Xã hội

Bảo tồn di tích lịch sử cách mạng trong thời đại mới

Đình Minh - Thu Hồng 06/12/2023 10:48

Cùng với công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích, hiện nay, tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều giải pháp để thế hệ trẻ hiểu hơn về truyền thống cách mạng thông qua những chứng tích lịch sử.

Vẻ vang truyền thống cách mạng

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 113 di tích lịch sử cách mạng, trong đó, 13 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 53 di tích xếp hạng cấp tỉnh, số còn lại là các di tích đã và đang xây dựng hồ sơ, quy hoạch đề nghị xếp hạng. Trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, một số di tích cách mạng đã và đang được đầu tư trùng tu, tôn tạo, khôi phục và phát huy giá trị.

chien-khu-ngoc-trao.jpg
Chiến khu du kích Ngọc Trạo ra đời năm 1941, có vai trò nối liền các khu căn cứ Vĩnh Lộc, Hà Trung, Yên Định... với xứ uỷ Bắc Kỳ.

Ở mảnh đất xứ Thanh, di tích cách mạng trải dài từ miền núi xuống đồng bằng, kéo ra cả miền biển. Theo đánh giá, các di tích này rất đa dạng, phong phú gắn liền với đình, chùa, khu di tích, nhà thờ, nhà lưu niệm, tượng đài,... Các di tích này phản ánh các giai đoạn lịch sử cách mạng, là nơi diễn ra các sự kiện, ghi dấu về địa điểm, nơi hoạt động, liên lạc của các chiến sĩ trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc và những chiến công vang dội của quân và dân ta...

Cụ thể, trong thời kỳ vận động thành lập Đảng bộ tỉnh (1925-1930), đã xuất hiện Đảng bộ Tân Việt ở phố Lò Chum, thị xã Thanh Hóa; chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh ra đời ở Hàm Hạ (thuộc huyện Đông Sơn); thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa trên cơ sở hợp nhất 3 Chi bộ Hàm Hạ, Phúc Lộc, Yên Trường tại làng Yên Trường, xã Thọ Lập (huyện Thọ Xuân)…

Giai đoạn giành chính quyền (1930-1945), các địa điểm thuộc thị xã Thanh Hóa, huyện Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Thạch Thành, Vĩnh Lộc, Tĩnh Gia (cũ), Nga Sơn, Hoằng Hóa... là nơi xây dựng chiến khu Ngọc Trạo; thành lập Đội du kích ở Hang Treo; cơ quan Tỉnh ủy làm việc và in ấn tại ngôi nhà Mẹ Tơm ở xã Đa Lộc…

mje-tom-2.jpg
Nhà mẹ Tơm là nơi đã nuôi giấu nhà thơ Tố Hữu và nhiều cán bộ cách mạng.

Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), vào ngày 20/2/1947, Bác Hồ lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa và có buổi nói chuyện với cán bộ tỉnh tại Rừng Thông, nhà văn hóa thông tin thị xã …

Thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ (1954-1975), Sầm Sơn đón tiếp đồng bào, chiến sĩ, con em miền Nam tập kết ra Bắc; Bác Hồ về thăm Thanh Hóa vào năm 1960 và năm 1961; Những địa danh như Hàm Rồng, Đồi C4, chùa Mật Đa, Nam Ngạn, Đò Lèn, Phà Ghép đã đi vào lịch sử…

Những năm 1967-1973, đế quốc Mỹ ném bom phá hoại miền Bắc, buộc Tỉnh ủy Thanh Hóa phải chuyển về làm việc tại huyện Thiệu Hóa, xây hệ thống hầm hào đảm bảo an toàn, bí mật...

Sau khi 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ của nhân dân ta giành thắng lợi, toàn bộ những địa điểm lịch sử diễn ra các sự kiện trên đã trở thành di tích lịch sử cách mạng, là địa chỉ đỏ để mỗi người dân tìm về trong các dịp trọng đại của đất nước.

Minh chứng sống của lịch sử

Cùng với công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng, hiện nay, xuất phát từ yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục, nhiều đơn vị trong tỉnh đã quan tâm biên soạn, đưa nội dung giáo dục truyền thống địa phương vào các hoạt động ngoại khóa ở bậc học phổ thông.

ham-rong-1.jpg
Thân nhân các liệt sỹ đến thắp hương tại nghĩa trang Hàm Rồng nhân dịp 27/7.

Cụ thể, Thanh Hóa đã biên soạn, thẩm định, tập huấn, tổ chức dạy 35 tiết giáo dục địa phương/năm học, đồng thời, lồng ghép các nội dung về lịch sử địa phương trong các hoạt động như: Em yêu lịch sử quê em; thi hát dân ca; thi kể chuyện về quê hương, đất nước, thi đánh giá nhận thức, hiểu biết qua chương trình truyền hình “Âm vang xứ Thanh”…

Tại nhiều địa phương, các cơ sở giáo dục còn tổ chức đa dạng hoạt động giáo dục địa phương dưới hình thức sân khấu hóa; kể chuyện dưới cờ; rung chuông vàng; viết thu hoạch; thi trực tuyến; trả lời câu hỏi trắc nghiệm hay chuyển tải trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ; tổ chức tọa đàm, trao đổi, giao lưu với các nhân chứng lịch sử, tổ chức về nguồn, báo công…

tru-so-tinh-uy-thieu-hoa.jpg
Ông Đỗ Trọng Hưng - Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa (ngoài cùng bên phải) cùng các cháu học sinh thăm Khu nhà truyền thống tại khu di tích cách mạng Trụ sở làm việc của Tỉnh ủy giai đoạn 1967-1973.

Để tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị của các di tích lịch sử cách mạng, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã yêu cầu các cấp, các ngành huy động nguồn lực, chủ động đầu tư tu bổ, phục dựng, bảo quản di tích; xây dựng hệ thống đường giao thông kết nối, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác tuyên truyền; chú trọng đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ, kỹ năng cho cán bộ văn hóa các cấp, hướng dẫn viên.

Song song với đó, phải đẩy mạnh việc biên soạn tài liệu giáo dục lịch sử địa phương; tăng cường hoạt động tìm hiểu lịch sử gắn với tìm hiểu các di tích cách mạng thông qua hoạt động ngoại khóa; ứng dụng công nghệ số, nâng cao hiệu quả tuyên truyền trên các nền tảng đa phương tiện; tạo thêm các sản phẩm văn hóa giới thiệu về di tích…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bảo tồn di tích lịch sử cách mạng trong thời đại mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO