Được dự báo tổng số căn hộ chung cư đến năm 2025 sẽ tăng lên tới 135.000 căn hộ, thế nhưng trên thực tế TPHCM lại đang phải giải quyết rất nhiều bất cập liên quan đến loại hình nhà ở này. Trong đó, nhức nhối nhất là các tranh chấp liên quan đến quỹ bảo trì chung cư.
Không để chây ỳ trong bàn giao quỹ
Tại chung cư 4S Linh Đông (TP Thủ Đức), nhiều năm qua, hàng nghìn cư dân đã phản ánh đến các cấp chính quyền về việc chủ đầu tư dự án chiếm dụng quyền quản lý quỹ bảo trì chung cư hơn 25 tỷ đồng chưa bàn giao cho Ban Quản trị chung cư, khiến cơ sở hạ tầng dù đã xuống cấp nhưng không được duy tu, sửa chữa thường xuyên. Quá trình tranh chấp quỹ bảo trì tại chung cư 4S Linh Đông đã khiến người mua nhà không ổn định cuộc sống, khiếu nại kéo dài. Trước tình trạng này, UBND TPHCM đã vào cuộc, chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp với TP Thủ Đức xử lý dứt điểm.
Ông Huỳnh Lê Công Trường - Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng TPHCM cho biết, kể từ ngày 15/6/2021, UBND thành phố đã vào cuộc, ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính (số 2183/QĐ-XPVPHC) đối với Công ty TNHH Xây dựng Thành Trường Lộc, là chủ đầu tư dự án. Lý do, vì hành vi vi phạm “Bàn giao không đầy đủ kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư theo quy định”. Hiện tại, chủ đầu tư đã chấp hành nộp tiền phạt với số tiền hơn 132 triệu đồng nhưng lại chây ỳ chưa chấp hành biện pháp khắc phục hậu quả (chưa bàn giao đầy đủ kinh phí bảo trì theo quy định cho Ban quản trị nhà chung cư).
Liên quan đến công tác bàn giao kinh phí bảo trì tại TPHCM, đến cuối tháng 3/2023 đã có hơn 400 nhà chung cư bàn giao kinh phí bảo trì nhưng cũng còn 227 chung cư chưa bàn giao kinh phí. Trong số này, có hơn 40 chung cư đang tranh chấp kinh phí bảo trì vì chủ đầu tư cố tình không bàn giao, chậm bàn giao, bàn giao không đầy đủ hoặc cố tình né tránh, chiếm dụng kinh phí bảo trì.
Nguyên nhân và các tồn tại chủ yếu về tình trạng này được Sở Xây dựng TPHCM lý giải, xuất phát từ việc chủ đầu tư chậm bàn giao quỹ, khiến tranh chấp quyền sở hữu đối với phần sở hữu chung, sử hữu riêng của nhà chung cư phức tạp. Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư cũng cố tình né tránh, chiếm dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư, không tiến hành bàn giao cho ban quản trị theo quy định khiến cư dân tại các khu chung cư bức xúc.
Tăng vai trò quản lý nhà nước
UBND TPHCM cũng giao trách nhiệm trực tiếp cho Sở Xây dựng chủ động trong việc nâng cao vai trò, chức năng quản lý nhà nước về nhà ở trên địa bàn được quy định tại Nghị định 99/2015 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở năm 2014.
UBND TPHCM cũng giao Công an thành phố phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn để xử lý các trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự trong quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì theo quy định. Từ đó, kiên quyết chỉ đạo cưỡng chế và xử lý nghiêm chủ đầu tư không bàn giao kinh phí bảo trì cho ban quản trị nhà chung cư.
Tại buổi đối thoại chuyên đề với chủ đề “Hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn TPHCM” mới đây, ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, hiện nay đã có quy định pháp luật rất cụ thể về quản lý, sử dụng nhà chung cư, trong đó có phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, hội nghị nhà chung cư, ban quản trị nhà chung cư để quản lý kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư. Do đó, các cơ quan này có trách nhiệm phối hợp, giải quyết tạo đồng thuận để đảm bảo quyền và nghĩa vụ các chủ thể trong quản lý sử dụng nhà chung cư (chủ đầu tư, ban quản trị, đơn vị quản lý vận hành)…
Tại buổi giám sát của HĐND TPHCM về việc triển khai, thực hiện các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2025 đối với Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Tài chính và Cục Thuế TPHCM mới đây, bà Nguyễn Thị Thanh Vân - Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố đã đề nghị tăng cường hiệu quả của công tác phối hợp giữa các sở, ngành và địa phương trong việc tháo gỡ, giải quyết dứt điểm các khó khăn, bất cập tại các dự án nhà ở hiện nay. Từ đó, đảm bảo quyền và lợi ích đối với người mua nhà, đồng thời tránh lãng phí nguồn lực đất đai như thời gian qua.