Quốc tế

Bạo lực và nạn đói ở Haiti

Thanh Đức 02/04/2024 06:31

Sau 3 tháng bạo loạn, Hội đồng Tổng thống chuyển tiếp Haiti đã ra tuyên bố chính thức cam kết khôi phục trật tự Hiến pháp ở quốc gia Caribe này.

anh-bai-tren.jpg
Cảnh đốt phá trên đường phố thủ đô Port-au-Prince. Nguồn: Al Jazeera.

Trong tuyên bố mới đây, Hội đồng Tổng thống chuyển tiếp Haiti cho biết đang hoàn thiện các khâu cuối cùng về tổ chức, cũng như xây dựng kế hoạch hành động nhằm khôi phục trật tự, đảm bảo tính mạng và tài sản của người dân, tổ chức bầu cử và triển khai những cải cách cần thiết.

Trong 3 tháng qua, tại Haiti đã gia tăng chưa từng có các vụ bạo lực nhằm vào cảnh sát và các khu dân cư. Bạo lực băng đảng ở nước này đã khiến hơn 1.500 người thiệt mạng chỉ riêng từ đầu năm tới nay, trong đó có nhiều trẻ em.

Người đứng đầu Cơ quan nhân quyền Liên hợp quốc, Voler Turk, nhấn mạnh: “Tình hình ở Haiti thật thảm khốc. Tham nhũng, quản trị kém, cùng với mức độ bạo lực băng đảng đã làm xói mòn nền pháp quyền và khiến các thể chế nhà nước gần như sụp đổ. Giải quyết tình trạng mất an ninh phải là ưu tiên hàng đầu để bảo vệ người dân”.

Bạo lực bùng phát và kéo dài ở Haiti đã thu hút sự quan tâm của toàn thế giới. Nhiều quốc gia đã rút nhân viên sứ quán về nước. Mới nhất, ngày 28/3, Pháp đã sơ tán hơn 170 công dân nước này và 70 người mang quốc tịch khác khỏi Haiti bằng trực thăng quân sự ra khỏi thủ đô Port-au-Prince.

Bộ Ngoại giao Pháp cho biết, số người này được di chuyển bằng máy bay quân sự, sau đó được chuyển lên một tàu hải quân để đưa họ đến lãnh thổ hải ngoại Martinique của Pháp.

Trước đó, ngày 10/3, nhiều nhân viên ngoại giao Mỹ và Đại sứ Đức đã rời khỏi Port-au-Prince. Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Đức nói với hãng tin AFP: Do tình hình an ninh rất căng thẳng ở Haiti, Đại sứ Đức và đại diện thường trực tại Port-au-Prince đã rời Cộng hòa Dominica cùng với các đại diện của phái đoàn EU.

Còn Nhật Bản đã phải tạm thời đóng cửa Đại sứ quán tại Haiti.

Trong khi đó, Liên hợp quốc cảnh báo về tình hình tại thủ đô Port-au-Prince như một "thành phố đang bị bao vây", khi những kẻ tấn công có vũ trang thuộc các băng nhóm khác nhau nhắm vào Dinh Tổng thống và trụ sở cảnh sát.

Ngày 3/3, Haiti đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia do bạo lực leo thang. Sự việc dường như vượt tầm kiểm soát khi các băng nhóm vũ trang xông vào 2 nhà tù lớn nhất của quốc gia Caribe này, là nhà tù Haiti ở thủ đô Port-au-Prince và một trại giam khác ở Croix-des-Bouquets gần đó. Gần như toàn bộ trong số khoảng 4.000 tù nhân tại nhà tù ở Port-au-Prince đã trốn thoát. Bộ trưởng Bộ Tài chính Haiti, Patrick Boisvert - người phụ trách chính phủ khi Thủ tướng Ariel Henry đang ở nước ngoài, đã kêu gọi cảnh sát sử dụng "tất cả các biện pháp pháp lý" để bắt lại tù nhân và thực thi lệnh giới nghiêm.

Theo truyền thông nhà nước Haiti, trong số những tù nhân ở Port-au-Prince, có những nghi phạm bị buộc tội liên quan đến vụ sát hại Tổng thống Haiti Jovenel Moise vào năm 2021. Thông qua bạo loạn, các băng đảng có lúc đã kiểm soát tới 80% thủ đô Port-au-Prince.

Điều cực kỳ đáng lo ngại là cuộc chiến băng đảng, bạo loạn ở Haiti đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng tiếp cận lương thực của người dân. Theo Liên hợp quốc, riêng tháng 3, gần 30.000 người dân Thủ đô Haiti đã buộc phải di tản trong bối cảnh các vụ án mạng, cướp bóc, bắt cóc và bạo lực tình dục lan rộng. Bạo lực leo thang ở vùng Bas-Artibonite, phía bắc thủ đô Port-au-Prince khiến nguồn cung cấp các nhu yếu phẩm cơ bản như gạo bị gián đoạn nghiêm trọng.

Chương trình Lương thực thế giới (WFP) ước tính gần 50% dân số Haiti phải vật lộn để tự nuôi sống bản thân khi bạo lực băng đảng lan rộng, trong đó một số khu vực cận kề nạn đói. Tình trạng lạm phát và mùa màng kém cũng đã đẩy Haiti đến mức độ mất an ninh lương thực tồi tệ nhất từ trước đến nay.

Trong một báo cáo, Hệ thống Phân loại giai đoạn an ninh lương thực tích hợp (IPC) của Liên hợp quốc cho biết, khoảng 4,97 triệu người trong tổng dân số khoảng 11,5 triệu người của Haiti đang phải đối mặt với khủng hoảng hoặc ở mức độ tồi tệ hơn của tình trạng mất an ninh lương thực. 8 khu vực rơi vào tình trạng khẩn cấp, trong đó có thung lũng Artibonite - trung tâm nông nghiệp của Haiti và bán đảo Grand-Anse cùng các vùng lân cận của thủ đô, trong đó có vùng Cite Soleil.

"Nạn đói tại Haiti gia tăng gây ra cuộc khủng hoảng an ninh đang tàn phá đất nước này" - ông Jean Martin Bauer - Giám đốc WFP tại Haitii nói và kêu gọi hành động khẩn cấp của cộng đồng quốc tế.

Vì vậy, việc Hội đồng Tổng thống chuyển tiếp Haiti cam kết khôi phục trật tự Hiến pháp, được coi là “ánh sáng cuối đường hầm” ở Haiti.

Theo ABC News, khoảng 1,4 triệu người dân Haiti đang trên bờ vực của nạn đói và hơn 4 triệu người cần viện trợ lương thực, phần lớn trong số họ chỉ được cung cấp 1 bữa ăn mỗi ngày hoặc thậm chí không có gì để ăn trong thời gian bạo lực leo thang. Trong khi đó, Liên hiệp Cảnh sát quốc gia Haiti cho biết, khoảng 200 băng nhóm vẫn tiếp tục hoạt động ở Haiti, trong đó có gần 20 băng nhóm tập trung ở thủ đô Port-au-Prince. Đại diện UNICEF tại Haiti, ông Bruno Maes, cho biết cuộc khủng hoảng y tế sẽ trở nên tồi tệ hơn nhiều nếu tình trạng bạo lực không chấm dứt tại quốc gia này. "Chúng ta đang chứng kiến một thảm họa nhân đạo và chỉ còn rất ít thời gian để đảo ngược tình hình" - ông Maes nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bạo lực và nạn đói ở Haiti

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO