Bạo lực và ứng xử của người thầy

Vi Cầm 03/10/2023 06:25

Sở GDĐT Hà Nội vừa có văn bản chỉ đạo Trường THPT Đa Phúc, huyện Sóc Sơn tạm đình chỉ công tác giảng dạy, công tác chủ nhiệm lớp cũng như vai trò tư vấn tâm lý học đường đối với cô giáo túm cổ áo, kéo lê nữ Bí thư lớp 12 trường này.

Trưa ngày 2/10, Sở GDĐT Hà Nội cho biết đã có văn bản yêu cầu Hiệu trưởng Trường THPT Đa Phúc tạm đình chỉ công tác giảng dạy, công tác chủ nhiệm lớp và tư vấn tâm lý học đường đối với giáo viên chủ nhiệm túm cổ áo kéo lê học sinh; bố trí giáo viên thay thế bảo đảm đúng quy định hiện hành để hoạt động giáo dục của nhà trường diễn ra bình thường theo kế hoạch của đơn vị.

Trước đó ít ngày, trên mạng xã hội xuất hiện clip một giáo viên có hành động túm cổ áo nữ sinh, kéo từ hành lang vào lớp học. Sự việc được xác định là xảy ra tại Trường THPT Đa Phúc. Ngay sau khi có thông tin, Sở GDĐT Hà Nội đã chỉ đạo hiệu trưởng nhà trường xác minh, nghiêm túc rút kinh nghiệm, xử lý nghiêm nếu có vi phạm. Phía nhà trường cho biết cũng đã họp kiểm điểm giáo viên, xem xét sự việc và thống nhất quyết định, dừng công tác tư vấn học đường của trường học đối với cô giáo nói trên. Chuyển giáo viên khác dạy bộ môn Giáo dục công dân và chủ nhiệm lớp 12D4.

Liên quan đến sự việc cô giáo kéo lê học sinh xảy ra tại Trường THPT Đa Phúc như nói trên, giờ đây điều dư luận quan tâm nhất không hẳn là hình thức xử lý cô giáo mà là qua lối ứng xử kém nhân văn đó, bài học được rút ra là gì?

Theo dõi sự việc những ngày qua, nhiều phụ huynh rất bất bình và đều có chung chia sẻ rằng, là một người trưởng thành cũng không nỡ ứng xử như vậy, huống hồ cô là một giáo viên chủ nhiệm, được đào tạo bài bản tại Trường ĐH Sư phạm để dạy môn Giáo dục công dân cấp THPT - môn học có sự đòi hỏi cao về nhận thức, hiểu biết, ứng xử xã hội. Hành động kéo lê học sinh của cô giáo là hành vi bạo lực học đường.

Bạo lực học đường, nhìn rộng ra không chỉ giữa học trò với học trò, mà còn là bạo lực giữa thầy với trò - cũng đang có xu hướng gia tăng. Có muôn vàn lý do để biện minh cho việc thầy cô giáo bạo lực với học trò, nhưng tất cả những lý do ấy đều khó chấp nhận trong môi trường sư phạm. Theo các chuyên gia, những hành vi gây tổn thương cho học sinh về tinh thần và thể chất chính là biểu hiện của bạo lực học đường.

Tại sao bạo lực học đường vẫn có đất sống? Theo chuyên gia giáo dục Đặng Tự Ân, hiện vẫn còn một bộ phận giáo viên coi vấn nạn phi giáo dục ấy là do khách quan, đùn đẩy trách nhiệm mà không phải do mình, thậm chí còn đồng tình cách kỷ luật học sinh bằng trừng phạt thân thể các em. Trước hết đó là do thói quen và nếp nghĩ đã cũ. Có lẽ chính giáo viên hay người trưởng thành khi còn đi học cũng từng nếm trải đôi ba lần bị trừng phạt thân thể hay bạo lực. Nhiều giáo viên trong vai trò phụ huynh của mình, chính họ cũng không ngại thói quen sử dụng trừng phạt thân thể khi nuôi dạy con cái và cũng biến thành thói quen khi hành xử với học sinh trong quá trình giáo dục.

Tiếp đó vẫn tồn tại quan niệm cho rằng, trừng phạt thân thể học sinh là cần thiết và hiệu quả để giữ kỷ luật học đường. Trừng phạt khác với kỷ luật, sẽ ảnh hưởng tiêu cực lâu dài với trẻ. Học sinh bị trừng phạt thân thể sẽ tổn thương tâm lý, xấu hổ với bạn bè và ám ảnh lâu dài. Người bị trừng phạt thân thể, có kỷ niệm buồn, khó quên và rất dai dẳng.

Ông Đặng Tự Ân khẳng định, nếp nghĩ cũ, cái cũ đã xưa rồi, xã hội văn minh đang thay thế và tiếp tục tiến lên. Trẻ em bây giờ được coi là chủ thể trong giáo dục, có quyền được nhà trường và xã hội bảo vệ để chống lại các hình thức bạo lực thân thể và tinh thần. Chấm dứt bạo lực học sinh cũng giống như chúng ta đang làm chấm dứt bạo lực với phụ nữ. Nhà trường phải xây dựng và tạo ra được các mối quan hệ tích cực thầy trò và để không bao giờ phải dùng bạo lực với các em.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bạo lực và ứng xử của người thầy