Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

Lê Bảo 21/08/2023 09:05

Đó là mối quan tâm lớn của xã hội nhưng vẫn gặp rất nhiều thách thức. Theo khuyến cáo của các tổ chức y tế thì trẻ em chỉ nên truy cập mạng từ 2-3 giờ/ngày. Tuy nhiên tại Việt Nam, thời gian trung bình trên Internet của nhiều trẻ em là 5-7 giờ/ngày.

Cần trang bị kiến thức để trẻ em dùng mạng xã hội an toàn.

Nhiều khó khăn, thách thức

Tác động tích cực của mạng Internet trong đời sống và đối với trẻ em là điều không thể phủ nhận. Nhờ có mạng Internet, trẻ em có thể học tập trực tuyến, hoàn thiện các kỹ năng, tư duy phản biện, làm việc nhóm, bổ sung các kỹ năng ngôn ngữ, tham gia các hội nhóm, cộng đồng có cùng sở thích. Ngoài ra thành thạo sử dụng internet và các thiết bị điện tử sẽ giúp các em hoàn thiện các kỹ năng. Tuy nhiên, Internet cũng có mặt trái, đó là nguy cơ trẻ tiếp cận những thông tin không phù hợp, hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần, thậm chí nhận thức bị lệch lạc.

Theo khuyến cáo của các tổ chức y tế thì trẻ em chỉ nên truy cập mạng từ 2-3 giờ/ngày. Tuy nhiên tại Việt Nam, thời gian trung bình trên internet của nhiều trẻ em là 5-7 giờ/ngày. Số liệu khảo sát của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong 3 tháng đầu năm 2023 cũng cho thấy, có 89% trẻ em truy cập và sử dụng Internet, trong số này, 87% sử dụng internet hàng ngày. Ngoài thời gian dành cho việc học, trung bình trẻ em sử dụng từ 5 - 7 giờ/ngày vào mạng xã hội.

Đáng chú ý, theo Viện Nghiên cứu quản lý và phát triển bền vững, khảo sát sau đại dịch Covid-19 cho thấy, độ tuổi trẻ em sử dụng Internet đang giảm xuống ở 6 - 7 tuổi. Và có 87% trẻ 12 - 17 tuổi sử dụng Internet ít nhất 1 lần/ngày. Đáng chú ý, có tới 40% trẻ em cảm thấy không an toàn khi sử dụng Internet và có hơn 70% trẻ đã từng có trải nghiệm không mong muốn khi sử dụng Internet.

Theo Bộ Công an, trong quý I/2023, lực lượng công an đã xác minh, xử lý 135 vụ việc xâm hại trẻ em có yếu tố liên quan đến môi trường mạng, ngăn chặn hàng chục nghìn bài viết, trang mạng có nội dung độc hại đối với trẻ em trên môi trường mạng. Thời gian qua, Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng công an cả nước tổ chức triển khai quyết liệt các nhiệm vụ về bảo vệ, phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, trong đó chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân, tập huấn kỹ năng sử dụng mạng an toàn cho trẻ em, học sinh, xử lý nghiêm các hành vi xâm hại trẻ em.

Song, vấn đề xâm hại trẻ em và người chưa thành niên trên môi trường mạng đang diễn ra phức tạp, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp, tổ chức, hiệp hội về bảo vệ trẻ em đã và đang có nhiều nỗ lực để ngăn chặn. Tuy nhiên, xuất phát từ đặc tính phức tạp của môi trường mạng cũng như hạn chế về nhận thức của người dùng thực tế cho thấy công tác này còn nhiều khó khăn, thách thức.

Trang bị “rào chắn” để bảo vệ trẻ

Thực tế Việt Nam đã có những nỗ lực về không ngừng hoàn thiện khuôn khổ pháp luật và chính sách để tăng cường việc bảo vệ trẻ em ở trên môi trường mạng. Hệ thống văn bản pháp luật về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng được bao quát khá toàn diện các nội dung, các yêu cầu đặt ra từ thực tiễn. Ở nhiều cấp độ khác nhau đều đã có văn bản được ban hành. Tuy vậy, với sự phát triển rất nhanh của lĩnh vực viễn thông cũng như công nghệ thông tin truyền thông, để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ và sự nỗ lực của toàn xã hội.

Theo bà Lê Thị Vân Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự hành chính (Bộ Tư pháp), với tốc độ phát triển nhanh, mạnh của khoa học công nghệ, bên cạnh việc đem lại cho các em cơ hội học tập, mở mang kiến thức thì việc sử dụng mạng Internet còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, khiến các em dễ trở thành nạn nhân bị xâm hại hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trên môi trường mạng. Chính vì vậy việc rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật để kịp thời có chính sách, giải pháp tăng cường bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng cũng như ứng phó kịp thời với sự phát triển của internet trong giai đoạn mới.

Theo ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH), các hành vi vi phạm quyền trẻ em nói chung, xâm hại trẻ nói riêng trên môi trường mạng đã và đang tác động đến các em trước mắt và lâu dài, đặc biệt là liên quan đến vấn đề tâm lý, tình cảm, đạo đức và sức khỏe tâm thần của trẻ. Để bảo vệ trẻ em, cần nhận thức rõ trách nhiệm của gia đình, cha mẹ đối với việc phòng ngừa tổn hại cho trẻ, trong đó có phòng ngừa xâm hại trên môi trường mạng...

"Nhà nước có chính sách, truyền thông giáo dục, hỗ trợ gia đình nhưng nếu cha mẹ không quan tâm thì trẻ em không được bảo vệ, không được sống an toàn" - ông Nam nói.

Các chuyên gia tâm lý khuyến cáo, cha mẹ cần dạy trẻ cách phân biệt những thông tin nào là an toàn và thông tin nào là nguy hiểm từ Internet. Cha mẹ không thể lúc nào cũng ở bên cạnh để giám sát tất cả mọi thứ con mình làm, nhưng chúng ta có thể dạy trẻ cách tự bảo vệ mình khỏi những thứ độc hại, nguy hiểm trên mạng. Hãy dạy con chủ động hơn trên mạng ảo. Thế nhưng, thực tế là hiện nay, không ít những bậc cha mẹ cũng không thoát khỏi được thế giới ảo khi lạm dụng mạng xã hội, Internet.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO