Bạo hành trên mạng

Bắc Phong 10/11/2023 07:27

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 7/11, kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, về giải pháp để bảo vệ cá nhân, tổ chức khi bị cộng đồng mạng "bạo hành", ĐBQH Tô Thị Bích Châu (Đoàn TPHCM) nêu ví dụ trường hợp hoa hậu Ý Nhi và phim Đất rừng phương Nam bị cộng đồng mạng "dập cho tơi bời". Theo đại biểu, kiểu bạo hành “đập cho chết chứ không phải đập cho chừa” này rất nguy hiểm.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, quy định pháp luật về quản lý mạng xã hội đã được sửa đổi tại Nghị định 72 để quản lý căn bản, trong đó có vấn đề xâm hại đời tư. Để thực thi pháp luật nghiêm minh, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Bộ Công an xử lý nghiêm, xử lý hình sự một số vụ việc mang tính trọng tâm. Ông Hùng lấy vụ tòa xét xử vụ sai phạm của bà Phương Hằng, nhằm răn đe chung.

Thời gian qua, việc “ném đá” trên mạng xã hội gây bức xúc dư luận. Văn hóa bình luận đã biến tướng thành việc soi mói vô duyên, và còn hơn thế nữa khi xúm vào vùi dập người khác chỉ vì một phát ngôn, một hành vi chưa chuẩn mực nào đó. “Cõi mạng” là của chung nhưng trong nhiều trường hợp đã biến thành “chiến trường” của những trận “bom rải thảm ngôn từ”.

Việc bày tỏ ý kiến là quyền của mỗi người, nhưng từ đó cũng cho thấy người đó ra sao dù chỉ là gõ phím, giấu mặt. Đó không phải chỉ để cho vui mà quên mất rằng có thể sẽ thay đổi cuộc đời ai đó. Quyền bày tỏ ý kiến, quyền bình luận những vấn đề mình quan tâm, nhưng không có quyền bôi nhọ, xúc phạm, vùi dập người khác.

Tất nhiên trong việc này có vấn đề từ hai phía. Thứ nhất là người nào đó (nhất là người nổi tiếng) phát ngôn, hành động thiếu suy nghĩ, lệch chuẩn, đôi khi còn trái với thuần phong mỹ tục, lan tỏa cái xấu. Thứ hai là những người “lợi dụng tình thế”, “mượn gió bẻ măng” hùa vào “xỉa sói” một cách ác ý, hả hê. Nhiều nạn nhân bị sỉ nhục quá đáng, oan ức đã không chống đỡ nổi, cuộc đời bị cướp mất.

Yêu cầu người nổi tiếng thận trọng trong phát ngôn thì cũng phải đòi hỏi những người “nhân danh công lý” phải có văn hóa, phải tôn trọng pháp luật, để không biến mình thành những kẻ bạo hành trên không gian mạng.

Ranh giới “ném đá” trên mạng xã hội với hành vi vi phạm pháp luật là rất mong manh. Vì thế, khi mạng xã hội trở thành một phần tất yếu của cuộc sống thì lại càng không thể vô lối công kích, rủa xả, xúc phạm đời tư người khác. Những phát ngôn phách lối trên mạng xã hội (kể cả các buổi livestream) công kích lẫn nhau tưởng chừng chỉ là những cuộc đấu đá qua lại, nhưng khi đã quá đà thì sẽ là thảm họa. Không thể tự huyễn hoặc mình là chân lý để dạy dỗ, phán bảo, xúc phạm người khác.

Qua nhiều cuộc “khẩu chiến” trên mạng xã hội cho thấy quyền tự do ngôn luận đã bị lợi dụng, đi quá giới hạn ở một số người, dẫn đến hậu quả pháp lý. Dẫu biết rằng ai cũng có quyền được tự do bày tỏ quan điểm, tâm tư tình cảm của mình nhưng không đồng nghĩa với việc tự cho mình quyền xúc phạm, miệt thị người khác.

Ngày 21/6/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định số 874 về Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, với 4 nguyên tắc ứng xử chung là:

- Quy tắc “Tôn trọng, tuân thủ pháp luật”: Tuân thủ pháp luật Việt Nam, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

- Quy tắc “Lành mạnh”: Hành vi, ứng xử trên mạng xã hội phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

- Quy tắc “An toàn, bảo mật thông tin”: Tuân thủ các quy định và hướng dẫn về bảo vệ an toàn và bảo mật thông tin.

- Quy tắc “Trách nhiệm”: Chịu trách nhiệm về các hành vi, ứng xử trên mạng xã hội; phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý hành vi, nội dung thông tin vi phạm pháp luật.

Riêng đối với trường hợp xác định những câu nói "vạ miệng" nhằm xúc phạm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự nhân phẩm của người khác, thì người đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “làm nhục người khác”, theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, với mức phạt thấp nhất là cảnh cáo, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng, hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm và cao nhất có thể lên đến 5 năm tù. Còn nếu phạm tội “vu khống” xác định theo Điều 156 thì mức phạt thấp nhất là phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm; hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm, cao nhất là bị tù 7 năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bạo hành trên mạng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO