Câu chuyện rừng bị phá ở bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) và mới đây để xây dựng khu du lịch cũng như việc đàn voi rừng xuất hiện ở Quảng Nam và Đồng Nai trong thời gian qua tiếp tục gióng lên hồi chuông về việc bảo tồn thiên nhiên và các loài hoang dã.
Cứu hộ và bảo tồn động vật hoang dã ở Vườn quốc gia Hoàng Liên (Lào Cai).
1. Việt Nam được ghi nhận là quốc gia có tính đa dạng sinh học cao, với khoảng 7.500 loài chủng vi sinh vật; 20.000 loài thực vật bậc cao trên cạn và dưới nước; 10.500 loài động vật trên cạn; 1.000 loài cá nước ngọt; dưới biển có hơn 7.000 loài động vật không xương sống, khoảng 2.500 loài cá và xấp xỉ 50 loài rắn biển, rùa biển và thú biển...
Theo TS. Hoàng Thị Thanh Nhàn - Cục Bảo tồn Đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường), những năm gần đây, tài nguyên đa dạng sinh học của Việt Nam đang trên đà suy giảm, nhất là nhiều loài nguy cấp, quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng cao.
TS Nhàn cũng chỉ ra, theo Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) cho thấy: nếu như năm 1996 chỉ có 25 loài động vật của Việt Nam ở mức nguy cấp (EN), thì tính đến tháng 9-2016, con số này đã lên tới 110 loài.
Tổng số các loài động vật quý, hiếm tăng từ 365 loài (năm 1992) lên 418 loài (năm 2007); thực vật quý, hiếm tăng từ 356 loài (năm 1996) lên 464 loài (năm 2007), trong đó có 116 loài đang ở mức nguy cấp rất cao; 9 loài chuyển từ các mức nguy cấp (năm 2004) lên mức coi như đã tuyệt chủng, như: tê giác hai sừng, bò xám, heo vòi, cầy rái cá, cá sấu hoa cà, hươu sao. Số lượng cá thể của các loài quan trọng đã giảm đến mức báo động, nhất là các loài thú lớn và một số loài linh trưởng như: hổ, voi, vượn, voọc, sao la…
Về nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên có thể chỉ ra nhiều. Trong đó, biến đổi khí hậu là một trong những nguyên nhân. Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng suy giảm số loài và số lượng cá thể loài hoang dã ở Việt Nam thời gian qua là do hệ thống các chính sách, quy định pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học nói chung và bảo tồn loài nói riêng chưa đồng bộ.
Do vậy, trong quá trình xây dựng văn bản triển khai Luật Đa dạng sinh học chưa đạt được sự thống nhất, dẫn đến chậm ban hành các văn bản hướng dẫn, quản lý, bảo tồn các loài…
2. Theo thống kê, hiện Việt Nam đã có hơn 160 khu bảo tồn rừng đặc dụng, khu bảo tồn biển và khu bảo tồn vùng nước nội địa với tổng diện tích 2,2 triệu ha là sinh cảnh quan trọng của các loài hoang dã nguy cấp, quý, hiếm. Gần đây, Việt Nam cũng đã phát hiện hơn 500 cá thể voọc chà vá chân xám tại Kon Tum và hơn 200 cá thể voọc xám Đông Dương tại Thanh Hóa… Điều đó tiếp tục khẳng định sự đa dạng sinh học của Việt Nam rất phong phú, cần được chung tay bảo vệ.
Sự thật thì các nhà khoa học cũng ghi nhận, trong thời gian qua công tác bảo tồn các loài hoang dã đã đạt được một số thành tựu đáng kể như gia tăng, phục hồi diện tích các hệ sinh thái được bảo vệ; phát hiện mới nhiều loài có ý nghĩa về khoa học và bảo tồn nhằm phục hồi, phát triển các nguồn gien quý.
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thừa nhận thực tế, vẫn còn nhiều hành động của con người uy hiếp đến các loài động thực vật, dẫn đến cần tiếp tục có những cảnh báo. Mới đây, câu chuyện voi rừng xuất hiện gần khu dân cư ở xã Quế Lâm (huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam), và xuất hiện ở ấp 4 và ấp 5, xã Thanh Sơn (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) cho thấy môi trường sống của voi rừng bị tác động dẫn đến có sự sáo trộn.
Cũng gần đây, câu chuyện xây 40 móng biệt thự ở sườn tây nam bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) phần nào ảnh hưởng đến hệ sinh thái một góc “hòn ngọc xanh” của Đà Nẵng, đồng thời làm ảnh hưởng đến gần 500 cá thể voọc chà vá chân nâu quý hiếm có tên trong sách đỏ, cần được bảo vệ vô điều kiện.
Hay như vụ một con bò tót đực nặng 800 kg đã bị chết tại km 22 tỉnh lộ 674, thuộc khoảnh 3, tiểu khu 677, lâm phần do Vườn quốc gia Chư Mom Ray (Kon Tum) quản lý cũng thật đáng suy ngẫm về công tác bảo tồn. Cụ thể, vào chiều tối 17-2, tài xế Nguyễn Thanh Hùng (ở Kon Tum) điều khiển xe tải vận chuyển đá xây dựng tuyến tỉnh lộ 674. Khi đến địa điểm nói trên thì đột nhiên một con bò tót từ trong rừng chạy ra tông thẳng vào đầu xe rồi văng ra nằm chết tại chỗ...
Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Động vật hoang dã (SVW) thả tê tê về môi trường tự nhiên.
3. Để bảo tồn các loài động vật nguy cấp, ứng phó với nạn săn bắt, buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã trái phép ở Việt Nam, các chuyên gia của Cục Bảo tồn Đa dạng sinh học cũng cho rằng, bên cạnh những công cụ mang tính chất ràng buộc và pháp lý quốc tế mà Việt Nam là thành viên như: Công ước ĐDSH (CBD), Công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (RAMSAR), Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITIES)… Thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách, quy định pháp luật và quản lý dữ liệu để bảo vệ các loài nguy cấp…
Song song với điều đó, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ các loài hoang dã tới cộng đồng là hết sức quan trọng. Bà con các tộc người thiểu số sống trên núi cao cũng có thể góp công sức mình vào việc bảo tồn hệ sinh thái đa dạng của các loài động thực vật thông qua việc không khai thác rừng một cách tận diệt, không săn bắt thú, không khai thác các loài lan… Những việc làm ấy khi được kiểm soát sẽ góp phần cho hệ sinh thái rừng phát triển…
Hưởng ứng ngày Thế giới bảo vệ động vật hoang dã (3-3), vừa qua, các thành viên của Cộng đồng bảo tồn tại Việt Nam khuyến khích thanh niên Việt Nam tham gia vào các hoạt động và lên tiếng bảo vệ các loài động vật hoang dã nguy cấp với chủ đề “Hãy nghe lớp trẻ nói”. Người phát ngôn của 14 tổ chức làm việc tại Việt Nam nhằm bảo vệ động vật hoang dã và chống tội phạm liên quan đến động vật hoang dã phát biểu: Sự thay đổi phải đến từ chính chúng ta và phải thực hiện ngay khi có thể để cho lớp trẻ tạo được sự khác biệt cho việc bảo vệ động vật hoang dã của Việt Nam.
Khuyến khích thanh niên bảo vệ động vật hoang dã Đó là một thông điệp có sức thuyết phục tại Việt Nam, nơi mà rất nhiều loài động vật hoang dã đang đối mặt với những nguy cơ tuyệt chủng và nạn buôn bán động vật hoang dã trái phép. Trong đó phải kể đến loài tê giác Java đã phải đối mặt với mối đe dọa thực sự, loài này đã được tuyên bố tuyệt chủng ở Việt Nam từ năm 2010; hiện tại rất nhiều loài cũng đang bị đe dọa, trong đó có cả hổ, voi và tê tê. 14 tổ chức này bao gồm: các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế, trong đó có Animals Asia, Đại sứ quán Anh tại Hà Nội, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên Việt Nam (ENV), Save Vietnam’s Wildlife, Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội, WCS Việt Nam, WildAct, WWF Việt Nam… H.Thu |