Báo động thừa cân béo phì ở trẻ - Bài 2: Hậu quả nặng nề

Đức Trân 07/09/2023 05:52

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã đưa ra cảnh báo, nếu không có hành động can thiệp, Việt Nam sẽ có khoảng 1,9 triệu trẻ em béo phì vào năm 2030.

Một bệnh nhi thừa cân béo phì mắc sốt xuất huyết nặng điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng TPHCM. Ảnh: TL.

Nguy cơ tử vong cao

Thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng TPHCM cho biết, bệnh viện vừa cứu sống trường hợp bệnh nhi bị sốc sốt xuất huyết (SXH) nặng: Bệnh nhi V.M.Q. (ở Bình Thuận)ở tháng tuổi thứ 5 đã đạt cân nặng 11kg, trong khi cân nặng tiêu chuẩn của trẻ bình thường khoảng 6-7kg.

Bệnh nhi nhập viện vào ngày bệnh thứ 4 trong tình trạng sốc da nổi bông. Khai thác bệnh sử ghi nhận trẻ bị sốt cao liên tục 3 ngày. Sau khi đưa trẻ tới bệnh viện, bệnh nhi có tình trạng bứt rứt, quấy khóc, da nổi bông tím, huyết áp không đo được, nổi chấm xuất huyết ở chân tay, bụng... Bé được chẩn đoán sốc SXH nặng và được điều trị chống sốc theo phác đồ. Sau đó, bệnh nhi được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng Thành phố do có cơ địa thừa cân, béo phì khiến việc tiếp cận đường truyền khó khăn. Hiện, đến ngày thứ 7 điều trị tại bệnh viện, bệnh nhi vẫn tiếp tục sốt cao, xét nghiệm máu ghi nhận phản ứng viêm tăng cao.

Theo BSCK2 Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TPHCM, đây là trường hợp sốc SXH nặng, biến chứng rối loạn đông máu, tổn thương các cơ quan xảy ra ở cơ địa trẻ nhũ nhi thừa cân. Những trường hợp trẻ thừa cân, béo phì, khi cơ thể bị SXH Dengue tấn công sẽ có phản ứng nhiều và mạnh hơn so với những trẻ bình thường khác. Một trong những phản ứng đó chính là trẻ dễ sốc, sốc nặng và gặp nhiều biến chứng nguy hiểm. Đáng nói, tình trạng nguy hiểm tính mạng khi mắc SXH không chỉ là hệ quả duy nhất mà thừa cân béo phì gây ra cho sức khỏe của trẻ nhỏ.

Trước đó, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận trường hợp nam bệnh nhân 13 tuổi trong tình trạng suy dinh dưỡng, chán ăn trầm trọng, nặng 49kg và cao 1m73. Đáng nói, cậu bé luôn có ám ảnh béo phì, luôn thấy bụng to, nhiều mỡ khi soi gương nên tiếp tục ăn uống rất ít, gần như không ăn thịt cá, kể cả rau củ quả cũng ăn với lượng nhỏ, chỉ ăn bánh bao chay buổi sáng, và một vài thìa cơm vào buổi trưa và tối.

Được biết, cách đây 1 năm, cậu bé cao 1m56, nặng 67kg, khá bụ bẫm. Đi học, trẻ hay bị bạn bè trêu là béo phì. Dần dần trẻ ngày càng thu mình, không chơi đùa nhiều với các bạn và âm thầm tìm cách giảm cân.

BS Vũ Sơn Tùng - Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: “Đây là căn bệnh xuất hiện ở lứa tuổi từ 13-18, khi cơ thể trẻ bắt đầu có nhiều thay đổi. Bệnh nhân có nỗi sợ mãnh liệt về cân nặng của bản thân, hệ quả của tâm lý tự ti khi bị bạn bè trêu chọc”.

Ảnh hưởng tới tâm lý trẻ nhỏ

PGS.TS Bùi Thị Nhung - Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề (Viện Dinh dưỡng quốc gia) cho biết: Hiện nay, một trong những nguy cơ đáng lo ngại nhất ở trẻ béo phì là rối loạn chuyển hóa. Trẻ gặp hội chứng chuyển hóa quá sớm rất dễ mắc các bệnh về tim mạch sớm và cao huyết áp hoặc đái tháo đường. Bình thường, những căn bệnh này chỉ gặp ở lứa tuổi trung niên nhưng với trẻ béo phì, có thể mắc những căn bệnh này ngay ở độ tuổi thanh niên.

Mặt khác, trẻ thừa cân béo phì sẽ dễ gặp các vấn đề về xương khớp như cong cột sống, ảnh hưởng tới xương đầu gối, tổn thương khớp. Đối với bé gái, béo phì nặng có thể dẫn tới buồng trứng đa nang…

Béo phì còn gây ra tâm lý tự ti về hình thể ở trẻ, khiến trẻ chậm chạp, việc tập trung cũng kém hơn. Không dừng lại tại đó, thừa cân, béo phì cũng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao, việc dậy thì của trẻ, đồng thời để lại nhiều nguy cơ mắc bệnh khi trưởng thành.

Đưa ra những số liệu thực tế, PGS.TS Nguyễn Thị Bạch Yến - Viện Tim mạch (Bệnh viện Bạch Mai) khẳng định: “Béo phì có xu hướng ngày càng phổ biến và là mối nguy hiểm về sức khỏe chứ không phải chỉ đơn thuần là vấn đề thẩm mỹ hoặc sự thổi phồng. Cụ thể, béo phì làm tăng nguy cơ bị bệnh tăng huyết áp lên 12 lần so với bình thường. Béo phì làm tăng nguy cơ mắc bệnh động mạch vành lên 4 lần so với bình thường. Béo phì cũng làm tăng nguy cơ bị đột quỵ lên 6 lần so với người bình thường. Bên cạnh đó, người mắc béo phì còn có nguy cơ rối loạn mỡ máu, ngừng thở khi ngủ, tăng tỷ lệ ung thư vú, buồng trứng, tuyến tiền liệt, đại tràng...”.

Không chỉ tác động đến sức khỏe thể chất, thừa cân, béo phì cũng khiến trẻ gặp nhiều ảnh hưởng về mặt tinh thần. Theo các chuyên gia tâm lý, trẻ béo phì thường bị bạn bè trêu chọc, dẫn đến tâm lý tự ti, cô độc, thậm chí có những biểu hiện tiêu cực như coi thường bản thân. Bệnh béo phì trẻ em gây ra các tổn thương tâm lý này nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ kéo dài đến tuổi trưởng thành làm cho trẻ trở nên khó hòa nhập cộng đồng, có tư tưởng nổi loạn...

Trẻ em thừa cân phải trải qua nhiều khó khăn về mặt tâm lý hơn trẻ em không béo phì, trẻ nữ có nguy cơ cao hơn trẻ nam và nguy cơ mắc các bệnh về tâm lý tăng lên theo tuổi. Một trong những hậu quả nhãn tiền là nguy cơ trẻ mắc bệnh chán ăn tâm thần.

GS.TS Nguyễn Gia Khánh - Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam cho hay: Theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ mắc bệnh mạn tính cao, mỗi ngày có 80 người tử vong vì các bệnh liên quan đến tiểu đường. Mà thừa cân, béo phì ở trẻ nhỏ là một trong những nguyên nhân dẫn đến béo phì và nguy cơ mắc các bệnh mạn tính không lây khi trưởng thành.

(còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Báo động thừa cân béo phì ở trẻ - Bài 2: Hậu quả nặng nề

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO