Trong thời đại số, việc trẻ em sử dụng internet ngày càng phổ biến. Song, bên cạnh những mặt tích cực cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ, hiểm họa rất khó lường.
Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) cho rằng, môi trường mạng rất phức tạp, chúng ta không thể nào tránh được hết tất cả những rủi ro. Cách tốt nhất là đồng hành cùng với trẻ, cùng trẻ đương đầu với những thử thách, để trẻ có thể trở thành người công dân số, sử dụng môi trường mạng internet an toàn, thông minh.
PV:Dư luận xã hội xôn xao về việc kênh youtuber tên Thơ Nguyễn có những clip chứa nội dung phản cảm dành cho đối tượng trẻ em. Và xét ở góc độ rộng hơn là môi trường mạng vẫn luôn chứa đầy rẫy những clip vô bổ, thậm chí có tác động xấu đến trẻ nhưng lại rất được trẻ em quan tâm. Bà có thể lý giải vì sao những clip vô bổ, không có giá trị giáo dục, thậm chí có những clip ghê rợn lại được các bạn trẻ yêu thích hơn những clip mang tính giáo dục. Và ảnh hưởng của những clip này đến các bạn nhỏ là gì?
Bà Nguyễn Phương Linh: Trẻ nhỏ, đặc biệt những bạn càng nhỏ thì chưa phân biệt được đâu là những clip mang tính giáo dục, đâu là clip không có tính giáo dục mà sẽ bị hấp dẫn bởi những clip sôi động, nhấp nháy, màu mè, có âm thanh, giọng cao giọng trầm, những tình huống thay đổi liên tục…
Hiện giờ những người làm youtube, đặc biệt những người làm youtube dành cho trẻ nhỏ thì thường nắm rất rõ thị hiếu, những mong muốn, trông đợi đó của trẻ nhỏ và xây dựng ra rất nhiều clip mà chúng ta cho là nhảm nhí nhưng lại đáp ứng được thị hiếu của các em. Thế nên cũng không có gì là lạ cả. Và chúng ta cũng không thể nào trách trẻ rằng tại sao clip nhảm nhí thế mà con xem? Bởi vì nó đúng thị hiếu thôi.
Vậy ảnh hưởng của những clip có nội dung không có giá trị giáo dục, thậm chí độc hại với trẻ em thì như thế nào, thưa bà?
-Những clip như thế này xuất hiện rất nhiều trên môi trường mạng. Từ trước, chúng ta từng thấy có clip của Bà Tưng, Huấn Hoa Hồng, Khá Bảnh, thậm chí là những clip thử thách cá heo, những trò chơi dạy trẻ trốn trong tủ áo, trốn trong máy giặt… có thể khiến trẻ bắt chước theo rất nguy hiểm. Chúng ta cũng biết rằng, trẻ em là đối tượng đi đầu về công nghệ nhưng chưa phân biệt được đâu là clip nên xem đâu là clip không nên xem. Cho nên với sự đầy rẫy này, trẻ em xem quá nhiều sẽ coi nó là chuyện bình thường và nghĩ rằng không có gì nguy hiểm, đôi khi còn nghĩ rằng nó đúng đắn và bắt chước theo nữa.
Với những clip thuộc những tài khoản youtube có tới 8-9 triệu lượt theo dõi, mà chủ yếu là trẻ em, thì các bạn đôi khi còn trở thành thần tượng, là người có ảnh hưởng tới đối tượng trẻ em, nên là trẻ em rất dễ tin và bắt chước theo. Điều này rất nguy hiểm. Nhãn tiền đã có những trường hợp rất đáng tiếc xảy ra do bắt chước theo những clip trên mạng mà mất mạng hoặc bắt chước theo những thử nghiệm, thử thách nguy hiểm, hoặc a dua theo nhau để bắt nạt bạn bè… Về lâu dài còn ảnh hưởng đến nhân cách, niềm tin, giá trị đạo đức của trẻ, ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất tinh thần của trẻ.
Theo bà, đâu là nguyên nhân khiến cho những clip này cứ tràn lan trên mạng?
-Chúng ta thấy, động cơ chính có thế nói là những clip này câu view câu like để có thể tăng lượt tương tác người dùng, kiếm lợi nhuận, mà thực sự ở đây là kiếm lợi nhuận bất chấp.
Có biện pháp nào để hạn chế trẻ em tiếp cận những thông tin xấu, độc trên môi trường mạng không, thưa bà?
-Trước khi chúng ta kêu gọi sự vào cuộc của cơ quan chức năng, vào cuộc của những người cung cấp nền tảng để kiểm soát những nội dung này thì cũng cần có biện pháp kiểm soát từ trong chính gia đình. Bởi thực tế nếu như còn người xem, nếu như đáp ứng đúng nhu cầu của trẻ em và phụ huynh thì còn để cho con em của mình thoải xem những clip như thế này, thì tôi nghĩ sẽ còn rất nhiều tài khoản như vậy mọc lên. Hôm nay có thể là Thơ Nguyễn, Huấn Hoa Hồng, Bà Tưng… hôm sau có thể là những cái tên khác với những clip và trào lưu như vậy để kiếm tiền trên môi trường mạng.
Lúc này chúng ta có thể thấy, việc giáo dục trẻ em trong gia đình và cả trong nhà trường là rất quan trọng, để làm sao trẻ em có tư duy phản biện, có thể có “vắc xin” để tự bản thân mình kháng thể với các clip độc hại như vậy.
Hơn hết là trách nhiệm giáo dục con trong gia đình, thưa bà?
-Nói để cha mẹ quản lý con thì thực sự cũng rất khó. Làm sao mà chúng ta có thể quản lý được trẻ em 24/24? Có phụ huynh cũng nói với tôi rằng làm sao mà có thể ngồi xem được hết các chương trình với con? Thế nhưng, thực sự là vai trò của gia đình, những người gần nhất với trẻ để mà theo sát sự phát triển của trẻ là vô cùng quan trọng.
Theo tôi, đối với trẻ dưới 6 tuổi, thì thời lượng trẻ xem clip không nên nhiều, có lẽ chỉ nên nửa tiếng, cùng lắm là 1 tiếng/ ngày thôi, thì đó là khoảng thời gian mà cha mẹ có thể kiểm soát được, có thể ngồi xem cùng với con. Và nên cho con xem youtube kids. Chúng ta có những cài đặt trên youtube để làm sao bảo đảm cho trẻ em khi xem thì sẽ xem được clip phù hợp với độ tuổi của mình. Tất nhiên là vẫn có những clip bị “lọt lưới” nên là mới có những trường hợp chúng ta thấy nó không tốt...
Tôi nghĩ rằng, môi trường mạng rất phức tạp, chúng ta không thể nào tránh được hết tất cả những rủi ro đâu. Cách tốt nhất là chúng ta cùng đồng hành với con để cùng con đương đầu với những thử thách, làm sao để con trở thành người công dân số, sử dụng môi trường mạng internet an toàn, thông minh và có những trách nhiệm để tận dụng được những lợi ích tốt nhất mà môi trường mạng đem lại. Tự bản thân mình là người hạn chế rủi ro cũng như là có trách nhiệm trong việc xây dựng môi trường mạng an toàn.
Trân trọng cảm ơn bà!