Bảo vệ môi trường ngành tôm

NGUYÊN DU 22/07/2023 08:00

Những năm gần đây, nông dân phát triển mạnh mô hình nuôi tôm thâm canh. Tuy nhiên môi trường dễ bị ô nhiễm là một trong những nguyên nhân chính khiến tôm chết.

Thu hoạch tôm ở Bạc Liêu.

Với thâm niên 22 năm nuôi tôm, ông Phạm Văn Chu (xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu tỉnh Bạc Liêu) cho biết, vấn đề môi trường là điều mà hầu hết người nuôi tôm hiện nay rất trăn trở.

“Nuôi tôm quan trọng nhất là nguồn nước, nước có sạch tôm mới phát triển tốt. Nếu nguồn nước thải từ ao tôm bị ô nhiễm, người dân lân cận cũng bị ảnh hưởng theo, dịch bệnh sẽ tác động lại đối với đầm tôm mình" - ông Chu chia sẻ.

Ông Đào Minh Ngọc - Giám đốc HTX 30 tháng 4 (TP Bạc Liêu) cho biết, nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp ít ảnh hưởng đến môi trường nhưng đối với mô hình nuôi tôm công nghệ cao cái gì cũng cao, thay nước nhiều, cho ăn nhiều, tôm mật độ cao nên áp lực về môi trường lớn, nhất là chất thải.

“Nếu như trước đây cho ăn 100kg thì nay một ngày cho ăn cả 1 tấn thức ăn mà con tôm hấp thụ có 40% còn 60% thải ra môi trường. Có những hộ chạy đua với nhau, thấy người ta nuôi được, mình cũng nuôi trong khi diện tích không có. Gia đình tôi có 7ha nhưng chỉ nuôi 6.000m2, chừa lại diện tích để chứa bùn, chứa thải nhưng có hộ 1ha mà nuôi đến 2.000 đến 3.000m2 dẫn đến ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, nuôi tôm phải quan trắc môi trường thường xuyên, quan trắc cả ngoài sông để kiểm tra có ô nhiễm, có mầm bệnh để xử lý. Các cơ quan chức năng cần xem xét đến hoạt động của các cơ sở sơ chế biến tôm xả thải ra môi trường. Ô nhiễm môi trường không chỉ có người nuôi tôm gây ra mà còn có nguyên nhân từ các cơ sở sơ chế biến tôm gây ra” - ông Ngọc nói.

Tại Hội thảo "Giải pháp môi trường phát triển bền vững ngành tôm" được tổ chức vào ngày 21/7 tại Bạc Liêu, ông Phạm Văn Thiều - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, khó lường, môi trường trong nuôi trồng thủy sản được đánh giá là đang xuống cấp nghiêm trọng, ô nhiễm trên diện rộng và trở thành mối đe dọa tiềm ẩn.

“Chúng tôi đã chỉ đạo ngành tài nguyên môi trường tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định về quản lý nuôi, xả thải trong hoạt động nuôi tôm. Hộ nuôi nào chưa có hệ thống xả thải đạt tiêu chuẩn bắt buộc phải có ao lắng xả thải, xử lý xong mới thải ra môi trường. Những hộ nuôi mới phải có hệ thống xử lý xả thải đảm bảo, được cơ quan chuyên môn thẩm định. Ngoài ra, ngành nông nghiệp được yêu cầu rà soát lại quy hoạch theo hướng vùng nào nuôi tôm công nghệ cao, vùng nào nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến không để xảy ra xung đột với nhau” - ông Thiều thông tin.

PGS Nguyễn Phú Quỳnh - Phó Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam cho rằng, giải pháp môi trường phát triển bền vững ngành tôm đang đặt ra cho các địa phương cần phải quy hoạch lại vùng nuôi cũng như ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho hệ thống thủy lợi nhằm cải tiến môi trường nước, giúp hoạt động nuôi tôm đạt hiệu quả cao hơn. Việc đầu tư đủ hệ thống kênh dẫn nước, nhất là kênh cấp 1, cấp 2, kênh thoát nước khép kín trong vùng nuôi là hết sức quan trọng.

“Các công trình hạ tầng thủy lợi phải đảm bảo tính đa mục tiêu, đảm bảo nuôi trồng thủy sản, đảm bảo xử lý nước thải, chất thải rắn bảo vệ môi trường trong vùng nuôi tôm. Đặc biệt, để đảm bảo môi trường nuôi tôm cần phải có kênh cấp nước và kênh thoát nước riêng” - ông Quỳnh chia sẻ.

Theo thống kê, diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản của Đồng bằng sông Cửu Long đang tăng nhanh trong những năm gần đây. Ngành nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh, mang đến nhiều lợi ích kinh tế cho bà con nông dân. Tuy vậy, bên cạnh những mặt tích cực vẫn còn tồn tại nhiều mặt tiêu cực, đó chính là vấn đề ô nhiễm môi trường. Sự phát triển mạnh trong nuôi trồng thủy sản lại kéo theo nhiều tác nhân gây biến động động môi trường với quy mô ngày càng lớn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bảo vệ môi trường ngành tôm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO