Bất kể trưa nắng hay tối muộn, người làm thuê cho các quán cơm vẫn bất chấp tính mạng, chèo kéo khách hàng. Hoạt động này khiến tình tình trật tự ATGT thêm phần phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Bất chấp hiểm nguy mời khách
Giữa hai làn đường xe máy và ô tô ken đặc phương tiện đang lưu thông, những người làm thuê vẫn lao vun vút chỉ để chèo kéo, mời gọi khách mua cơm. Đó là thực tế đang diễn ra trên tuyến Quốc lộ 1A đoạn qua phường Bình Thắng (nút giao cầu vượt Tân Vạn – Quốc lộ 1A đến cầu Đồng Nai).
Chị N.T.T., ngụ phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đến giờ vẫn chưa hết bàng hoàng vì té ngã sau cú va chạm với một người bán cơm trên đoạn đường nói trên. “Lúc đó khoảng 6 giờ tối, trên đường đi làm về gần tới cầu Đồng Nai thì bỗng dưng có một bóng người đàn ông lao ngang. Do phanh gấp nên tôi bị té ngã, rất may phía sau các xe giữ khoảng cách tốt nên tôi không bị cán đè lên mà chỉ bị xây xước nhẹ”, chị T., nói.
Chị, T., khẳng định người va chạm với mình là một người bán cơm gần ngay đó. Người này không những không phụ chị dựng xe khi bị té ngã mà còn dửng dưng bỏ đi, không hỏi han mà tiếp tục chèo kéo khách mua cơm. Vì vội về nhà, cơ thể cũng bị trầy xước nên chị T., không yêu cầu làm rõ sự việc mà lên xe đi luôn khi thấy trời đã tối.
Còn ông C., nhà ở khu vực nói trên cho biết, chuyện này diễn ra như “cơm bữa”. “Ngày nào tụi nó chả ra vẫy tài xế xe tải, xe công (xe container) mua cơm. Ớn nhất là buổi tối, tụi nó cầm đèn pin dọi thẳng vào mặt người ta. Ai đi xe máy mà không để ý thì té ngã vì lóa mặt, xui hơn thì va phải xe khác”, ông C., ngao ngán.
Theo quan sát của phóng viên, đoạn tuyến nói trên chỉ dài khoảng 200m nhưng có không dưới 10 quán ăn, đa số là bán cơm. Các quán ăn cơm thường cắt cử từ 2-3 người thực hiện chèo kéo khách mua cơm. Thời điểm “đội quân” này hoạt động mạnh nhất là từ 11 giờ trưa đến 14 giờ chiều, buổi tối từ 17 giờ đến 21 giờ.
Điều đáng nói là đoạn tuyến nói trên có lượng phương tiện lưu thông rất lớn, tuy chưa ghi nhận các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng nào liên quan người bán cơm và người đi đường nhưng theo nhiều người dân ở khu vực trên, thì những vụ va chạm giao thông nhỏ thì thường xuyên xảy ra. Người làm thuê của các quán cơm gần như “miễn nhiễm” với nguy hiểm. Mặc cho xe cộ di chuyển, họ vẫn len lỏi, chèo kéo, bắt khách dù biết rằng bản thân có thể bị xe tông bất cứ lúc nào.
Vắng bóng lực lượng chức năng?
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Đào, Chủ tịch UBND phường Bình Thắng, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương cho biết, lực lượng chức năng địa phương vẫn thường xuyên kiểm tra việc lấn chiếm lòng lề đường để buôn bán của các hộ kinh doanh khu vực nói trên. “Mấy người vẫy khách vào ăn cơm khu vực đó, anh em trong phường bắt suốt. Cam kết rồi đủ thứ mà đâu vẫn vào đó. Cứ thấy lực lượng chức năng là vắng. Anh em đi rồi thì họ lại ra. Tôi sẽ chấn chỉnh anh em tiếp tục tăng cường kiểm tra lập lại trật tự khu vực đó”, ông Đào nói.
Ngoài “vấn nạn” chèo kéo khách giữa quốc lộ để bán cơm, thì vấn đề ATGT khu vực trên cũng được dư luận quan tâm. Nhiều người đi đường khẳng định, việc tài xế cho xe dừng đỗ vào ăn cơm ngay giữa quốc lộ là quá nguy hiểm. Đặc biệt đây là đoạn tuyến được xem là cửa ngõ “tam giác” của 3 tỉnh thành phố gồm Đồng Nai, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh thì vấn đề ATGT càng cần phải được quan tâm vì lưu lượng xe qua đây rất lớn mỗi ngày.
Ghi nhận của phóng viên cho thấy, các xe dừng đỗ vào ăn cơm đều là các loại xe có tải trọng lớn, nhiều nhất là xe tải và xe container, đôi lúc có xe khách nhưng không nhiều. Mặc dù, đoạn tuyến này có biển báo cấm dừng, cấm đỗ nhưng nhiều tài xế chỉ cần bật đèn ưu tiên, sau đó vô tư cho cả xe và người “xả hơi” cả tiếng đồng hồ ngay giữa quốc lộ mà không bị lực lượng chức năng “sờ gáy”.
Đôi lúc, lượng xe dừng, đỗ vào ăn cơm đông nghịt, tài xế còn cho xe dừng, đỗ ngay giữa lòng trong của cả 1 đoạn đường (chiếm trọn cả 2 làn đường xe ô tô) nên việc lưu thông của nhiều phương tiện cũng gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng tầm nhìn.
Về vấn đề lực lượng đảm bảo trật tự ATGT khu vực này, Chủ tịch UBND phường Bình Thắng khẳng định, Quốc lộ 1A là đoạn tuyến do Trạm CSGT Rạch Chiếc, Phòng CSGT Công an TP Hồ Chí Minh quản lý và có trách nhiệm tuần tra, kiểm soát, phường không có chức năng này. Phóng viên đem thắc mắc vì sao địa bàn Bình Dương mà lại của TP Hồ Chí Minh quản lý? Ông Trần Văn Đào trả lời không biết lý do vì sao và cho hay Trạm CSGT này không có sự phối hợp nào với lực lượng chức năng địa phương trong việc tuần tra, đảm bảo trật tự ATGT đoạn tuyến nói trên.
Trong nhiều ngày có mặt để ghi nhận “vấn nạn” này, phóng viên không thấy có lực lượng chức năng, cụ thể ở đây là Trạm CSGT Rạch Chiếc thực hiện việc tuần tra, thiết lập, xử lý các vi phạm về trật tự ATGT ở đoạn tuyến nói trên. Với những gì đang diễn ra, dư luận đặt câu hỏi, liệu đây có phải là “vùng cấm”?
Nhiều hiện tượng vi phạm luật ATGT khu vực gần cầu Đồng Nai (địa phận Bình Dương)
Không chỉ có tình trạng xe dừng, đỗ thiếu an toàn ngay giữa quốc lộ, ở khu vực trên thường xuyên diễn ra việc xe máy chạy vào làn đường dành cho xe ô tô (có biển cấm). Đặc biệt vào giờ cao điểm, xe máy, ô tô di chuyển rất lộn xộn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Ngoài ra, đoạn tuyến nói trên ghi nhận tình trạng xe ô tô khách đón, trả khách sai quy định. Nhất là vào các khung giờ từ 17 giờ đến 23 giờ, xe khách thường xuyên len lỏi vào làn đường dành cho xe máy, vô tư dừng đỗ ngay trước cổng Nhà thờ Giáo xứ Nghĩa Sơn để đón, trả khách sai quy định.
Việc đón trả khách vô cùng “nhộn nhịp” nhưng không thấy bóng dáng lực lượng chức năng làm việc. Ngoài hai “vấn nạn” trên, nhiều người dân cảm thấy bất bình vì các hiện tượng vi phạm luật ATGT diễn ra với tần suất thường xuyên ở đoạn tuyến nói trên nhưng vai trò, trách nhiệm của lực lượng chức năng, nhất là CSGT là chưa thật sự sát sao. Dư luận cũng đặt câu hỏi về việc những người bán cơm bất chấp nguy hiểm vẫy khách giữa quốc lộ thì lực lượng CSGT có thể xử lý được không? Có chế tài nào phù hợp để xử phạt hay không?