Sáng 4/7 tại Hội thảo Giải pháp bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh việc thực hiện xác thực sinh trắc học là cần thiết, thêm 1 lớp bảo vệ nên chắc chắn an toàn hơn. Trường hợp khách hàng có làm mất giấy tờ, bị kẻ xấu mang đến ngân hàng giả mạo để lừa đảo tiền cũng khó thực hiện vì có sinh trắc học khuôn mặt để xác nhận chính chủ.
Lãnh đạo NHNN cho biết, tính đến 17 giờ ngày 3/7 đã có 16,6 triệu tài khoản ngân hàng được kiểm tra, đối chiếu với dữ liệu của Bộ Công an nhằm loại bỏ những tài khoản giả mạo không chính chủ, được lập bằng giấy tờ giả...
"NHNN cũng đã yêu cầu các ngân hàng nghiêm túc thực hiện chống giả mạo, chống công nghệ deepfake, giả mạo ảnh tĩnh. Có đến hàng chục thủ đoạn lừa đảo và ngày càng tinh vi, gia tăng. Trong số các thủ đoạn trên không gian mạng, có các hành vi lừa đảo trực tiếp đối với các dịch vụ ngân hàng. Chưa kể, dù là thủ đoạn gì thì hầu như cuối cùng đều có liên quan đến tài khoản ngân hàng" - Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cho biết.
Tuy nhiên, điều đáng bàn là vừa mới thực hiện triển khai áp dụng xác thực sinh trắc học xong đã có thêm một số thủ đoạn lừa đảo mới. Trung tá Triệu Mạnh Tùng - Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết: Hiện nay có rất nhiều đối tượng lừa đảo, nhất là lừa đảo thông qua không gian mạng.
Ngay khi chúng ta triển khai chính sách mới, sự kiện mới, một số đối tượng ở nước ngoài đã liên hệ với cá nhân ở Việt Nam để giả danh nhân viên ngân hàng thực hiện hỗ trợ cập nhật sinh trắc học cho người dân. Các đối tượng này lợi dụng sự kiện mới nhanh chóng triển khai phương thức lừa đảo.
"Hiện có hàng trăm, hàng nghìn phương thức lừa đảo. Mỗi khi có một chính sách mới, có sự kiện mới, các đối tượng lại nghiên cứu kịch bản để dẫn dụ người bị hại vào cạm bẫy, thậm chí tinh vi hơn như lợi dụng chính sách chuyển đổi số, chính sách cập nhật thông tin để dẫn dụ người dùng cài ứng dụng có chứa mã độc, hoặc truy cập vào đường link chứa mã độc, qua đó lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Có những nhóm lừa đảo có hàng trăm đối tượng, hoạt động như một nghề để kiếm sống, chỉ dành thời gian nghiên cứu sử dụng các phương thức lừa đảo qua không quan mạng để tìm kiếm người bị hại. Tôi cho rằng, sự xuất hiện và mức độ gia tăng của tội phạm lừa đảo trên không gian mạng sẽ còn nhiều hơn nữa trong thời gian tới" - Trung tá Triệu Mạnh Tùng nói.
Cũng trong thời gian từ 1/7 trở lại đây, nhu cầu đăng ký sinh trắc học của người dân tăng cao, nên một số hành vi lừa đảo lại tái xuất. Các ngân hàng đồng loạt đưa ra cảnh báo nạn lợi dụng hỗ trợ cài đặt sinh trắc học để lừa đảo và khuyến cáo khách hàng nâng cao cảnh giác. Cụ thể, Agribank cho biết lợi dụng tình trạng nhiều khách hàng gặp khó khăn khi thao tác thực hiện thu thập sinh trắc học trên các ứng dụng ngân hàng, nhiều đối tượng lừa đảo đã giả danh nhân viên ngân hàng liên hệ với khách để “hỗ trợ” cài đặt sinh trắc học và từ đó thực hiện chiếm đoạt tài sản, thông tin của khách.
“Khách hàng tuyệt đối không cung cấp OTP, mật khẩu ngân hàng số... cho bất kỳ ai kể cả nhân viên ngân hàng. Agribank không liên hệ trực tiếp với khách hàng để hướng dẫn thu thập sinh trắc học. Tuyệt đối cảnh giác và không truy cập vào đường link lạ qua Chat, SMS hoặc Email gửi đến điện thoại của bạn để tránh nguy cơ bị lừa đảo, đánh cắp thông tin” - Agribank cảnh báo.
Tương tự, BIDV và Vietcombank cũng cảnh báo các đối tượng lừa đảo, khẳng định không yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân qua các kênh như gọi điện, nhắn tin SMS, email, phần mềm chat (Zalo, Viber, Facebook messenger…)
Về phía NHNN, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cho biết, thời gian tới tiếp tục gia tăng bảo vệ độ an toàn cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ ngân hàng; triển khai hiệu quả Quyết định số 2345 của NHNN nhằm bảo đảm an toàn, bảo mật trong giao dịch thanh toán nói riêng và sử dụng dịch vụ ngân hàng nói chung. Tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin của các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán; đồng thời nâng cấp, phát triển các hạ tầng thanh toán bảo đảm hoạt động liên tục, thông suốt, an toàn, kết nối liền mạch, xuyên suốt với các ngành, lĩnh vực khác (như dịch vụ công, y tế, giáo dục, thương mại điện tử…) và kết nối thanh toán xuyên biên giới nhằm đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng đa dạng, ngày càng tăng nhanh của các tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế.
Bên cạnh đó, NHNN phối hợp Bộ Công an triển khai hiệu quả Đề án 06, trong đó chú trọng khai thác thông tin Căn cước công dân gắn chip và tài khoản VneID để định danh, xác thực chính xác thông tin khách hàng và phối hợp, hỗ trợ trong quá trình cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng một cách tiện lợi, an toàn, bảo đảm phòng ngừa rủi ro, tội phạm lợi dụng dịch vụ thanh toán cho mục đích gian lận, lừa đảo; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng…