018 trên đối tượng trẻ em từ lớp 1 đến lớp 12 tại 6 tỉnh, thành như Hà Nội, TPHCM, Nghệ An… cho thấy, tỷ lệ thừa cân béo phì tại khu vực đô thị của học sinh tiểu học lên tới 41,9%, ở cấp THCS là 31,2%.

Thống kê của Bộ Y tế, riêng năm 2020, tỷ lệ thừa cân béo phì khu vực thành thị đã chạm ngưỡng 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%. Trước đó, Viện Dinh dưỡng quốc gia đã công bố tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em nội thành tại TPHCM đã vượt 50%, tại Hà Nội vượt 41%.

Ngoài ra, một kết quả điều tra dinh dưỡng năm 2021-2022 do Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai tại một số trường học trên phạm vi toàn quốc cho thấy, tỷ lệ thừa cân béo phì gia tăng mạnh không chỉ xuất hiện ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM. Cụ thể, tại 2 trường tiểu học ở Nghệ An, tỷ lệ trẻ thừa cân béo phì ở mức trên 20%, tại 2 trường ở An Giang, tỷ lệ này lên tới mức trên 50%, ở Huế là 40-44% còn ở Lâm Đồng là 30-40%. Đáng lo ngại hơn nữa khi số trẻ em mắc thừa cân, béo phì nặng đang ngày một tăng cao.

Hậu quả của quan niệm “nuôi con bằng mắt”

Kể rằng con trai 11 tuổi của mình đã tăng 4kg sau kỳ nghỉ hè vừa qua, chị Nguyễn Thanh H. (35 tuổi, Ba Đình, Hà Nội) cho rằng: Tôi thấy cân nặng hiện nay là phù hợp với con, dù sao năm học mới đã bắt đầu, gia đình cho con ăn uống đầy đủ vì học hành vất vả cháu sẽ lại gầy đi.

Vì vậy, không lạ khi gia đình chị H. tỏ ra bất ngờ và khó tin khi nhận được tư vấn của bác sĩ rằng con chị đã thừa 8kg so với tiêu chuẩn.

Thực tế, các y, bác sĩ tại Viện Dinh dưỡng quốc gia từng ghi nhận không ít trường hợp cha mẹ đưa con tới khám đã “ngã ngửa” vì con mình đang rơi vào tình trạng thừa cân, thậm chí thừa đến gần chục cân.

Một gia đình tại Nghệ An có 3 người con đều rơi vào tình trạng thừa cân, béo phì. Cháu lớn 13 tuổi thừa 26kg, cháu 11 tuổi thừa 17kg, còn bé 9 tuổi thừa 11kg. Thăm khám, khai thác tiền sử, các bác sĩ mới phát hiện các cháu được ông bà cho ăn uống thoải mái, mỗi ngày trước khi đi học thêm vào buổi chiều tối đều được cho ăn bánh mì kẹp thịt. Đương nhiên, các bữa ăn khác và sữa uống hàng ngày là điều không thể thiếu. Khi được nhân viên y tế thông báo về tình trạng của con, cha mẹ các cháu đều tỏ ra “sốc” bởi họ nghĩ lại thừa nhiều cân đến vậy.

TS.BS Lưu Thị Mỹ Thục - Trưởng khoa Dinh dưỡng - Lâm sàng, tiết chế (Bệnh viện Nhi trung ương) lý giải: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tăng cân thiếu kiểm soát ở trẻ. Trong đó, việc cung cấp dinh dưỡng quá mức chính là nguyên nhân mấu chốt. Nhiều gia đình vẫn quan niệm “nuôi con bằng mắt”, trẻ phải tròn trịa, đầy đặn thì mới “đạt chuẩn”. Cha mẹ mong muốn con có dinh dưỡng tốt để phát triển não bộ, chiều cao nhưng lại cung cấp thiếu cân đối, thường có xu hướng cho trẻ ăn nhiều hơn nhu cầu cần thiết. Ngoài ra, việc lười vận động, ít ăn cùng gia đình, nạp quá mức thức ăn nhanh, nước ngọt công nghiệp... cũng là những nguyên nhân gia tăng tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ nhỏ.

Đáng chú ý, mặc dù nhiều phụ huynh nhận thức được thừa cân, béo phì là không tốt nhưng vẫn chủ quan, rất ít khi chủ động kiểm tra cân nặng của trẻ định kỳ.

BS Thục cho biết, theo điều tra của Viện Dinh dưỡng, có đến 53% các vị phụ huynh không biết con mình bị thừa cân, hoặc đánh giá thấp hơn một mức so với thực tế. Cụ thể, một cuộc điều tra mới nhất của Viện Dinh dưỡng quốc gia thực hiện đối với 600 phụ huynh có con đang ở độ tuổi tiểu học trên địa bàn TP Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, có một câu hỏi như sau: Bạn hãy tự đánh giá về hình ảnh cơ thể của trẻ? Kết quả, 47% trẻ ở có cân nặng bình thường thì phụ huynh đánh giá là suy dinh dưỡng, thiếu cân, 27% trẻ mắc béo phì nhưng chỉ có 2% số phụ huynh dự đoán đúng tình trạng đó. Thậm chí, có nhiều trường hợp phụ huynh cho rằng trẻ đang thừa cân vẫn có thể tăng cân nữa.

PGS.TS Bùi Thị Nhung - Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề (Viện Dinh dưỡng quốc gia) cho hay, Viện đã ghi nhận những trường hợp trẻ nữ 15 tuổi có mức cân nặng lên tới 150kg và nhiều trẻ khác có cân nặng trên 100kg. Trong thực tế điều trị, đã gặp những trường hợp trẻ có cholesterol lên tới 6-7 mmol/l trong khi đó ở trẻ em bình thường, con số này là dưới 4,4 mmol/l.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Báo động thừa cân béo phì ở trẻ - Bài 1: Sai lầm của các bậc cha mẹ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO