Không chỉ thay đổi cách trưng bày, tổ chức các sự kiện để tạo sức hút với công chúng, một số bảo tàng hiện đang tiến hành những chiến lược mới nhằm “kéo” giới trẻ đến với bảo tàng…
Sau đại dịch Covid-19, câu chuyện làm thế nào để thu hút khách đến với hệ thống bảo tàng được nhiều người nêu ra, cho thấy vấn đề cấp bách mà nếu không có sự thay đổi kịp thời, thì công chúng ngày càng “bỏ rơi” các bảo tàng. Hiện nay, đối tượng mà nhiều bảo tàng hướng tới là giới trẻ và khách du lịch.
Thực tế thời gian qua cho thấy, bản thân lãnh đạo nhiều bảo tàng đã có những xoay chuyển chứ không “bất động” như xưa. Một số bảo tàng đã triển khai ứng dụng công nghệ hiện đại để tăng cường trải nghiệm mới mẻ, thú vị cho du khách.
Đơn cử như phòng Trưng bày ứng dụng kỹ thuật và công nghệ tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đã sử dụng máy Hologram trong không gian trưng bày, tạo nên hình ảnh hiện vật và các nhân vật lịch sử trong không gian 3D. Kết hợp với đó là phần mềm tương tác 3600 và công nghệ thực tế ảo (VR), giúp khách tham quan có thể cảm nhận hiện vật như trong không gian thực ở nhiều góc độ khác nhau.
Tương tự, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh cũng sử dụng công nghệ 3D để tái hiện 5 nhà tù lớn ở miền Nam Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ trong một container mô phỏng đặt ngoài trời. Không những vậy, bảo tàng còn kết hợp công nghệ ánh sáng, nhiệt độ, âm thanh… cho du khách cảm nhận tính thực tế, chân thật của các nhà tù xưa.
Ngoài ra, một số bảo tàng còn kết hợp ứng dụng công nghệ để tạo nên các tour tham quan mới phục vụ du khách. Trong đó, có thể kể đến tour tham quan trực tuyến 3D tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, tour tham quan 360 độ tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, tour ngắm hoa gạo tháng Ba tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia…
Trong số hơn 160 bảo tàng trên cả nước, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam luôn nằm trong top đông khách nhất, với bình quân 33.000 lượt khách tham quan/tháng trong năm 2023.
Cá biệt, có những ngày bảo tàng này đã đón hơn 11.000 lượt khách. Nhưng thay đổi cách nào để thu hút được giới trẻ là bài toán không dễ áp dụng chung cho tất cả các bảo tàng. Bởi mỗi bảo tàng lại có một thế mạnh, một đặc thù riêng, cần có sự nghiên cứu và theo đó, tạo ra những sản phẩm mới để kéo công chúng đến với bảo tàng. Tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, việc mở ra không gian trải nghiệm văn hóa Hàn Quốc và cơ hội thử trang phục truyền thống của quốc gia này để tiếp cận gen Z bước đầu đã tạo được sức hút với giới trẻ.
Bảo tàng Hà Nội cũng đang cho thấy sự cố gắng để không gian trở nên sống động hơn.
Theo đó, Bảo tàng này đã tổ chức các sự kiện theo chuyên đề kết hợp với các hoạt động nghiệp vụ, truyền thông. Từ tháng 10/2022 đến nay, Bảo tàng Hà Nội đã trưng bày hàng chục chuyên đề, mở cửa đón công chúng tham quan được 3 trên 4 tầng của bảo tàng. Kết quả, lượng khách trung bình đến với Bảo tàng Hà Nội tăng lên ở mức 300-500 lượt/ngày. Vào dịp cuối tuần, nghỉ lễ hay khai trương triển lãm mới, bảo tàng có thể đón tới hơn 1.000 lượt khách tham quan/ngày.
Trong năm 2023 và tính đến tháng 6/2024, Bảo tàng Hà Nội đã tổ chức cho khoảng 20.000 khách tham gia các hoạt động giáo dục, trải nghiệm như Rước trăng chơi phố dịp Tết Trung thu; trình diễn các nghề thủ công truyền thống: làm Tò he, nón chuông, cốm Mễ Trì, làng gốm Bát Tràng…
Để hấp dẫn thêm nhiều khách trong nước và quốc tế, đặc biệt là đối tượng khách trẻ, bảo tàng đã và đang tổ chức nhiều chủ đề, chuyên đề trưng bày, triển khai gắn với các giai đoạn, sự kiện, nhân vật trong lịch sử vẻ vang của dân tộc theo ý tưởng, thiết kế đồ họa chuẩn quốc tế.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, để hút giới trẻ tới hệ thống các bảo tàng, thì điều quan trọng nhất, các bảo tàng cần có sự nhạy cảm nhất định với người trẻ và vấn đề mà họ đang quan tâm. Giá cả phải chăng cũng là một cách để bảo tàng trở nên dễ tiếp cận hơn đối với các khách hàng trẻ tuổi. Đây là đối tượng có thu nhập còn hạn chế, vì vậy việc được nhận những ưu đãi đặc biệt sẽ khiến trải nghiệm của họ trở nên tuyệt vời hơn rất nhiều.
