Sau khi vụ xả súng được xem là đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ hiện đại xảy ra cách đây vài ngày tại một lễ hội ca nhạc tổ chức tại Las Vegas, bang Nevada, giới lãnh đạo cấp cao nhất của nước này vẫn giữ im lặng về việc tại sao những vụ việc tương tự cứ liên tục xảy ra.
Ảnh minh họa.
Sau vụ xả súng do thủ phạm Stephen Paddock gây ra khiến 58 người thiệt mạng và hơn 500 người khác bị thương, "những lời chia buồn sâu sắc" đã được giới lãnh đạo Mỹ gửi đi trên mạng xã hội Twitter. Tuy nhiên, không có ai lý giải tại sao những vụ tấn công do những kẻ có vấn đề về tâm thần, hay những kẻ tấn công kiểu "sói đơn độc" liên tiếp xảy ra trong thời gian qua.
Như thường lệ, việc ngăn chặn khủng bố trong nước và thắt chặt kiểm soát súng đạn sẽ lại bị các chính trị gia nước này bác bỏ, khi cho rằng chúng là không phù hợp hoặc không cần thiết khi xảy ra một thảm kịch như hiện nay, và nhanh chóng bị vùi lấp đằng sau những vấn đề trọng tâm khác của chính quyền.
Trước đây, nước Mỹ từng bỏ qua nhiều vụ việc tương tự. Thực tế, Mỹ đã từng chứng kiến tới 273 vụ xả súng kiểu này chỉ tính riêng từ đầu năm 2017 đến nay, theo con số thống kê từ Kho lưu trữ thông số về Bạo lực Súng đạn, trong đó bao gồm con số chi tiết về số người bị chết và bị thương trong các vụ bạo lực súng đạn.
Con số thống kê còn cho thấy có 11.698 người chết do bạo lực súng đạn tính từ đầu năm đến nay. Trong khoảng 2001-2014, có tới 440.095 người chết vì súng đạn trên lãnh thổ Mỹ, trong khi số người chết do các vụ khủng bố cũng trong khoảng năm đó chỉ ở mức 3.412.
Ngày nay, theo ước tính trung bình, mỗi ngày trên nước Mỹ đều xảy ra một vụ xả súng hàng loạt.
Các vụ xả súng hàng loạt xảy ra trên nước Mỹ đã trở thành một vấn nạn bạo lực, nhưng lại bị "nhắm mắt làm ngơ" đã quá lâu.
Vấn đề đáng nói nhất ở đây vẫn là vấn đề về sắc tộc ở nước này. Nếu như các vụ xả súng được thực hiện bởi những người gốc Latin, chúng sẽ nhanh chóng bị chuyển sang thành vấn đề về nhập cư. Nếu một vụ xả súng được thực hiện bởi người da đen, nó sẽ được lợi dụng làm lời bào chữa cho các hành động bạo lực quá mức cần thiết của cảnh sát đối với người da đen.
Và nếu những kẻ xả súng hàng loạt là người Hồi giáo, chính quyền sẽ nhanh chóng đổ lỗi cho chủ nghĩa khủng bố và buộc phải tăng cường an ninh trong nước, có các biện pháp hành động ở nước ngoài.
Tuy nhiên, phần lớn các vụ xả súng ở nước Mỹ lại do người Mỹ da trắng thực hiện. Theo phân tích của Mother Jones - tổ chức chuyên thống kê chi tiết các vụ xả súng ở Mỹ cùng con số người thương vong - trong số 62 vụ xả súng xảy ra trong khoảng thời gian 1982-2012 thì có tới 44 vụ do đàn ông da trắng thực hiện.
Kể từ năm 1982 trở đi, các vụ xả súng hàng loạt xảy ra trên lãnh thổ Mỹ gây ra bởi những người đàn ông da trắng, được mô tả là "những kẻ tấn công đơn độc" hay "chịu khiếm khuyết về mặt tâm thần".
Và kết quả là, thay vì huy động các thể chế trong nước kiến thiết các cuộc cải cách để giải quyết vấn nạn này, chính phủ Mỹ vẫn kiên quyết bảo vệ Luật sửa đổi thứ Hai - trong đó quy định vũ khí là một phương tiện để bảo vệ an ninh quốc gia, và mọi người dân đều có quyền tự do vũ trang - và các vụ xả súng vẫn tiếp diễn.
Thậm chí, việc đàn ông da trắng được sở hữu súng đạn còn được rất nhiều chính trị gia bảo thủ cho là sự thể hiện lòng yêu nước.
Năm 2014, hãng FoxNews từng công bố một bản thăm dò trong đó chỉ ra rằng gần 7/10 số thành viên đảng Cộng hòa tin rằng sở hữu súng đạn là yêu nước. Nếu như quan điểm này nhận được sự tán thành từ các nhóm khác, chắc chắn sẽ trở thành một mối đe dọa với nước Mỹ.
Quyền được sở hữu súng đạn được xem như một thứ văn hóa đã ăn sâu vào tâm lý của người dân Mỹ. Trong khi đó, những yếu tố khác - như nạo phá thai hay khủng bố nước ngoài - dẫn tới sự hủy diệt sự sống, như các vụ xả súng do chính công dân da trắng Mỹ gây ra, lại bị coi là làm tổn hại nghiêm trọng tới các giá trị của nước Mỹ.
Nhưng do sở hữu súng đạn được ủng hộ bởi nhiều chính trị gia thuộc đảng đang kiểm soát cả hai viện của Quốc hội Mỹ, nên cuộc tranh luận về sở hữu súng đạn ở nước Mỹ hiện vẫn chưa đi đến đâu.