Bảo vệ ngôn ngữ dân tộc thiểu số

Từ Khôi 04/06/2019 08:00

Mỗi một dân tộc có ngôn ngữ bao gồm tiếng nói và chữ viết riêng. Bảo vệ ngôn ngữ dân tộc vì vậy là bảo vệ sự đa dạng văn hóa. Tuy nhiên, trên thực tế, nếu không có những khích lệ, tạo môi trường hay chính sách thì việc gìn giữ ngôn ngữ sẽ rất khó khăn. Ngôn ngữ dân tộc sẽ dần bị mai một.

Bảo vệ ngôn ngữ dân tộc thiểu số

Biểu diễn dân ca tại Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Ngôn ngữ tiếng nói và chữ viết của các dân tộc được quan tâm và đề cao nhiều trong nước và quốc tế. Tháng 10/2004, tại Hà Nội, Hội nghị ASEM được tổ chức với sự tham gia của các vị đứng đầu Nhà nước và chính phủ của 13 nước châu Á, 25 nước châu Âu và Chủ tịch Ủy ban châu Âu đã thảo luận chủ đề “Đa dạng văn hóa và các nền văn hóa quốc gia trong thời đại công nghệ thông tin và toàn cầu hóa”. Tuyên bố của hội nghị khẳng định: “Đa dạng văn hóa là di sản chung của nhân loại, là nguồn sáng tạo, cổ vũ và là một động lực quan trọng của phát triển kinh tế và tiến bộ của xã hội loài người. Đa dạng văn hóa là cơ hội to lớn để xây dựng một thế giới hòa bình và ổn định hơn bởi đa dạng văn hóa không loại bỏ mà đem lại sự hòa hợp, khoan dung, đối thoại và hợp tác”.

Tại Việt Nam, trong suốt nhiều năm nay, các chính sách ưu tiên cho đồng bào dân tộc để gìn giữ phát huy văn hóa dân tộc rất được chú trọng. Tuy nhiên, nhịp sống hiện đại đã tác động ghê gớm đến việc gìn giữ di sản ngôn ngữ dân tộc không chỉ riêng đối với quốc gia nào. Theo PGS.TS Trương Minh Dục (Học viện Chính trị khu vực III): Trong việc bảo vệ phát huy giá trị văn hóa của dân tộc thiểu số thì thách thức đầu tiên phải kể đến là khả năng đánh mất ngôn ngữ truyền thống. Đó là linh hồn của văn hóa dân tộc, cũng là phương tiện để chuyển tải, trao truyền nghệ thuật, phong tục tập quán của các tộc người. Khảo sát thực tế ở Sơn La cho thấy, người Thái là một trong những dân tộc thiểu số có số lượng đông nhất nước ta, cũng có chữ viết từ sớm; nhưng từ những năm 70 của thế kỷ 20 trở lại đây, tiếng Thái rất ít được dùng. Chỉ có đài phát thanh, truyền thanh ở huyện, thị xã, còn có chương trình tiếng Thái, còn trong giao tiếp hàng ở thành thị toàn dùng ngôn ngữ phổ thông. Thậm chí ngay cả các gia đình đó bố mẹ đều là người Thái. Ở nông thôn, một số hộ vẫn dùng tiếng Thái nhưng rất ít. Có khi nhiều người nói được tiếng Thái nhưng lại không viết được. Trong khi đó các trường chỉ dạy học bằng tiếng phổ thông. Ngôn ngữ dân tộc không được dạy song hành cho chủ thể văn hóa nên càng ngày ngôn ngữ dân tộc thiểu số càng bị thu hẹp dần”.

Khi gìn giữ ngôn ngữ của dân tộc mình, ngay chính đồng bào dân tộc đôi khi lại tỏ ra e ngại sử dụng. Sở dĩ có điều đó là do tâm lý tự ti, cho rằng “miền núi là lạc hậu”, “miền núi cần tiến kịp miền xuôi”. Có những người dân tộc trong gia đình của mình lại sử dụng tiếng phổ thông nhưng khi nói chuyện trước người Việt hay dân tộc khác lại sử dụng ngôn ngữ của mình không phải để gìn giữ tiếng nói mà chỉ để tế nhị, giữ kín việc riêng muốn trao đổi. Tâm lý tự ti của đồng bào dân tộc Tây Nguyên có lẽ bắt đầu từ khi người Pháp nắm quyền cai trị Tây Nguyên. Theo TS. Nguyễn Thị Kim Vân (Bảo tàng tỉnh Gia Lai) cho biết: Năm 1898, triều đình nhà Nguyễn buộc phải nhường cho người Pháp bảo hộ vùng đất Tây Nguyên. Kể từ đây xuất hiện từ “mọi” với hàm ý bao trùm sự khinh miệt, kỳ thị khi nhắc tới đồng bào người các dân tộc Tây Nguyên. Năm 1914, trong một báo cáo của viên Thanh tra Đông Dương là Ch.Trinquet thì trong 95 ngôi làng của người Bahnar quanh vùng An Khê được thống kê có rất ít tên làng được viết theo tên gọi của người Bahnar, các tên làng đã được Việt hóa như: Ta – nup, Ta – dưng, Ka – bang… Hoặc ghi theo tên của chủ làng như: Đinh Gấm, Đinh Mâm, Đinh Lưới. Hay có làng được ghi theo tên gọi xếch mé của người Việt bằng từ ‘Thằng” phía trước như Thằng Mơ, Thằng Hinh Nhỏ, Thằng Hiệu, Thằng Tinh… Đến thời Ngô Đình Diệm (1954-1963) chính quyền Sài Gòn đề ra hàng loạt giải pháp đồng hóa các dân tộc thiểu số với dân tộc Việt. Trong đó có việc khuyến khích bãi bỏ các tập tục truyền thống thống của người Thượng. Bãi bỏ Tòa án phong tục Thượng qua công văn số 218/B/HC/P6 ngày 9/4/1958 của Bộ Nội vụ gửi các tỉnh trưởng vùng cao nguyên cho biết Ủy ban liên Bộ họp ngày 27/7/1958 đề nghị bãi bỏ các tòa án của tục quán. Bên cạnh biện pháp chung, các cấp lãnh đạo địa phương còn tự đặt ra những lệ riêng. Ví dụ: Ở Đăk Lăk, người Ê Đê muốn vào thành phố phải mặc quần dài, áo sơ mi. Còn ở Pleiku người Jrai phải cất nhà trên nền đất như người Việt, cấm làm nhà sàn.

Với nhiều dân tộc, ngôn ngữ là tiếng nói dễ được gìn giữ bảo vệ hơn là chữ viết. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ôn Thái Trần (Hội viên Hội văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam) cho biết: Hiện tại, đồng bào Sán Dìu của tôi ở xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc vẫn sử dụng thường xuyên tiếng nói của mình trong sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, chỉ những người học thầy mới sử dụng được chữ viết (vay mượn từ chữ Hán). Thanh niên thế hệ hiện tại khi sử dụng điện thoại, máy tính để nhắn tin cho nhau vẫn sử dụng tin nhắn bằng chữ phiên âm từ tiếng dân tộc sang la tinh. Vì vậy, khi dịch “Cạo chấy loang kênh” (nghĩa là Kinh sách dạy con) từ ngôn ngữ Sán Dìu ra tiếng Việt. Bên cạnh tiếng Việt, tôi phải chua thêm phiên âm la tinh chứ đồng bào giờ không đọc được chữ của dân tộc mình. TS. Trần Hữu Sơn- nguyên Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Lào Cai cho biết: Nước ta có 54 tộc người với 8 nhóm ngôn ngữ khác nhau. Trong đó, vùng Tây Bắc có tới 7 nhóm ngôn ngữ. Chữ viết của nhiều dân tộc khó nhớ, nên từ những năm thập kỷ 60 và 70 của thế kỷ 20, Nhà nước ta đã nghiên cứu và đưa vào giảng dạy 4 loại chữ la tinh hóa là Tày, Nùng, Thái, Hmông. Gần đây, khi được phỏng vấn, nhiều thanh niên dân tộc thiểu số Hmông đều không muốn học chữ la tinh này bằng chữ la tinh quốc tế (chữ Hmông Thái Lan, Hmông Mỹ). Nguyên nhân không phải chữ la tinh các nhà nghiên cứu của ta đề ra học khó hơn mà là do môi trường sử dụng chữ la tinh quốc tế được sử dụng rộng rãi hơn, được sử dụng trên mạng xã hội.

Để ngôn ngữ dân tộc thiểu số có thể tồn tại và bình đẳng với ngôn ngữ khác, tạo nên sự đa dạng văn hóa, nhiều nhà nghiên cứu đã đưa ra các giải pháp như: Tổ chức nghiên cứu, phân loại và làm từ điển; Tổ chức việc dạy học song ngữ tại các trường PTDT nội trú; Khuyến khích đồng bào dân tộc sáng tác bằng ngôn ngữ dân tộc mình; tổ chức các cuộc thi văn hóa văn nghệ bằng ngôn ngữ dân tộc; Nhà nước tôn vinh các nghệ nhân dân tộc thiểu số; đưa các ngôn ngữ quy ước làng xã vào hương ước của đồng bào dân tộc…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bảo vệ ngôn ngữ dân tộc thiểu số