Bên cạnh đó, ngoài những không gian cố định, các bảo tàng cần tổ chức các sự kiện, chuyên đề riêng, tập trung trưng bày thường xuyên, có sự thay đổi về cảnh quan mới lạ để thu hút khách hàng quay lại nhiều lần.
Một trong những hướng tiếp cận công chúng được nhiều bảo tàng gần đây áp dụng đó là mở thêm các kênh giao lưu trên mạng xã hội. Không chỉ là trang web khô khan, việc mở các trang trên mạng xã hội giúp cho các thông tin, sự kiện, chương trình mới của bảo tàng đến nhanh với nhiều người, đồng thời, các tương tác qua ứng dụng chat hoặc bình luận cũng trở nên nhanh chóng, thuận tiện hơn.
Mới đây (ngày 25/6), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức chương trình tri ân Những người bạn yêu thích và tương tác nhiều nhất với Fanpage của bảo tàng trên mạng xã hội Facebook và chủ nhân những video về Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam được yêu thích nhất trên TikTok. Điều này cho thấy, lãnh đạo Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã nhìn thấy những thế mạnh, những mặt tích cực của hướng đi này.
Trước đó, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng đã mời Hoa hậu Ngọc Hân đảm nhận vai trò cố vấn chiến lược truyền thông. Và sự kiện đầu tiên mà Hoa hậu Ngọc Hân tham dự đó là “Art Talk: Những kỷ niệm về họa sĩ, liệt sĩ Tô Ngọc Vân” với cố vấn chiến lược truyền thông, hồi giữa tháng 5 vừa qua. Nói về điều này, Hoa hậu Ngọc Hân bày tỏ cô cảm thấy vinh dự khi được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trao cho nhiệm vụ quan trọng để đồng hành cùng mọi người trong việc quảng bá những hoạt động nghệ thuật của bảo tàng đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là các bạn trẻ”. Hoa hậu cũng cho rằng đây là cơ hội tốt để bản thân có thêm những trải nghiệm thực tế, tích lũy kiến thức về mỹ thuật hiện đại. Hoa hậu Ngọc Hân cũng đã có hơn 2 năm kinh nghiệm tổ chức các triển lãm tranh tại Đà Lạt, vì vậy cô tin và mong rằng mình sẽ làm tốt vai trò mới này.
Theo TS Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, lượng khách đến với bảo tàng thời gian qua đã tăng 200-300% so với những năm trước đây. “Công chúng biết đến Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam bên cạnh những kênh thông tin truyền thống, có sự đóng góp rất lớn của các kênh mạng xã hội như Facebook, Tiktok, Instagram... của bảo tàng và qua những video/clip của các bạn trẻ đến thăm bảo tàng đăng tải”, ông Minh nói và cho biết thêm rằng, so với nhiều Bảo tàng nghệ thuật trên thế giới, nơi chứng kiến những dòng người như vô tận xếp hàng vào xem tác phẩm nghệ thuật thì số lượng trên 150 nghìn khách/năm của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam quả thực còn rất khiêm tốn. Nhưng điều đáng mừng là trong số hơn 150 nghìn khách hiện nay đã có tới 70% là khách Việt, trong đó 70% là các bạn trẻ.
Cũng theo ông Minh, chỉ vài năm trước, đội ngũ Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vẫn luôn trăn trở tìm lời giải cho bài toán vắng khách. “Là bảo tàng quốc gia, nơi lưu giữ 9 bảo vật quốc gia, trên 20 nghìn tác phẩm tài liệu, hiện vật vô cùng giá trị…, thế nhưng trong quãng thời gian dài dường như rất ít người biết đến Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Điều đáng nói là trong số khách thưa vắng này 90% là khách quốc tế, 10% là khách Việt Nam mà phần lớn là nhà chuyên môn, nghiên cứu mỹ thuật, còn các bạn trẻ rất vắng bóng.
“Thay đổi lớn của bảo tàng hiện nay có vai trò rất quan trọng từ những người bạn của bảo tàng. Với những bài viết, chia sẻ, những video clip có hàng trăm ngàn, hàng triệu người đón nhận, các bạn trẻ sáng tạo nội dung trên các nền tảng mạng xã hội chính là sứ giả, cánh tay nối dài của bảo tàng đối với công chúng”, ông Minh nhấn mạnh.
Hoa hậu Ngọc Hân bày tỏ, cô đảm nhận vai trò cố vấn chiến lược truyền thông cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam xuất phát từ mong muốn chuyển tải cái đẹp, cái hay về nghệ thuật đến tất cả mọi người.
Có cơ duyên hoạt động trong lĩnh vực về mỹ thuật, từ mỹ thuật công nghiệp là thiết kế áo dài, gần đây là triển lãm tranh…, Ngọc Hân nhận thấy tiềm năng phát triển về văn hóa nghệ thuật tại Việt Nam trong tương lai gần sẽ bùng nổ. Tại những nước lân cận Việt Nam như Thái Lan, Singapore, Ngọc Hân chứng kiến sự quan tâm của giới trẻ đến hội họa, nghệ thuật rất nhiều.
“Từ những chuyến đi và những việc đang làm đó, tôi cảm thấy mình phải có trách nhiệm góp sức để lan tỏa tình yêu nghệ thuật trong công chúng nói chung, giới trẻ nói riêng. Hoa hậu Ngọc Hân bộc bạch.