Hệ vi sinh đường ruột cân bằng sẽ đóng góp đến 80% tình trạng miễn dịch của cơ thể. Việc cân bằng hệ vi sinh đường ruột rất quan trọng để bảo vệ đường tiêu hóa khỏe và từ đó gia tăng miễn dịch cho cơ thể.
Trong cuộc sống, chúng ta thường gặp các rối loạn tiêu hóa như nhiễm khuẩn E.Coli gây bệnh tiêu chảy cấp; nhiễm độc thức ăn do Salmonella; đầy hơi, trướng bụng…
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, hệ vi sinh đường ruột là cộng đồng các vi khuẩn sống trong đường ruột của con người từ thực quản, dạ dày, ruột non, đại tràng. Các vi khuẩn này có nhiều loại với nhiều hình dán và kích cỡ khác nhau nhưng người ta chia ra 2 loại hệ vi sinh có ích và có hại cho đường ruột chúng ta.
Trong đó, vi khuẩn có lợi (lợi khuẩn) là các vi khuẩn có ích cho việc tiêu hóa thức ăn, trong khi vi khuẩn có hại (hại khuẩn) là những vi khuẩn gây bệnh hoặc sẽ gây bệnh khi có cơ hội. Thông thường, hệ vi sinh vật của người khỏe mạnh có 85% là lợi khuẩn và 15% là hại khuẩn. Nếu sự cân bằng này mất đi, tỷ lệ hại khuẩn gia tăng thì hệ miễn dịch của con người suy yếu, giảm sức đề kháng và dễ mắc bệnh, đặc biệt là các bệnh đường tiêu hóa, các rối loạn tiêu hóa …
Có nhiều nguyên nhân khiến con người bị mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột bắt đầu từ thói quen ăn uống sinh hoạt của mỗi người như ăn nhiều thức ăn nhanh, nhiều chất béo, thói quen uống rượu bia, sử dụng kháng sinh bừa bãi sẽ “tiêu diệt “các loại vi khuẩn có ích trong đường ruột.
Ngoài ra, khẩu phần ăn không cân bằng, thiếu rau xanh, quả chín - những chất xơ giúp cho lợi khuẩn phát triển, hay các loại thực phẩm cung cấp lợi khuẩn cũng ảnh hưởng đến hệ vi sinh đường ruột. Bên cạnh đó, ăn thực phẩm không an toàn còn làm gia tăng nguy cơ đưa thêm hại khuẩn vào cơ thể.
Dấu hiệu cảnh báo cơ thể bị mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột là lúc lợi khuẩn suy yếu, ảnh hưởng tới tiêu hóa hấp thu chất dinh dưỡng, khi ăn có cảm giác đầy bụng, khó tiêu.
Để cải thiện hệ vi sinh đường ruột, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm lưu ý: Cần có chế độ ăn cân bằng với 4 nhóm thực phẩm như: chất đạm, đường bột, rau xanh quả chín, không ăn nhiều chất đạm, thịt vì ảnh hưởng đến hệ vi sinh đường ruột, ăn nhiều rau xanh quả chín. Cụ thể, người lớn nên ăn ít nhất 400g rau xanh/1 người/1 ngày. Ngoài ra, có thể bổ sung các chế phẩm lên men từ rau xanh như kim chi, cà, dưa muối có nhiều lợi khuẩn, các chế phẩm từ sữa lên men như sữa chua giúp tăng cường hệ vi sinh đường ruột.
Bên cạnh đó, cần có lối sống lành mạnh như tập thể dục thể thao, hạn chế thói quen xấu như uống rượu bia, không tự ý dùng kháng sinh... Nên giữ một chế độ ăn cân bằng đủ các nhóm thực phẩm, cần hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm rán nướng…