Sáng 23/7, toàn tỉnh Quảng Ninh mờ mịt trong mưa gió, đến 8h sáng trời vẫn tối sầm. Trên đường phố, hàng loạt cây xanh ven đường bật gốc, biển hiệu quảng cáo bay tứ tán…
Từ đêm qua đến sáng nay, trên địa bàn huyện Cô Tô có gió Bắc và Đông Bắc mạnh dần lên cấp 7-8, có lúc cấp 10, giật cấp 11; mưa to cả đêm. Hiện nay, gió chuyển hướng Nam, mưa nhỏ dần. Do ảnh hưởng của bão, trên địa bàn huyện Cô Tô có 1 tàu xi măng (trong âu cảng, thuộc địa bàn thị trấn Cô Tô) và 1 xuồng cao tốc nhỏ đậu gần bến khu 1, thị trấn Cô Tô, bị đắm; 50 cây xanh ven đường bị đổ, gãy; một số lều lá, quán lá tại các bãi biển bị gió thổi siêu vẹo, tốc bay.
Hiện tại, các hồ đập, công trình xây dựng trên đảo Cô Tô đều an toàn, không có sạt lở, ngập úng, không có thiệt hại về người.
Để ứng phó với bão, ngay trong ngày hôm qua (22/7), 795 tàu, thuyền đã về nơi neo đậu tránh trũ bão an toàn; toàn bộ khách du lịch được bố trí sinh hoạt đảm bảo, 23 hồ đập thường xuyên được kiểm tra; vị trí có nguy cơ sạt lở đã được cắm biển cảnh báo…
Lãnh đạo huyện Cô Tô cho biết, sẽ tiếp tục tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, úng cục bộ để chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó kịp thời, phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Trong đó, chủ động bố trí lực lượng ứng trực tại các khu vực trọng điểm xung yếu để sẵn sàng ứng cứu, cứu hộ cứu nạn khi có tình huống; theo dõi mực nước hồ, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn hồ chứa trong tình huống mưa sau bão, triển khai biện pháp bảo đảm an toàn hồ đập theo quy định; khuyến cáo khách du lịch không ra các bãi biển, bãi đá, khu vực nguy hiểm để trải nghiệm, chụp ảnh; phối hợp kiểm tra giá cả, chất lượng phục vụ tại các nhà nghỉ, khách sạn...
Trên địa bàn TP Hạ Long, từ sáng sớm nay có gió cấp 5-6, giật cấp 7; lượng mưa đo được trong đêm qua trung bình trên 79.6mm. Lượng mưa lớn đang bắt đầu gây ngập cục bộ tại một số điểm. Hiện tại có nhiều cây gãy đổ trên một số tuyến đường.
Tại huyện Vân Đồn, thời điểm 7h ngày 23/7, trên địa bàn huyện đang có mưa, lượng mưa khoảng trên 100mm; gió trên đất liền giật khoảng cấp 6-7. Theo tổng hợp nhanh của huyện, hiện có nhiều cây xanh trên một số tuyến đường tỉnh lộ 334 bị bật gốc và gãy đổ; chưa thấy xuất hiện tình trạng ngập lụt cục bộ xảy ra.
Tại địa đầu Móng Cái, đến thời điểm 8h ngày 23/7 trời đã lặng gió, ngừng mưa, có lúc hửng nắng.
Tuy nhiên dự báo gió và mưa sẽ có thể tiếp tục xuất hiện lại sớm khi tâm bão đi vào đất liền kéo theo hoàn lưu gây mưa. Ban PCTT-TKCN & PTDS TP Móng Cái yêu cầu các đơn vị, địa phương tiếp tục bám sát tình hình diễn biến của bão, tuyệt đối không lơ là, chủ quan; tiếp tục sẵn sàng mọi phương án ứng phó theo phương châm "3 trước, 4 tại chỗ"; đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản cho người dân, nhất là vùng có nguy cơ sạt lở; hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra...
Tại Hải Phòng, trao đổi với PV, Chủ tịch UBND huyện đảo Bạch Long Vỹ, ông Đào Minh Đông cho biết: Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, ở đảo Bạch Long Vĩ đã có gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 khoảng lúc 12h đêm qua. Sau đó, gió giảm dần xuống. Hiện tại, gió giảm xuống mức cấp 4,5; mưa nhỏ.
“Hiện, chính quyền địa phương ghi nhận chưa có thiệt hại với tàu, thuyền, người. Trên bờ, có một số thiệt hại nhỏ như mái tôn bị tốc mái”, ông Đông cho biết.
Tại khu vực ngoại thành Hải Phòng, theo ghi nhận của PV, lượng mưa tương đối lớn. Một số gia đình tại khu vực huyện An Dương, huyện Kiến Thuỵ đã phải sử dụng máy bơm để tiêu, thoát nước cho diện tích trồng đào và một số loại cây cảnh.