Chủ đề bàn giải pháp bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa của 16 dân tộc có số dân dưới 10.000 người, đang sinh sống tại các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Quảng Bình, Nghệ An, Kon Tum… được đưa ra tại Hà Nội đầu tháng 8-2015.
Một gia đình dân tộc SiLa
Tại đây, một vấn đề tiếp tục được xới lên: Văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số rất phong phú, đa dạng nhưng chưa được bảo tồn, phát huy đúng mức và đang đứng trước nguy cơ bị phai nhạt, mất dần bản sắc. Theo Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Lai Châu - ông Đỗ Hà Long: Tỉnh Lai Châu có 20 dân tộc, trong đó có 5 dân tộc ít người là La Hủ, Lự, Mảng, Cóng và Si La với hơn 20 nghìn người, chiếm khoảng 5% dân số toàn tỉnh. Cho dù địa phương đã có rất nhiều cố gắng trong việc gìn giữ văn hóa truyền thống, đặc biệt chú ý đến di sản văn hoá các dân tộc ít người, nhưng kết quả vẫn chưa được như mong đợi. Ông Long cho hay, quá trình di dân tái định cư phục vụ thủy điện Lai Châu vừa qua đã cho thấy vai trò của bảo tồn di sản văn hoá dân tộc, trong đó có các dân tộc ít người chưa đúng.
Chia sẻ về thực trạng trên bà Lồ Lài Xỉu, đại biểu dân tộc Bố Y (Lào Cai) cho biết: Hiện nhiều hộ gia đình xây nhà cấp 3 đổ mái bằng; ngôn ngữ mẹ đẻ cũng mất dần. Không chỉ các đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc mà văn hóa của các dân tộc ở phía Nam cũng đang lên tiếng kêu cứu. Đánh giá về thực trạng việc bảo tồn văn hóa đồng bào các dân tộc ít người ông Trần Khánh Lễ - Phó phòng Xây dựng nếp sống văn hóa dân cư Kon Tum cho biết: Sự phát triển của kinh tế xã hội cũng kéo theo nhiều hệ lụy trong việc bảo vệ và gìn giữ những nét văn hóa truyền thống của các dân tộc như ngày trước họ ở quần cư thì khi triển khai các đề án về kinh tế như làm một con đường lớn người ta lại quy hoặc đất ở thành đất sản xuất, tách hộ và phát triển nhà vườn cho các hộ vậy là từ cảnh quan quần cư họ đã trở thành đô thị hóa giống như làng của người Kinh…
Trước đó, vào tháng 2-2015 một hội thảo bàn giải pháp bảo tồn khẩn cấp bản săc văn hóa của 5 dân tộc thiểu số có dân số dưới 1.000 người cũng được Bộ VHTT&DL tổ chức tại Hà Nội. Tại đây, PGS. TS Lê Ngọc Thắng, Trường Quản lý cán bộ văn hóa đã cho biết, thống kê dân số các dân tộc nước ta năm 2009 có 5 tộc người dưới 800 người gồm: Si La, Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Pu Péo. Các dân tộc thuộc nhóm dân số dưới 1.000 người hiện đang có đời sống khó khăn.
Các hội nghị, hội thảo đã xác định được vị trí, vai trò của già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số dưới 10.000 người là chủ thể quan trọng không thể thiếu trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc trong điều kiện hiện nay để từ đó xác định nội dung bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc ít người ra khỏi tình trạng có nguy cơ mai một, mất bản sắc văn hóa, đề xuất các giải pháp hữu hiệu, cơ chế chính sách đặc thù phù hợp để bảo tồn văn hóa các dân tộc ít người.
Về vai trò văn hóa các dân tộc ít người, đại diện của Liên hợp quốc từng cho rằng khi nghiên cứu về các dân tộc ở Việt Nam, họ đã không hỏi vấn đề nghèo đói mà hỏi về văn hóa, trong đó có chữ viết, ngôn ngữ, trang phục và những bản sắc văn hóa có còn hay không? Điều đó cho thấy câu chuyện bảo tồn và phát huy văn hóa của các dân tộc, đặc biệt các dân tộc có dân số ít là vô cùng quan trọng.