Đến sáng 28/9, sau khi bão Noru tiến thẳng vào miền Trung, nhiều khu vực thiệt hại nặng nề, đường phố trở nên hoang tàn, cây xanh và biển hiệu ngã đổ. Lực lượng chức năng đang tập trung lực lượng khắc phục hậu quả cơn bão.
Bão số 4 gây thiệt hại nặng nề các tỉnh miền Trung
Thống kê sơ bộ, đến sáng 28/9, toàn thành phố Đà Nẵng có 2 căn nhà bị tốc mái, 172 trạm biến áp mất điện (đã khôi phục 89), 75 cây xanh và một số biển hiệu bị đổ, chưa xảy ra thiệt hại về người.
Để khắc phục thiệt hại sau bão, lực lượng công an, bộ đội, các cấp chính quyền địa phương đã phối hợp, tích cực hỗ trợ người dân dọn vệ sinh đường phố, sửa chữa nhà cửa.
Tại thành phố Đà Nẵng đã có mưa to, gió giật mạnh làm nhiều cây xanh bị ngã đổ, nhà dân bị tốc mái, nhiều khu vực dân cư bị mất điện.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 7h ngày 28/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 107,5 độ Kinh Đông, trên đất liền khu vực Thừa Thiên Huế - Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62 - 74 km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 120 km tính từ tâm bão.
Ảnh hưởng của bão số 4 tại đảo Cù Lao Chàm có gió mạnh cấp 10, giật cấp 14; đảo Lý Sơn có gió mạnh cấp 10, giật cấp 12; đảo Cồn Cỏ có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9; Đồng Hới, Đông Hà, Quảng Ngãi, An Nhơn, Quy Nhơn, Tuy Hòa có gió giật cấp 7; A Lưới, Nam Đông, Đà Nẵng có gió giật cấp 9; Trà My có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7; Tam Kỳ có gió mạnh cấp 9, giật cấp 13; Đắk Tô có gió giật cấp 6; Pleiku, An Khê có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8. Lượng mưa từ 19h ngày 27/9 đến 7h ngày 28/9, một số nơi trên 230 mm như Hà Tĩnh: Nam Đông (Thừa Thiên - Huế) 360 mm, Trạm Kiểm lâm Sông Bắc (Đà Nẵng) 233 mm, Đầu mối hồ Việt An (Quảng Nam) 627.4 mm, Trà Phú (Quảng Ngãi) 263.6 mm, Lý Sơn 337 mm, Đăk Choong (KonTum) 256.4 mm.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20 - 25 km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 39 km/giờ).
Vùng nguy hiểm trên biển trong 6 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 14,0 đến 18,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 109,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền, đê, kè biển, khu nuôi trồng thủy sản và các hoạt động khác tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn, lốc xoáy và nước biển dâng do bão. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn trên biển:Vùng biển từ Quảng Bình đến Phú Yên (bao gồm huyện đảo Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn) có gió mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 8 - 9; sóng biển cao 2 - 4m, biển động mạnh.
Cảnh báo gió mạnh trên đất liền: khu vực Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai có gió mạnh cấp 6 - 7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10; khu vực Quảng Bình, Quảng Trị, Phú Yên, Kon Tum có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.
Cảnh báo mưa lớn:trong ngày 28/9, khu vực Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100 - 150 mm, có nơi trên 200 mm; khu vực Quảng Bình, Bình Định, Gia Lai có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 40 - 80 mm, có nơi trên 120 mm. Từ ngày 28/9 đến ngày 29/9 khu vực Bắc Trung Bộ, có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến từ 100 - 250 mm/đợt, có nơi trên 300 mm/đợt; vùng ven biển, đồng bằng Bắc Bộ và Hòa Bình lượng mưa phổ biến từ 70 - 150 mm/đợt, có nơi trên 180 mm/đợt. Đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét trượt lở đất ở vùng núi, ngập úng tại vùng thấp.
Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Thông tin về 60 ngư dân bị mắc kẹt khi bão Noru áp sát Đà Nẵng
Tin mới nhất từ Bộ Chỉ huy BĐBP TP Đà Nẵng, sau nhiều thời gian thuyết phục, khuyên bảo, tới 0h ngày 28/9, đơn vị đưa được tất cả những ngư dân này vào bờ an toàn. Trước đó, tối 27/9, qua công tác rà soát, di dân tại âu thuyền Thọ Quang, lực lượng chức năng nhận được thông tin vẫn còn khoảng 60 người đang ở dưới thuyền nổ.
Thời điểm này có gió lớn, lực lượng biên phòng chưa thể tiếp cận được. Sau khi trời đỡ gió, lực lượng biên phòng đã tiếp cận 60 ngư dân ở lại trên thuyền để vận động đưa về nơi tránh trú bão.
Cũng tại âu thuyền Thọ Quang, ngay khi cơn bão đi qua, có 2 phao bù bị trôi dạt, mái tôn nhà giữ xe và trạm gác và một số vị trí bị tốc mái, đường dây truyền camera bị đứt. Cơ quan chức năng ghi nhận 2 ghe nhỏ bị chìm, 1 tàu mang số hiệu BĐ 97746 mắc cạn, đứt dây 6 tàu ở khu vực Hải đội 2.
Theo báo cáo cập nhật tình hình thiệt hại ban đầu do cơn bão số 4 của UBND TP Đà Nẵng lúc 7h30 ngày 28/9: Toàn thành phố có 3.340 trạm biến áp bị mất điện, đã khôi phục 163 trạm. Có 400 cây xanh bị ngã đổ, 3 nhà dân bị tốc mái nằm ở quận Thanh Khê, Ngũ Hành Sơn và Cẩm Lệ. Có một trường hợp chuyển dạ được Bộ Chỉ huy Quân sự điều xe cấp cứu hỗ trợ.
Tại trường THPT Liên Chiểu cây đổ, ngã đổ 5m tường rào. Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái ngã đổ 1 nhà xe, sập 40 m2 trần laphong. UBND phường Khuê Mỹ bị ngã đổ cổng chào. Văn phòng Chi cục Thủy lợi bị hư hỏng la phong tầng 3 khoảng 12 m2...