Các số liệu thống kê cho thấy, thực trạng sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá mới ở Việt Nam tiếp tục diễn ra phổ biến, tăng nhanh ở mức báo động.
Năm 2023, Trường Đại học Y tế công cộng đã có một khảo sát khối học sinh từ lớp 6-12 ở 11 tỉnh, thành phố cho thấy, sử dụng thuốc lá điện tử vẫn tập trung cao ở nhóm 15-24 tuổi với tỷ lệ là 7,3%; nhóm 25-44 tuổi là 3,2%; nhóm 45-64 tuổi là 1,4%. Trước đó, theo Điều tra năm 2019 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh từ 15-17 tuổi tại Việt Nam là 2,6%.
Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh năm 2022 cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử học sinh độ tuổi 13-15 là 3,5%. Bà Đinh Thị Thu Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) nhận định, thuốc lá điện tử, thuốc lá mới diễn ra phổ biến, tăng nhanh ở mức đáng báo động, có trong cả giới trẻ, trẻ em gái. Nhà nước có nhiều biện pháp quản lý, xử lý hành vi buôn lậu nhưng thực tế tình trạng này vẫn đang diễn ra.
Đáng lo ngại hơn khi bất chấp hàng loạt chất gây độc có trong thuốc lá điện tử gồm nicotin, hàng nghìn hóa chất độc hại và hơn 16.000 loại hóa chất tạo hương vị, ngành công nghiệp thuốc lá đang tuyên truyền coi thuốc lá điện tử là tốt hơn cho sức khỏe so với thuốc lá truyền thống. Trong khi cơ chế vận hành, tác hại đối với sức khỏe của thuốc lá thế hệ mới không thật sự giảm hơn so với thuốc lá truyền thống.
Bà Thủy khẳng định, hiện nay đã đầy đủ bằng chứng cho thấy thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng gây hại cho sức khỏe người sử dụng như gây nghiện do có chứa nicotine, ung thư, ảnh hưởng tới hệ miễn dịch, tâm thần, răng miệng, sinh sản, hô hấp và tim mạch, đồng thời gây nguy cơ đáng kể cho phụ nữ mang thai và thai nhi vì các sản phẩm này gây hại cho bào thai đang phát triển.
Đối với thanh thiếu niên, sử dụng nicotine gây hại lớn đến sự phát triển não bộ, vì não bộ của trẻ vẫn đang trong giai đoạn phát triển cho tới tuổi 25. Nicotine đã được chứng minh làm suy yếu sự trưởng thành não bộ của thanh thiếu niên với những hậu quả ngắn hạn và hậu quả lâu dài nghiêm trọng đó là nghiện, rối loạn nhận thức và cảm xúc, giảm khả năng học tập và rối loạn tâm thần. Không những thế, thuốc lá điện tử còn có nguy cơ gây ra nhiều ảnh hưởng cấp tính nguy hiểm như ngộ độc và tổn thương phổi.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) thông tin: Theo thống kê sơ bộ, từ năm 2020 đến nay, Trung tâm tiếp nhận khoảng 100 ca ngộ độc nicotin và ma túy tổng hợp do sử dụng thuốc lá điện tử. Đáng báo động, qua kiểm tra trên người dùng thuốc lá điện tử, chụp phổi cho thấy rõ tổn thương phổi cấp. Từ 25-85% các ca để lại xơ phổi mức độ khác nhau, rối loạn khuếch tán kéo dài tới ít nhất 2 tháng sau ra viện, tổn thương phổi mạn tính…
BS Nguyên cảnh báo, việc đưa các loại ma túy, cần sa vào trong thuốc lá điện tử bán cho người sử dụng. Khiến nguy cơ dùng ma túy gấp 3,5 lần so với không thuốc lá điện tử… Tại Trung tâm Chống độc đã tiếp nhận nữ bệnh nhân 20 tuổi với tổn thương đa tạng, hôn mê, co giật, tổn thương tin, sốc, suy thận. Bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc thuốc lá điện tử có chứa ma túy tổng hợp... Hay như bệnh nhân nam mới chỉ 17 tuổi, đến viện trong tình trạng rối loạn ý thức, co giật, tiêu cơ vân, nhịp tim chậm vì nguyên nhân ngộ độc thuốc lá điện tử có chứa chất gây hại...
Hoặc có bệnh nhân dùng thuốc lá điện tử khi vào viện dù nhìn bề ngoài bình thường nhưng kiểm tra có dấu hiệu bệnh lý động kinh, giảm trí nhớ, mất ngủ…
BS Nguyên cho rằng, rượu và thuốc lá truyền thống đã mang lại nhiều mối nguy về sức khỏe, chúng ta chưa giải quyết xong, do vậy nếu tiếp tục “thả” thuốc lá điện tử thì không thể lường hết hậu quả do sản phẩm này mang lại về cả sức khỏe và kinh tế... Do đó, cần có chính sách quản lý phù hợp, cần cấm lưu hành thuốc lá điện tử.
Theo báo cáo của Bộ Công an, năm 2022 trên toàn quốc đã phát hiện bắt giữ, xử lý 51 vụ, 97 đối tượng mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy dưới dạng “núp bóng” thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử; trong đó ma túy được “tẩm ướp” vào thảo mộc, thuốc lá điện tử là 32 vụ, 58 đối tượng.
Bà Đinh Thị Thu Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, Bộ Y tế sẽ phối hợp các bộ, ngành liên quan xây dựng văn bản trình Chính phủ để trình Quốc hội cho ý kiến về việc cấm thuốc lá thế hệ mới vì những hệ lụy sức khỏe của sản phẩm này đối với cộng đồng, đặc biệt là với giới trẻ hiện nay.
“Quan điểm của Bộ Y tế từ trước đến nay vẫn là cấm hoàn toàn các loại thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, thuốc lá mới khác). Vì vậy, Bộ Y tế đề xuất xây dựng văn bản với nội dung cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo các sản phẩm thuốc lá mới. Hình thức văn bản là nghị quyết do Quốc hội ban hành” - bà Thủy thông tin.