Điểm nhấn xuyên suốt trong các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong tuần qua đều xoay quanh việc hoàn thiện các quy định của pháp luật để tạo môi trường, hành lang pháp lý an toàn, đầy đủ cho các bộ, cơ quan, địa phương, cán bộ, công chức yên tâm thực hiện chức trách công vụ theo quy định. Theo ông Lê Hữu Trí - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Khánh Hòa, pháp luật cụ thể hóa sát với thực tế sẽ bảo đảm cho việc thực thi của cán bộ được thuận lợi.
PV:Ông có suy nghĩ gì về việc hoàn thiện dự thảo Nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung?
Ông Lê Hữu Trí: Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14-KL/TW về “Chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung”. Đây là văn bản chỉ đạo của Đảng, bây giờ cần cụ thể hoá thành văn bản quy phạm pháp luật để làm sao trở thành các thiết chế được ghi trong các văn bản luật. Qua đó, bảo đảm cho cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá. Cán bộ phải sáng tạo, dám đột phá, dám làm vì lợi ích chung.
Hiện nay đang có tình trạng nhiều cán bộ không dám làm. Điều này gây ảnh hưởng và đôi khi làm trì trệ, kéo lùi sự phát triển kinh tế - xã hội. Những khó khăn trong cuộc sống của người dân, doanh nghiệp chậm được tháo gỡ do cán bộ không dám làm vì sợ sai. Ví dụ tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và từng địa phương trong quý I/2023 có sự sụt giảm. Trong nhiều nguyên nhân như: tình hình thế giới, lạm phát, xung đột Nga - Ukraine thì có cả yếu tố do cán bộ không dám làm. Khi không dám làm thì sao có thể giải quyết các vấn đề vướng mắc để cho doanh nghiệp hoạt động. Khi không dám làm thì làm sao các dự án đầu tư phát triển được? Đây là vấn đề được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm. Cho nên cần làm sao sớm cụ thể hoá chủ trương của Đảng về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung trở thành pháp luật của Nhà nước.
Có ý kiến cho rằng cán bộ thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn là đứng trước hội đồng xét xử. Đây là điều đáng suy nghĩ, thưa ông?
- Cần phải nhìn nhận vấn đề cho đúng. Vậy vai trò quản lý của cán bộ ở đâu, nếu không dám làm thì xin nghỉ để người khác làm. Bởi cán bộ được dân tin tưởng, trao quyền thực hiện nhiệm vụ thì phải phát huy vai trò của mình và chịu trách nhiệm trước dân. Phải làm đúng trước đã, chưa nói đến cán bộ phải dám làm, dám đột phá. Và người dám đột phá, làm vì dân, lợi ích chung, không tư lợi thì phải được pháp luật bảo vệ.
Chúng ta cần xây dựng đội ngũ cán bộ có đạo đức và năng lực, chứ không phải đưa người không có trình độ, năng lực vào “ngồi đó”, không làm được thì đổ cho cơ chế. Công tác cán bộ đòi hỏi chúng ta phải đánh giá đúng và lựa chọn đúng cán bộ, “cán bộ nào thì sản phẩm đó”. Chọn đúng cán bộ giỏi, có năng lực, tâm huyết, làm vì dân, làm đúng pháp luật, làm có sáng tạo, vận dụng theo các quy định chứ không phải lợi dụng sự sơ hở của pháp luật, sơ hở của chính sách để tiêu cực, tham nhũng. Thời gian qua chúng ta vẫn có những người như vậy chứ không phải không có.
Hiện Bộ Nội vụ đang xây dựng dự thảo Nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung trong đó đề xuất cho phép được bổ nhiệm vượt cấp. Theo ông đó có phải cơ chế để khuyến khích cán bộ dám làm, dám đổi mới gắn với chịu trách nhiệm?
- Thực tế nhiều cá nhân được khen thưởng hàng năm, có huân chương lao động, bằng lao động sáng tạo nhưng khi bổ nhiệm cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo thì lại chưa được quan tâm. Theo tôi thành tích mà họ đạt được là những giá trị mà họ đã phấn đấu, nên phải được coi trọng, lưu ý trong cất nhắc, bổ nhiệm.
Vậy, theo ông cần cơ chế nào để bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm?
- Việc xây dựng các thiết chế pháp luật cho các chủ trương lớn không phải là đơn giản và cần có quá trình làm, xây dựng và bổ sung, điều chỉnh. Cho nên cần có tổng kết, đánh giá để hoàn thiện sau một thời gian thực hiện. Vấn đề là chúng ta đang quản lý Nhà nước bằng pháp luật thì pháp luật càng cụ thể hoá, sát với thực tế sẽ bảo đảm cho việc thực thi của cán bộ được thuận lợi, không dẫn đến những mập mờ giữa đúng và sai.
Trân trọng cảm ơn ông!
Tại Công điện số 280/CĐ-TTg về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương, Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ và bộ, cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, đề xuất giải pháp hoàn thiện các quy định của pháp luật, cụ thể quy trình, cá thể hóa trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong thực thi công vụ, bảo đảm không để né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong xử lý công việc; báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5/2023. Khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, báo cáo Chính phủ trong tháng 6/2023.