Chỉ trong vòng một thời gian rất ngắn, liên tiếp xảy ra các vụ học sinh đánh nhau được phản ánh trên các phương tiện truyền thông. Điều đáng nói, phần lớn nguyên nhân chỉ do xích mích hoặc mâu thuẫn nhỏ nhưng các em đã chọn cách xử lý bạo lực…Vì sao vậy?
Khi mâu thuẫn xử lý bằng bạo lực
Một thống kê mới nhất cho thấy, chỉ trong vòng 5 ngày (từ ngày 21-25/3) trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã xảy ra liên tiếp 3 vụ học sinh đánh nhau để giải quyết mâu thuẫn khiến 2 nam sinh phải nhập viện. Nghiêm trọng nhất là vụ việc xảy ra tại Trường THPT Phan Bội Châu (thị trấn Nam Sách), có một học sinh bị đâm trọng thương phải nhập viện cấp cứu.
Trên mạng xã hội những ngày qua cũng xuất hiện 1 đoạn clip ngắn, ghi lại cảnh 1 nữ sinh mặc áo trắng, đeo khăn quàng có hành động đá, đạp, đấm và giật tóc 1 nữ sinh mặc áo đồng phục đang ngồi ở bàn học. Nữ sinh lớp 7 (Trường tiểu học và THCS Triệu Vân, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) bị đánh chỉ ôm đầu chịu trận, không có phản kháng lại để tự vệ.
Tìm hiểu được biết, không chỉ bị đánh một lần, mà nữ sinh này bị đánh ít nhất hai lần vì có 2 clip ghi lại ở những thời điểm khác nhau. Không chỉ đánh đập, mà nữ sinh nói trên còn bị hành hạ, sỉ nhục, bị bắt phải quỳ xin lỗi. Nữ sinh bị đánh sau đó có nhiều dấu hiệu bất ổn về sức khỏe cũng như tâm lý. Gia đình và nhà trường đã phải đưa em tới bệnh viện để kiểm tra sức khỏe.
Vậy học trò đánh nhau vì những nguyên nhân gì? Thật ra đôi khi chỉ vì bắt đầu từ những xích mích rất nhỏ. Có thể là một lời thách đố trong nhóm chat chung, một lời bình luận khiếm nhã trên Facebook cá nhân, một ánh mắt nhìn không thiện cảm... Đặc biệt với các nữ sinh, nguyên nhân có thể bắt đầu từ chuyện tình cảm nam nữ, sự ghen tuông vô cớ…
Gần đây nhất là vào ngày 28/3, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tỉnh Thừa Thiên - Huế thông tin về một vụ việc nữ sinh đánh nhau. Theo đó, Sở đã yêu cầu Trường THPT Hương Trà (thị xã Hương Trà) tích cực phối hợp với Công an địa phương để làm rõ sự việc nữ sinh N. (16 tuổi, học sinh lớp 10) bị bạn cùng trường đánh đến chấn thương sọ não.
Trước đó, ngày 6/3, nữ sinh này nhận được tin nhắn của bạn cùng trường hẹn gặp nhau ở công viên Tứ Hạ (thị xã Hương Trà) để nói chuyện. Khi em vừa đến nơi thì bất ngờ bị bạn lao vào đánh tới tấp bằng mũ bảo hiểm.
Sau gần nửa tháng điều trị, nữ sinh bị đánh được Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 cho xuất viện. Tuy nhiên, do tâm lý còn sợ hãi, hoảng loạn nên N. không muốn đến trường.
Theo lãnh đạo Trường THPT Hương Trà, nguyên nhân ban đầu của vụ việc được xác định là do 2 học sinh này có mâu thuẫn, xích mích trên mạng xã hội.
Sự đau đớn về thể xác mà các em học sinh bị đánh khiến các bậc phụ huynh nhìn thấy thật xót xa. Nhưng điều đau lòng hơn thế là ở những thời điểm xảy ra vụ việc, xung quanh có không ít bạn học nhưng chẳng ai can ngăn, vẫn quay clip, cổ vũ hoặc thản nhiên đứng xem… Sự vô cảm trước hành vi bạo lực cũng là thực tế chung ở nhiều vụ học trò đánh nhau, khiến dư luận vô cùng phẫn nộ.
Quan tâm hơn tới tuổi mới lớn
Có cách nào để ngăn chặn học sinh đánh nhau không? Em Nguyễn Đức Minh - học sinh lớp 10 Trường THPT Việt Nam - Ba Lan (Hà Nội) chia sẻ, chỉ cần các giáo viên quan tâm hơn tới những vấn đề tưởng chừng như rất “trẻ con”, lắng nghe tâm sự và giải quyết kịp thời, thì có thể sẽ ngăn chặn được.
Minh kể một câu chuyện hồi em học THCS, trong lớp có hai bạn mâu thuẫn nhau vì chỗ ngồi, một trong hai bạn đã đề nghị cô giáo đổi chỗ. Tuy nhiên, giáo viên chủ nhiệm yêu cầu phải đợi tới tiết sinh hoạt cuối tuần sẽ nêu vấn đề này ra trước lớp để giải quyết. Nhưng trong khi chờ cô phân xử, hai bạn đã hẹn đánh nhau ở bên ngoài cổng trường.
Tại Hội thảo của Thường trực Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực liên quan tới phòng chống bạo lực học đường mới đây, Thứ trưởng Bộ GDĐT Ngô Thị Minh nhận định thực trạng trẻ em bị xâm hại, bạo lực học đường vẫn còn có những diễn biến phức tạp. Vì vậy, các cơ sở giáo dục cần tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống; người đứng đầu các cơ sở giáo dục cần nắm chắc quy định, nêu gương, từ đó tạo dựng môi trường thực sự an toàn cho học sinh; các trường sư phạm quan tâm đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cho đội ngũ giáo viên.
Có chung quan điểm, em Vũ Thị Bảo Anh - học sinh lớp 9, Trường THCS và THPT M.V. Lômônôxốp (Khu đô thị Mỹ Đình, Hà Nội) bày tỏ, bạn bè trong lớp cũng là một kênh thông tin để giáo viên nắm được những mâu thuẫn cá nhân, từ đó sớm giúp các em hóa giải.
Cùng với đó, các bạn tổ trưởng, ban cán sự lớp và tổ chức Đoàn cũng nên là những sợi dây gắn kết, xây dựng tình đoàn kết ở mỗi tập thể lớp học.
Trở lại với vụ việc nữ sinh lớp 7 (Trường tiểu học và THCS Triệu Vân, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) nói trên liên tục bị nữ sinh lớp trên hành hung dã man từ trong lớp ra ngoài đường. Song đến khi sự việc được đăng lên mạng xã hội thì nhà trường, chính quyền địa phương và gia đình mới biết.
Những vụ đánh nhau ngoài nhà trường, các thầy cô khó kiểm soát đã đành, nhưng học trò đánh nhau ngay trong khuôn viên trường học thì vấn nạn bạo lực học đường đã đến mức báo động đỏ.
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội: Trẻ em bây giờ phát triển biến động lớn, chịu tác động tâm lý từ môi trường xã hội, môi trường trên mạng internet. Muốn hiểu được các em, thầy cô cần phải có kiến thức và kỹ năng để phát hiện, ngăn chặn chặn kịp thời, tác động sớm trước các biểu hiện bạo lực học đường và các hành vi sai phạm.
Đã có nhiều hội thảo bàn giải pháp ngăn chặn bạo lực học đường được tổ chức. Nhưng trên thực tế, bạo lực học đường vẫn tái diễn. Làm thế nào để ngăn chặn được bạo lực học đường? Nếu dồn hết trách nhiệm lên giáo viên chủ nhiệm, e sẽ là quá tải và thực sự không công bằng.
Trong khi thế chân kiềng gia đình - nhà trường - xã hội được đề cập nhiều nhưng sự liên kết lại chưa thực sự khăng khít, chưa đáng được bao nhiêu. Trách nhiệm lớn hơn ở mỗi vụ học trò đánh nhau, đó chính là ở bậc làm cha mẹ. Theo các chuyên gia, ở môi trường nào, người lớn cũng phải làm gương để trẻ noi theo.
Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) đề nghị Bộ GDĐT quan tâm triển khai tới đội ngũ giáo viên về phương pháp giáo dục kỷ luật tích cực cho học sinh; tăng cường truyền thông, làm lan tỏa các tấm gương điển hình tiêu biểu, nhằm giáo dục chuyển đổi hành vi cho cả giáo viên và học sinh; kiên quyết nói không với các hành vi bạo lực trong trường học.
Theo ông Nam, các nhà trường, địa phương cần phát huy vai trò của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 và lưu ý đây không chỉ là số điện thoại đường dây nóng để sử dụng khi có sự việc xảy ra, mà còn là nơi tư vấn, hỗ trợ phụ huynh, học sinh khi gặp sự cố.
Ông Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội):
Tin tưởng thầy cô giáo, học sinh mới chia sẻ
Trong đời dạy học, tôi nhớ mãi có một học sinh cha mẹ ly hôn, em ở với bố nhưng bố xây dựng gia đình riêng nên em lại ở với ông bà nội. Em này sau đó thường xuyên bỏ học, đánh nhau. Khi đó, tôi mới làm hiệu trưởng nên cũng muốn đưa học sinh vào kỷ luật.
Tôi quyết định họp hội đồng kỷ luật và đuổi em khỏi trường. Chỉ sau một thời gian, em đó vi phạm nặng, phải đi tù. Tôi rất áy náy, giá mình kiên trì hơn, cố gắng hơn, cách xử lý khác đi thì có thể em đó không phạm lỗi lầm.
Từ những câu chuyện như vậy, tôi cố gắng điều chỉnh việc tiếp cận, cách giáo dục học sinh. Bây giờ, nếu học sinh vi phạm kỷ luật, tôi gọi riêng ra nhắc nhở, trao đổi, tâm tình, không đặt quá nặng nề. Tất nhiên, em nào vi phạm nặng cũng phải có hình thức răn đe, nhưng ban đầu bao giờ tôi cũng đem tấm lòng của người thầy ra để tìm hiểu, khuyên bảo, và tôi thấy hiệu quả hơn.
Nhưng để làm được như vậy thì học sinh phải tin mình, có tin các em mới chia sẻ được. Để học sinh tin thì mình phải có thời gian gần gũi với các em.
Có thể thông qua nhiều kênh như Facebook, Zalo, email, hoặc các em gặp trao đổi trực tiếp để lắng nghe chia sẻ từ các em về nhiều vấn đề, trong đó có cả những tâm sự. Tôi nghĩ những góp ý, chia sẻ đó là điều rất cần thiết với người hiệu trưởng trong công tác quản lý học sinh.
Ông Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội:
Phụ huynh không vô can
Năm học 2021-2022, Việt Nam có trên 24 triệu học sinh, sinh viên và 1,5 triệu nhà giáo, chiếm hơn 1/4 dân số. Việc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn không phải công việc dễ dàng và không chỉ riêng một ngành nào có thể làm được.
Cần sự phối hợp giữa nhà trường - gia đình và xã hội. Chỉ thiếu một bên thì quá trình giáo dục toàn diện khó thành công.
Một số vụ việc bạo lực xảy ra, khi tìm hiểu mới thấy sự thiếu quan tâm, chưa sát sao trong giáo dục học sinh của gia đình. Thậm chí nhiều gia đình còn có tâm lý “khoán trắng” cho nhà trường khiến cho học sinh khi có tâm sự, vướng mắc, bất đồng ý kiến… không biết giãi bày ở đâu. Lâu dần, dồn nén tích tụ nên chỉ một hành động xô xát nhỏ cũng thổi bùng lên ngọn lửa bạo lực.
Hãy dành thời gian quan tâm đến con em mình, không chỉ là về mặt thành tích mà cả tâm tư, tình cảm để mỗi đứa trẻ cảm thấy được yêu thương, thấu hiểu thì bạo lực sẽ không còn đất sống.
Lam Nhi(ghi)