Việc các phương tiện công cộng chưa hoạt động trở lại gây nhiều bất tiện cho người dân Thủ đô.
Mong ngóng phương tiện công cộng hoạt động trở lại
Thời điểm hiện tại, Hà Nội đã nới lỏng giãn cách và dần cho phép một số hoạt động, dịch vụ mở cửa trở lại.
Tuy nhiên, để đảm bảo công tác phòng chống dịch hiệu quả, tránh lây lan giữa các vùng, TP vẫn chưa cho phép phương tiện công cộng được hoạt động. Như vậy, tính đến nay, xe buýt, taxi ở Hà Nội đã buộc phải dừng hoạt động gần 3 tháng kể từ ngày 18/7 do dịch bệnh bùng phát trên địa bàn TP.
Việc này đã khiến cho phương tiện cá nhân tham gia giao thông tăng cao, dẫn đến tình trạng ùn ứ, rối loạn giao thông đồng thời gây ra không ít khó khăn cho người dân trong việc đi lại.
Chia sẻ với PV Đại Đoàn Kết Online, chị Thùy (ở Đông Anh, Hà Nội) cho biết: “Tôi đang làm làm việc trên đường Dịch Vong Hậu, nhưng ở bên huyện Đông Anh. Quãng đường đi làm khá xa nên thường lựa chọn xe buýt để đảm bảo an toàn. Giờ xe buýt chưa được chạy lại trên các tuyến đường, việc di chuyển đi làm của tôi trở nên khó khăn hơn rất nhiều”.
Chị Dương (Linh Đàm, Hoàng Mai) chia sẻ: "Trước khi dịch bùng phát, xe buýt là phương tiện chủ yếu để tôi đi làm, vừa không bụi bặm mà cũng khá an toàn. Theo tôi, nên mở lại xe buýt ở một số tuyến đường từ nội đô ra ngoại thành, nơi tập trung nhiều xưởng và khu công nghiệp chủ yếu dành cho người lao động. Nhưng để mở lại các tuyến xe buýt này, bắt buộc việc kiểm soát hoạt động phòng dịch trên xe phải được thực hiện nghiêm ngặt. Vì xe bus công cộng cũng có thể là nơi lây lan nhanh chóng và nguy hiểm".
Đồng quan điểm với chị Dương về những lo ngại nguy cơ dịch bệnh khi sử dụng phương tiện công cộng, anh Nguyễn Quang Huy (Cầu Giầy, Hà Nội) bày tỏ: "Xe buýt, xe ôm công nghệ chưa được hoạt động cũng gây ra nhiều bất tiện cho người dân. Nhưng theo tôi, chưa nên mở lại hoạt động xe buýt bởi sẽ làm tăng cơ hội tiếp xúc và lây lan mầm bệnh giữa người với người do không gian xe khá hẹp. Dù giới hạn tối đa số lượng người vẫn khó đảm bảo an toàn. Trong trường hợp mở lại, các biện pháp phòng chống dịch phải đặt lên hàng đầu”.
Phải đảm bào công tác phòng dịch
Để hỗ trợ người lao động, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, phục vụ sự đi lại của người dân, ngày 10/10, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội vừa có đề xuất UBND TP cho phép xe buýt được hoạt động 50% tần suất biểu đồ chạy xe.
Ngoài ra, xe taxi, xe công nghệ dưới 9 chỗ cũng được đề xuất được phép hoạt động với 50% số lượng xe đã được cấp phép (có phù hiệu do Sở GTVT Hà Nội cấp còn hiệu lực).
Sở này cũng đưa ra thời gian bắt đầu hoạt động là từ ngày 10/10/2021 trên phạm vi toàn địa bàn thành phố.
Để vận tải hành khách công cộng hoạt động trở lại, Sở GTVT yêu cầu các đơn vị vận tải, tổ chức, đơn vị quản lý cam kết đảm bảo thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong hoạt động vận chuyển hành khách theo quy định của Bộ Y tế, Bộ GTVT và các quy định khác của pháp luật hiện hành.
Xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 và có kịch bản xử lý khi có trường hợp hành khách mắc Covid-19 tham gia giao thông.
Tăng cường kiểm tra, giám sát thông qua thiết bị giám sát hành trình; bảo đảm phương tiện, lái xe hoạt động theo đúng hành trình, đối tượng vận chuyển và tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
Sở cũng yêu cầu các đơn vị kinh doanh, cá nhân kinh doanh vận tải thông báo số lượng xe được phép hoạt động, trên nguyên tắc không vượt quá 50% số lượng xe được cấp phù hiệu còn hiệu lực và cam kết đảm bảo hoạt động đúng số lượng xe đã thông báo.
Tổ chức vệ sinh, khử khuẩn phương tiện hàng ngày và sau mỗi chuyến đi.
Lái xe, nhân viên phục vụ trên xe phải được tiêm tối thiểu 1 mũi vaccine; tuân thủ công tác phòng chống dịch theo “thông điệp 5K”; khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế.