Thông tin thẻ tín dụng bị mất chúng ta có thể khóa thẻ và chịu mất vài triệu đồng nhưng nếu thông tin cá nhân bị lộ thì hậu quả không thể lường trước được.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 91/2020/NĐ-CP quy định về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác. Nghị định 91 quy định những biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với việc quấy rầy người khác bằng cuộc gọi, tin nhắn, thư điện tử rác.
Cụ thể, gọi điện quảng cáo đến người sử dụng khi chưa được đồng ý một cách rõ ràng; gọi điện quảng cáo đến người sử dụng đã từ chối nhận cuộc gọi quảng cáo hay gửi tin nhắn đăng ký quảng cáo khi người sử dụng đã từ chối sẽ bị phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng; phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng nếu thực hiện quá 1 cuộc gọi quảng cáo tới 1 số điện thoại trong vòng 24 giờ hay gọi sau 17h; phạt đến 100 triệu đồng nếu gửi tin nhắn, gọi điện quảng cáo đến các số điện thoại nằm trong Danh sách không quảng cáo; không thực hiện các biện pháp chặn tin nhắn quảng cáo, cuộc gọi quảng cáo đến danh sách trên có thể bị phạt từ 140 - 170 triệu đồng...
Theo cam kết từ cơ quan quản lý, chỉ cần một tin nhắn đến đầu số 5656 theo cú pháp quy định để đăng ký vào danh sách “không muốn nhận bất kỳ tin nhắn quảng cáo nào” là người dùng có thể thoát khỏi những tin nhắn rác, cuộc gọi rác không mong muốn.
Nhưng vấn đề là tại sao Chính phủ phải ban hành hẳn một nghị định về vấn đề này? Nhiều người trong số độc giả hẳn không còn ngạc nhiên khi bất ngờ nhận được cuộc gọi đề nghị mua bảo hiểm, nhà đất, condotel, học tiếng Anh, gia sư… Những người mua vé máy bay thì thường xuyên nhận được tin nhắn mời chào đi taxi giá rẻ ra sân bay. Thậm chí có khi chỉ trong một ngày, nhận tới hàng chục tin nhắn.
Điểm chung của những hãng xe này là đều nắm rất rõ thông tin của các khách bay và đưa ra mức giá khá mềm kèm số tổng đài để khách liên hệ khi có nhu cầu.
Gần đây, như Đại Đoàn kết đã phản ánh, một số trường hợp không hề đăng ký mở thẻ ở Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank), thậm chí chưa 1 lần làm việc với MB nhưng nhận được tin nhắn từ Ngân hàng MB yêu cầu kích hoạt mã OTP mở thẻ online.
Như vậy có thể thấy, tin nhắn, cuộc gọi, thư điện tử rác là vấn nạn thời 4.0 đối với nhiều người. Trên mạng, có một số cách chặn tin nhắn rác như nhắn tin đến nhà mạng, cài đặt các ứng dụng chặn tin nhắn rác. Tuy nhiên, việc cài đặt này chỉ chặn được một số tin nhắn rác còn cuộc gọi hay thư điện tử thì “chịu chết”.
Với việc ban hành Nghị định 91, lần đầu tiên Việt Nam sẽ có một danh sách quốc gia các số thuê bao không muốn nhận bất kỳ tin nhắn quảng cáo nào (National Do not call - DNC) để người dùng được lựa chọn đăng ký vào danh sách và sau đó sẽ không phải tiếp nhận những tin nhắn, cuộc gọi rác nữa.
Đó là những bước đi lập pháp cần thiết để ngăn chặn tin nhắn, cuộc gọi, thư điện tử rác. Nhưng nếu tin nhắn, cuộc gọi rác chỉ làm cho người nhận khó chịu thì việc lộ lọt thông tin cá nhân lại có thể khiến nhiều người mất tiền thật.
Thống kê trên trang Identity Force cho thấy, năm 2019, 14,4 triệu người tiêu dùng Mỹ trở thành nạn nhân của gian lận danh tính - tức là cứ 15 người Mỹ thì có 1 nạn nhân. Nhìn chung, 33% người trưởng thành ở Mỹ đã từng bị trộm cắp thông tin cá nhân, cao hơn gấp đôi so với mức trung bình toàn cầu. Hơn 1 triệu trẻ em ở Mỹ bị trộm cắp thông tin cá nhân vào năm 2017, khiến các gia đình phải trả 540 triệu USD tiền túi. Có 146 triệu thông tin cá nhân bị lộ tại Mỹ trong năm 2019…
Ở Việt Nam chưa có thống kê chính thức về nạn đánh cắp thông tin cá nhân. Nhưng thống kê sơ bộ của Cục Viễn thông chỉ trong vòng 1 tháng, hệ thống đã tìm ra khoảng 49 triệu cuộc gọi nghi ngờ là cuộc gọi rác. Các cuộc gọi này phát sinh từ hơn 26.700 số điện thoại, gây ảnh hưởng đến khoảng 18 triệu khách hàng. Chưa thể khẳng định, 18 triệu khách hàng kia đều bị lộ thông tin cá nhân nhưng có thể thấy số người bị đánh cắp thông tin cá nhân là khá lớn. Chúng ta có thể mất thông tin cá nhân khi tham gia mạng xã hội, cài đặt ứng dụng, thậm chí dùng wifi miễn phí tại các địa điểm công cộng…
Các nhà nghiên cứu thì khuyên người dùng mạng Internet hạn chế đăng tải thông tin cá nhân lên mạng xã hội, dùng những phần mềm có bản quyền, sử dụng các ứng dụng từ nguồn chính thống, được cung cấp bởi các đơn vị tin cậy.
Tuy nhiên, những lời khuyên đậm chất kỹ thuật này có vẻ hơi khó khăn đối với những người sử dụng Internet ở Việt Nam. Hoặc giả, thông tin cá nhân của chúng ta đã bị mất từ lâu rồi.
Vậy nên, cùng với việc siết tin nhắn, cuộc gọi rác, các cơ quan chức năng cần có những biện pháp mạnh tay với tình trạng mua bán thông tin cá nhân. (Nếu không tin, độc giả có thể tìm kiếm trên Google sẽ ra hàng trăm triệu kết quả về việc “bán danh sách khách hàng”).
Thông tin thẻ tín dụng bị mất chúng ta có thể khóa thẻ và chịu mất vài triệu đồng nhưng nếu thông tin cá nhân bị lộ thì hậu quả không thể lường trước được. Nhất là trong thời đại kỹ thuật số như bây giờ.