Hàng năm có hơn 10.000 cuộc gọi phản ánh, khiếu nại tố cáo các vấn đề liên quan đến tranh chấp kinh doanh, liên quan đến vi phạm Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Số lượng các khiếu nại tố cáo liên quan đến kinh doanh trên không gian mạng tăng lên rất nhanh và chiếm thứ hai trong tổng số lượng đơn thư (chiếm 15,4%)... Tuy nhiên, việc quản lý gặp khó khăn vì bất cập chính sách.
Đây là nhận định của các đại biểu, chuyên gia tại tọa đàm “Hoàn thiện khuôn khổ pháp luật để tăng cường bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng” vừa diễn ra tại Hà Nội.
Theo Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng, giao dịch trên không gian mạng - không gian ảo rất khó để quản lý về chất lượng hàng hoá. Việc mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng trên các gian hàng điện tử là phổ biến, nhiều người tiêu dùng đã trở thành nạn nhân và bị sập bẫy của các gian hàng ảo.
Cũng theo ông Hùng, Hội đã tiếp nhận rất nhiều khiếu nại của người tiêu dùng là hàng hóa trên không gian mạng rất đẹp, rất tốt, quảng cáo hấp dẫn nhưng thực tế rất kém chất lượng. Có thể nói người tiêu dùng luôn ở vị thế yếu trong các giao dịch, có sự bất cân xứng thông tin với người bán.
Liên quan đến khiếu nại của người tiêu dùng thời gian qua, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công thương Trịnh Anh Tuấn cho biết, Bộ đã công bố tổng đài số điện thoại đường dây nóng 18006838, chúng tôi cũng đã lan tỏa đầu số này đến 35 địa phương và đang triển khai phổ biến thêm ở các địa phương khác. Thông qua đầu số này, hàng năm chúng tôi nhận được hơn 10.000 cuộc gọi phản ánh, khiếu nại tố cáo các vấn đề liên quan đến tranh chấp kinh doanh, liên quan đến vi phạm Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Các khiếu nại tố cáo liên quan đến kinh doanh trên không gian mạng tăng lên rất nhanh và chiếm thứ hai trong tổng số lượng đơn thư (chiếm 15,4%)…Các nội dung khiếu nại tập trung các vấn đề như chậm, không trả đơn hàng, chậm trả tiền cho khách hàng, không chịu bồi thường cho hàng hóa, cung cấp sản phẩm không đảm bảo…
Nguyên nhân dẫn đến các khiếu nại có nhiều, trong đó phải kể đến việc còn nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật; hoặc có trường hợp vì mục tiêu lợi nhuận mà doanh nghiệp cố tình vi phạm quyền lợi người tiêu dùng để cung cấp cung cấp hàng kém chất lượng, hàng nhái, hàng giả, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; bên cạnh đó cũng có nguyên nhân từ việc chủ động lừa dối, lừa đảo người tiêu dùng nhằm chiếm đoạt tài sản, tiền bạc của người tiêu dùng.
Trong 5 - 6 năm gần đây, thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam chứng kiến sự phát triển nhanh chóng, tốc độ phát triển trung bình từ 25 - 35%. Sau 2 năm Covid-19, dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh đến đời sống kinh tế - xã hội nhưng TMĐT một trong số ít những ngành vẫn duy trì tăng trưởng được 2 con số, đạt 16%. Quy mô thị trường TMĐT 13,7 tỷ USD năm 2021. Chính vì vậy, tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Trong đó dự thảo luật có chương 3 về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù…
Nói về những điểm mới của dự án Luật này, ông Trịnh Anh Tuấn cho biết, dự thảo đã bổ sung các quy định cụ thể về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng trong các giao dịch trên không gian mạng. Quy định trách nhiệm đối với tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian, tổ chức, cá nhân kinh doanh được xác định là nền tảng số lớn…
Chia sẻ kinh nghiệm bảo vệ người tiêu dùng, Giám đốc Pháp chế và Đối ngoại, ví điện tử MoMo Đoàn Tử Tích Phước cho biết, trong các giao dịch không chỉ bảo vệ những người được dùng trong một vài giao dịch mua bán cụ thể mà là bảo vệ cả nguồn tiền, tài khoản, tức là nguồn tiền dự trữ, dữ liệu cá nhân của người dùng đó, điều này rất quan trọng. Cùng với đó, trong những vụ việc liên quan đến những hành vi phạm tội, những hành vi lừa đảo trên không gian mạng, Ví điện tử MoMo cũng đã tích cực hợp tác với những cơ quan quản lý, những cơ quan chức năng, cơ quan liên quan để có thể điều tra và xử lý những vụ việc vi phạm.
Việt Nam hiện có khối lượng người dùng internet rất lớn, với hơn 70% dân số, trong đó có 55% người tiêu dùng tham gia mua sắm trực tuyến; 72 triệu người dùng mạng xã hội, tất cả sẽ tạo ra một khối dữ liệu khổng lồ trên môi trường trực tuyến.