Kinh tế

Bảo vệ người tiêu dùng trong giao dịch thương mại điện tử

Khanh Lê 22/06/2024 10:24

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 đã bổ sung nhiều quy định để tiếp tục nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong bối cảnh mới.

anhbaitren.png
Nhiều quy định mới trong chính sách bảo vệ người tiêu dùng khi giao dịch thương mại điện tử. Ảnh: M.H.

Phân định rõ trách nhiệm của các chủ thể

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với nhiều điểm mới nhằm hướng đến hài hòa với các cam kết quốc tế và giải quyết các vấn đề mới phát sinh trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ. Cụ thể, Luật đã bổ sung một chương về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng trong giao dịch đặc thù, trong đó, quy định riêng một Điều về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng trong giao dịch trên không gian mạng. Theo đó, Luật và văn bản hướng dẫn đã xác định chính xác chủ thể chịu trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch trên không gian mạng. Quy định này nhằm kịp thời giải quyết vấn đề không phân định rõ trách nhiệm của các bên tham gia giao dịch trên không gian mạng, hạn chế tình trạng đùn đẩy, trốn tránh trách nhiệm khi có tranh chấp phát sinh với người tiêu dùng, đặc biệt đối với các giao dịch có nhiều chủ thể cùng tham gia thực hiện giao dịch...

Theo ông Hồ Tùng Bách - Phó Trưởng ban Bảo vệ người tiêu dùng, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 đã mở rộng phạm vi đối với cả những doanh nghiệp (DN) nước ngoài cung cấp sản phẩm và dịch vụ cho người tiêu dùng ở Việt Nam. Ngoài ra, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 còn có rất nhiều quy định mới liên quan đến việc bảo vệ thông tin người tiêu dùng, người tiêu dùng dễ bị tổn thương, cung cấp dịch vụ nền tảng số, dịch vụ liên tục, trách nhiệm cung cấp thông tin, thu hồi sản phẩm. Quy định 7 nhóm đối tượng đặc thù, trong đó có người cao tuổi, phụ nữ, trẻ em được ưu tiên bảo vệ…

Thực tế thương mại điện tử tiện dụng và hiệu quả cao hơn: không cần địa điểm, giờ giấc cụ thể, gửi/nhận phản hồi, các câu hỏi cũng như khiếu nại ngay lập tức, trải nghiệm mua sắm, tiêu dùng được cá nhân hóa, với các gợi ý chính xác từ phía người bán... Nguồn thông tin vô tận, cho phép người tiêu dùng có thể so sánh giữa các lựa chọn, nhà cung cấp khác nhau, chi phí giao dịch giảm xuống.

Tuy nhiên, trong bối cảnh chuyển đổi số và thương mại điện tử xuyên biên giới, giao dịch diễn ra qua mạng Internet, trên trang web của người bán hoặc trên nền tảng của bên thứ ba, người tiêu dùng không được kiểm tra chất lượng hàng hóa, bởi vậy họ phải dựa vào việc thu thập thông tin các nghiên cứu trước đó, hoặc đánh giá của người mua khác.

Phân tích những thách thức mà người tiêu dùng gặp phải trong thương mại điện tử bà Phạm Quế Anh - chuyên gia Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức GIZ cho rằng, thách thức đặt ra đối với người tiêu dùng khi thương mại điện tử, thương mại xuyên biên giới trở nên thông dụng là gặp rủi ro khó định danh cả người mua lẫn người bán, khó xác định quy định liên quan hay quốc gia, cơ quan có quyền tài phán; quyền riêng tư và an ninh mạng.

Xử lý khiếu nại tốt, tạo được lòng tin của khách hàng

Theo ông Nguyễn Đức Trung - Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), việc nắm bắt và cập nhật thông tin đối với DN là vô cùng quan trọng, chính vì vậy Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng Cổng thông tin DN trở thành hệ sinh thái số hỗ trợ DN, trong đó tập trung vào mục tiêu giúp DN tiếp cận các xu hướng mới trên toàn cầu như kinh doanh có trách nhiệm, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ 4.0,… cũng như cung cấp nền tảng nhằm hỗ trợ DN kết nối với nhau. Hơn nữa, việc kết nối DN với mạng lưới tư vấn viên chuyên nghiệp cũng được đẩy mạnh.

Ông Phạm Văn Hùng - đại diện Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lưu ý, để bảo vệ quyền lợi của cả DN và người tiêu dùng trên không gian thương mại điện tử, các DN cần chủ động xây dựng các văn bản, thủ tục và phương thức tiếp nhận khiếu nại phù hợp với người tiêu dùng. Ông Hùng cho rằng việc thiết lập quy trình xử lý khiếu nại hiệu quả sẽ giúp DN không chỉ tuân thủ quy định pháp luật mà còn tạo dựng lòng tin với khách hàng.

Cùng với đó, ông Hùng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc công khai và cung cấp thông tin về sản phẩm. Theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023, việc minh bạch thông tin sản phẩm không chỉ là một yêu cầu bắt buộc mà còn là yếu tố then chốt giúp người tiêu dùng đưa ra quyết định mua sắm thông thái. Thông tin chi tiết về xuất xứ, thành phần, hướng dẫn sử dụng và chính sách bảo hành sẽ giúp người tiêu dùng yên tâm hơn khi mua sắm trực tuyến, đồng thời nâng cao uy tín của DN trên thị trường. Những biện pháp này không chỉ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, mà còn mang lại lợi ích lâu dài cho DN. “Những biện pháp này không chỉ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà còn mang lại lợi ích lâu dài cho DN, giúp họ xây dựng được một môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch và bền vững” - ông Hùng nhấn mạnh.

Bà Phạm Quế Anh - chuyên gia Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức GIZ cho rằng, thách thức đặt ra đối với người tiêu dùng khi thương mại điện tử, thương mại xuyên biên giới trở nên thông dụng là gặp rủi ro khó định danh cả người mua lẫn người bán, khó xác định quy định liên quan hay quốc gia, cơ quan có quyền tài phán; quyền riêng tư và an ninh mạng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bảo vệ người tiêu dùng trong giao dịch thương mại điện tử