California, bang miền tây nước Mỹ đang bị tuyết bao phủ. Một cơn bão mùa đông từ cuối tuần trước bất ngờ tấn công vùng đất - nơi nổi tiếng với những cây cọ xanh dưới ánh nắng mặt trời và nhiệt độ ôn hòa kéo dài quanh năm.
Là một trong những cơn bão dữ dội nhất trong 100 năm qua, từ San Francisco đến Los Angeles, tuyết rơi rất dày, bao phủ cả cầu Cổng Vàng và làm biến mất hàng chữ Hollywood khổng lồ. “Hãy ở nhà”, “Hãy cẩn thận” - nhà chức trách California kêu gọi khi mà tuyết rơi kéo theo gió mạnh đã khiến cây cối bật gốc, đường dây điện bị hư hỏng.
Tuyết rơi dày nhất tại các khu vực núi cao nhưng ở những vùng thấp hơn ven biển miền trung của bang và khu vực vịnh San Francisco cũng có tuyết dày hơn 10cm. Nhà khí tượng học Sarah McCorkle của Cơ quan Thời tiết quốc gia Mỹ (NWS) cho biết, đây là lần đầu tiên từ năm 2011 tuyết rơi ở những vùng thấp như vậy. Còn nhìn chung với California thì đây là “hiện tượng trăm năm”.
Sophia Luff, một người làm kinh doanh cho biết bình thường dịp này ban đêm khoảng 13 độ C còn ban ngày khoảng 24 độ C. Nhưng nay lạnh trên dưới 1 độ C. Người dân “trốn” trong nhà tránh rét và luôn phải bật máy sưởi để cân bằng nhiệt độ.
Theo NWS, đây là một trong những cơn bão mùa đông mạnh nhất từng tấn công tây nam California được ghi nhận. Qua điện thoại, người dân luôn nhận được khuyến cáo từ chính quyền: "Đây là tình huống nguy hiểm và đe dọa đến tính mạng. Đừng cố gắng đi lại trừ khi bạn đang chạy trốn khỏi khu vực có thể bị lũ lụt".
Cơn bão bất thường đi kèm với cảnh báo bão tuyết gần như chưa từng có ở nam California trong 2 ngày 24 và 25/2. Ngày 26, báo tuyết dịu xuống nhưng nó lại tăng tốc vào ngày 27/2. Lập tức gần 85.000 hộ gia đình và doanh nghiệp ở thành phố Los Angeles mất điện. Những ngọn đồi xung quanh vùng ngoại ô Santa Clarita, phía Bắc Los Angeles tuyết phủ trắng xóa. Xa lộ liên bang 5 - cao tốc lớn nhất dẫn ra khỏi thành phố Los Angeles phải đang đóng cửa ở đoạn Grapevine do tuyết dày, trong khi một số điểm phía Nam của cao tốc trong và xung quanh Los Angesles đóng cửa do lũ lụt.
Thật kinh khủng tại khu nghỉ mát Mountain High ở dãy núi San Gabriel (đông bắc Los Angeles) và dãy núi San Bernardio khi tuyết dày tới 160 cm. Để cứu một nhóm người vô gia cư, Sở cứu hỏa Los Angeles đã phải dùng tới trực thăng. Họ đã được đưa đến bệnh viện trong tình trạng thân nhiệt hạ thấp.
Còn tại khu vực Valencia phía bắc hạt Los Angeles, dòng sông Santa Clara cuồn cuộn đã cuốn trôi 3 ngôi nhà. Kênh truyền hình địa phương KCAL-TV mô tả “thật là thảm khốc”. Dẫn lời ông Derek Maiden, 57 tuổi, sống ở khu vực này, KCAL-TV cho biết, băng tuyết từ cây rơi xuống, va vào kính chắn gió rất mạnh. Còn cây cối thì ngã đổ khắp nơi.
Ngày 27/2, Cơ quan giao thông California thông báo đã đóng cửa nhiều đoạn của xa lộ liên tiểu bang vì tuyết rơi dày đặc. Trong khi đó, NWS tiếp tục cảnh báo người dân ở thủ phủ Sacramento của bang California tránh ra ngoài từ ngày 27/2 đến hết ngày 1/3 do khả năng rất cao là mưa tuyết sẽ liên tục đổ xuống cùng gió lớn. Trong mưa tuyết, gió giật đến 80 km/giờ ở Thung lũng Sacramento; còn tại vùng núi Sierra Nevada gần đó sức gió lên đến 112,6 km/giờ. Các chuyên gia tại NWS cho biết, tình trạng thời tiết bất thường ở California lần gần nhất cảnh báo bão tuyết được đưa ra là vào năm 1989, do hệ thống áp suất thấp khổng lồ đổ xuống từ Bắc Cực.
Cơ quan Thời tiết quốc gia Mỹ cũng cho biết, hiện một cơn bão tuyết khác đang quét qua các khu vực Đại Bình nguyên, Trung Tây và Ngũ Đại hồ của nước này. Đó cần được coi là dấu hiệu bất thường của thời tiết nước Mỹ năm 2023. Khác ở chỗ nếu từ năm 2022 về trước, mùa đông nước Mỹ không thật rét, thì mùa đông năm nay là “ảm đạm nhất”, rét mướt ở nhiều vùng vắt sang cả mùa xuân.
“Nếu như chúng ta dồn tâm trí và sức lực vào chống đỡ sự ấm lên của Trái đất thì cũng không được quên rằng chính hiện tượng đó sẽ đồng thời gây ra sự bất thường và cực đoan. Nói cách khác là khí hậu Trái đất đang diễn biến phức tạp, từ đó có thể gây ra những thảm họa thiên nhiên cực kỳ khó lường” - R.Romario, chuyên gia khí tượng thủy văn thuộc NWS New York cảnh báo.
Theo AP, những đợt đóng băng bao trùm nhiều bang của nước Mỹ kể từ ngày 23/12/2022, kết hợp với cơn bão mùa đông lớn tiếp tục cho đến đầu tháng 3/2023. Những cơn bão còn được gọi là "bom lốc xoáy" mang theo tuyết mù mịt từ vùng đồng bằng phía Bắc và Great Lakes đến thung lũng thượng sông Mississippi và tây New York. Cái lạnh khắc nghiệt kèm gió lớn kéo dài tới tận biên giới Mỹ - Mexico trong khi cảnh báo đóng băng sâu bao trùm vùng duyên hải vịnh Mexico của các bang Texas, Louisiana, Alabama, Florida. Trong khi đó, một "quả bom lạnh" khác từ Bắc Cực sẽ tấn công vùng tây bắc Thái Bình dương. "Bom thời tiết" cũng được dự báo sẽ tấn công nhiều khu vực ở Canada.
Tuy nhiên, khác với Bắc Mỹ, mùa đông này lại “ấm áp một cách bất ngờ” với nhiều quốc gia châu Âu. Tại Thụy Sĩ, Ba Lan và Hungary, nhiệt độ được cho là “cao chưa từng thấy”. Giới chuyên gia cho rằng mùa đông lạ thường ở châu Âu tiếp tục là kết quả của biến đổi khí hậu do con người gây ra. "Mùa đông đang trở nên ấm hơn ở châu Âu do nhiệt độ toàn cầu tăng lên" - Hãng tin Reuters dẫn lời nhà khoa học Freja Vamborg, thuộc cơ quan về biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu.