Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 2024 tổ chức Hội thảo "Bảo tồn và phát huy giá trị trang phục truyền thống của dân tộc Lự tỉnh Lai Châu gắn với phát triển du lịch", do Vụ Văn hóa dân tộc chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức tại huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Dự kiến hội thảo sẽ có sự tham gia của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa, dân tộc học và nghệ nhân, già làng, trưởng thôn bản am hiểu bản sắc văn hóa là người dân tộc Lự.
Hiện người Lự cư trú chủ yếu tại các xã Bản Hon, Bình Lư, Nà Tằm, huyện Tam Đường (thuộc huyện Phong Thổ cũ); các xã Ma Quai, Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu và một số ít sống rải rác, xen kẽ với người Thái ở huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên và huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu. Nhà ở truyền thống của người Lự là nhà sàn, hai mái lợp cỏ gianh, mái phía sau và phía trước kéo dài xuống che kín hàng hiên sàn, đồng thời che cầu thang. Nhà có một cửa ra vào, luôn hướng về phía tây bắc và một cửa ra sân phơi.
Trang phục của phụ nữ Lự được dệt may thủ công, thêu hoa văn tinh xảo, gồm khăn, áo, váy, thắt lưng và các đồ trang sức đi kèm như hoa tai, vòng cổ, vòng tay, xà tích, túi… Để trang điểm thêm, trên mỗi khăn đều đính những dây cườm màu vàng có kết những tua bông ngũ sắc ở đầu dây. Đối với các cô gái trẻ chưa có chồng, trong những dịp lễ, tết, hội hè, cưới xin họ còn nối thêm vào đầu khăn một dải kim loại màu trắng và gắn thêm nhiều tua bông vắt theo dải khăn phía sau đầu.