Sức khỏe

Báo động tình trạng thừa cân béo phì

Đức Trân 06/03/2024 09:10

Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện nay, trên phạm vi toàn thế giới đã ghi nhận tới 1 tỷ người mắc béo phì.

bai-chinh(3).jpg
Bác sĩ Viện Dinh dưỡng quốc gia thăm khám cho trẻ thừa cân béo phì. Ảnh: Đức Trân.

Đáng chú ý, mốc 1 tỷ người mắc béo phì được Liên đoàn Béo phì thế giới trước đây cho rằng sẽ đạt tới vào năm 2030, nhưng con số này đã được ghi nhận vào năm 2022.

Cũng tại nghiên cứu nói trên, tỷ lệ béo phì ở trẻ em và thanh thiếu niên trên toàn thế giới đã tăng gấp 4 lần từ năm 1990 đến năm 2022, trong khi tỷ lệ béo phì ở người lớn tăng hơn gấp đôi.

Tại Việt Nam, không nằm ngoài xu hướng chung của thế giới, tỷ lệ trẻ thừa cân béo phì cũng gia tăng một cách rất đáng báo động, đặc biệt là ở khu vực thành thị.

Theo kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc 2019 - 2020 của Viện Dinh dưỡng quốc gia, tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì tăng gấp 2,2 lần, từ 8,5% (năm 2010), lên 19% (năm 2020). Thống kê của Bộ Y tế, riêng năm 2020, tỷ lệ thừa cân béo phì khu vực thành thị đã chạm ngưỡng 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%.

Trước đó, Viện Dinh dưỡng quốc gia cũng đã công bố tỷ lệ béo phì ở trẻ em nội thành tại TPHCM đã vượt 50%, còn tại Hà Nội vượt 41%. PGS.TS Bùi Thị Nhung - Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề (Viện Dinh dưỡng quốc gia) thông tin: Nghiên cứu về tình trạng dinh dưỡng của trẻ em lứa tuổi học đường ở Việt Nam và các nước trong khu vực cho thấy, gánh nặng kép về dinh dưỡng của trẻ em lứa tuổi tiền học đường và học đường đang có xu hướng nghiêng về thừa cân, béo phì ở cả khu vực nông thôn và thành thị. Nghiên cứu mới đây của Viện Dinh dưỡng quốc gia phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, triển khai tại nhiều trường mầm non năm 2023, cho thấy số trẻ thừa cân, béo phì gia tăng khi có những trường gần 30% trẻ béo phì. Đặc biệt, ở một vài trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội ghi nhận tới trên 50% học sinh thừa cân, béo phì.

Nguyên nhân của tình trạng này, theo PGS Bùi Thị Nhung, là do chế độ dinh dưỡng không hợp lý, thừa năng lượng, thiếu vi chất, tâm lý người thân muốn con bụ bẫm. Trẻ thiếu hoạt động thể lực, sử dụng thực phẩm nhiều đường cũng dẫn đến thừa cân, béo phì.

PGS.TS Trương Tuyết Mai - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia nhận định: “Thừa cân, béo phì đã trở thành một vấn nạn, một đại dịch có tính chất toàn cầu. Hiện nay tốc độ béo phì đang tăng theo hình dựng đứng. Trẻ em là tương lai của đất nước, vì thế rất cần quan tâm đến vấn đề thừa cân, béo phì. Nếu cứ để tốc độ này, sau 10 năm tỷ lệ thừa cân, béo phì ở lứa tuổi học đường sẽ tăng gấp đôi”.

Theo các chuyên gia, thừa cân, béo phì sẽ gây ra rất nhiều hệ quả nguy hiểm tới sức khỏe của trẻ nhỏ. GS.TS Lê Thị Hương - Viện trưởng Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng cho biết, trẻ em bị béo phì ngoài thân hình không đẹp, trẻ còn mắc các rối loạn chuyển hóa mỡ máu, đường… Vì thế, trẻ có thể bị tăng huyết áp sớm, tiểu đường sớm. Hiện nay, đang cảnh báo nhiều về tình trạng trẻ hóa trong các bệnh tim mạch, tiểu đường, xương khớp...

Còn BS Hoàng Thị Hằng - Khoa khám Tư vấn dinh dưỡng trẻ em (Viện Dinh dưỡng quốc gia) cho hay, trẻ bị béo phì có thể bị ảnh hưởng tâm lý, cảm xúc như buồn chán, tự ti… do sự kỳ thị, trêu chọc hay bắt nạt về ngoại hình của bạn bè, thậm chí của cả người thân trong gia đình. Không hài lòng về cơ thể khiến trẻ dần dần ít chơi với các bạn và sống khép kín hơn. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ kéo dài đến tuổi trưởng thành, làm cho trẻ trở nên khó hòa nhập cộng đồng, với các vấn đề tâm lý và tâm thần như trầm cảm, lo âu, rối loạn ăn uống, căng thẳng, lo lắng về hình dáng cơ thể…

Thực hiện tốt nuôi con bằng sữa mẹ cũng giúp giảm nguy cơ thừa cân, béo phì ở trẻ nhỏ và bệnh mạn tính không lây khi trưởng thành. Cho trẻ ăn bổ sung hợp lý, cân đối các thành phần dinh dưỡng.

Cần tập cho trẻ có thói quen ăn uống lành mạnh từ nhỏ. Không nên cho trẻ ăn nhiều các thức ăn giàu đường ngọt và chất béo như bánh kẹo ngọt, nước ngọt, thức ăn chiên rán nhiều dầu mỡ, xúc xích, thức ăn nhanh… Tạo thói quen hoạt động thể lực và tập thể dục cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ với các bộ môn thể thao phù hợp theo lứa tuổi. Hạn chế các hoạt động tĩnh như xem ti vi, chơi điện tử…

Khuyến khích trẻ tham gia các công việc nhà hàng ngày như dọn nhà, nấu ăn. Theo dõi cân nặng và chiều cao thường xuyên cho trẻ để phát hiện thừa cân béo phì sớm và có hướng can thiệp phù hợp giáo dục cho trẻ hiểu về dinh dưỡng, cách lựa chọn các món ăn tốt cho sức khỏe có vai trò quan trọng trong dự phòng thừa cân béo phì ở trẻ em.

Việc dự phòng béo phì ở trẻ em cần được thực hiện ngay từ thời kỳ mang thai. Trẻ có cân nặng sơ sinh trên 3.500 gram hoặc dưới 2.500 gram có nguy cơ thừa cân, béo phì cao hơn so với những trẻ có cân nặng sơ sinh bình thường.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Báo động tình trạng thừa cân béo phì

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO