Bảo vệ trẻ em trước cạm bẫy trên không gian mạng

Thái Nhung 26/06/2023 19:26

Bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ, cạm bẫy khi tiếp xúc với mạng inernet, tránh cho các em khỏi các hình thức xâm hại và tạo một môi trường mạng internet an toàn, lành mạnh không còn là chuyện của mỗi cá nhân trong xã hội.

89% trẻ em lên mạng hàng ngày

Trong thời đại công nghệ, việc trẻ em tiếp xúc với máy tính, thiết bị thông minh kết nối mạng internet để phục vụ học tập, mở rộng và nâng cao kiến thức chủ động và linh hoạt. Mạng xã hội ngày nay hấp dẫn giới trẻ, đặc biệt với trẻ em, bởi nó chứa đựng hình thức giải trí phong phú, kiến thức đa dạng, nội dung hấp dẫn.

Theo thống kê của UNICEP, 92% trẻ em Việt Nam có sử dụng thiết bị kết nối internet, trong đó 89% trẻ lên mạng hàng ngày. Một nghiên cứu của Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) chỉ ra rằng, gần 36,5% trẻ em đã phải trải nghiệm các thông tin, hình ảnh liên quan đến bạo lực trên Internet. Hơn 13% trẻ em bị tiếp xúc không mong muốn với các tài liệu khiêu dâm. Khu vực châu Á có rủi ro xâm hại trẻ em trên mạng là cao nhất với 33%. Chỉ có khoảng 1/3 trẻ em được dạy, tập huấn về đảm bảo an toàn trên mạng dưới một số hình thức.

Năm 2022, một khảo sát của UNICEF trên 994 trẻ em Việt Nam từ 12 đến 17 tuổi, thì có tới 2% cho biết trong năm qua đã bị yêu cầu trò chuyện về tình dục khi bản thân không mong muốn, 1% bị yêu cầu chia sẻ hình ảnh, video khỏa thân; 8% nhận được những bình luận khiếm nhã, 5% nhận được những hình ảnh nhạy cảm không mong muốn. Ngoài ra trẻ cũng gặp phải nhiều đề nghị cho tiền hoặc đổi quà để đổi lấy hình ảnh, video nhạy cảm hoặc thực hiện hành vi đe dọa, tống tình để ép trẻ tham gia hoạt động tình dục.

Các con số trên cho thấy, tại Việt Nam số lượng trẻ tuổi thanh thiếu niên sử dụng mạng internet khá cao, trẻ sử dụng trong cả mục đích dành cho học hành nghiên cứu cũng như truy cập thông tin. Số tỷ lệ phần trăm cho cả hai mục đích này khá tương đương. Trong những rủi ro đối với trẻ em trên môi trường mạng, xâm hại tình dục trẻ em là một trong những rủi ro có thể dẫn đến tổn thương tâm lý và cơ thể suốt đời.

Giải pháp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng

Một trong những biện pháp hiệu quả nhất mà cho đến nay không chỉ Việt Nam mà tất cả các quốc gia đang hướng tới là trang bị cho trẻ em nhận thức về các nguy cơ, rủi ro trên môi trường mạng, kỹ năng tự bảo vệ mình và tìm kiếm sự giúp đỡ khi gặp các vấn đề trong quá trình tương tác trên không gian mạng. Việc này đòi hỏi các cơ quan chức năng, thầy cô, cha mẹ và những người chăm sóc trẻ trang bị cho trẻ những kiến thức căn bản khi tham gia môi trường mạng.

Bên cạnh đó, nhằm góp phần bảo đảm bảo an toàn cho trẻ trên không gian mạng, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cũng đã đưa ra một số khuyến nghị về vấn đề này. Cụ thể, những mẹo công nghệ giúp cha mẹ bảo vệ trẻ trên môi trường mạng: Cài đặt chế độ kiểm soát của cha mẹ; Bật tính năng Tìm kiếm An toàn trên trình duyệt; Cài đặt bảo mật riêng tư nghiêm ngặt trên các ứng dụng và trò chơi trực tuyến; Che/tắt webcam khi không sử dụng.

Tạo lập thói quen trực tuyến và an toàn: Khuyến khích trẻ tham gia xây dựng các quy định trong gia đình về sử dụng thiết bị lành mạnh; Hướng dẫn trẻ cách giữ kín thông tin cá nhân; Tạo lập các khoảng không gian, thời gian không có thiết bị trong nhà (ăn, ngủ, chơi, học); Nhắc nhở trẻ rằng những gì đăng tải lên môi trường mạng sẽ không thể thu hồi (tin nhắn, hình ảnh và video).

Cách bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Minh họa: mic.gov.vn
Cách bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Minh họa: mic.gov.vn

Với vai trò, trách nhiệm là cơ quan tham mưu quản lý nhà nước về lĩnh vực này, đại diện của Cục An toàn Thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng đã khuyến cáo một số nội dung đối với lứa tuổi thanh thiếu niên khi tham gia mạng xã hội như: Các phụ huynh cần luôn đồng hành cùng trẻ em trong quá trình sử dụng thiết bị tham gia môi trường Internet. Nếu chưa có biện pháp kỹ thuật, các phụ huynh nên để ý đến thời lượng sử dụng thiết bị của trẻ em, đến các trò chơi, ứng dụng các em đang dùng; cân bằng các hoạt động trên Internet và các hoạt động thể thao... Ở lứa tuổi thiếu nhi, các cháu không nên lập tài khoản cá nhân trên mạng xã hội mà chỉ nên sử dụng internet để tham khảo học tập, học hỏi kỹ năng sống.

Trước khi tham gia mạng xã hội, cần nghiên cứu kỹ các điều khoản của mạng xã hội đó đưa ra, tìm hiểu các kỹ năng về sử dụng mạng xã hội, nhất là các kỹ năng về xử lý thông tin xấu độc (báo xấu, thông báo cho người lớn, cho cơ quan có trách nhiệm là Công an, Sở Thông tin và Truyền thông, chính quyền cơ sở) để áp dụng vào thực tế. Đồng thời, cần chú ý khi các cháu truy cập vào trang web nào, tương tác, kết bạn với ai, và che chở khi các cháu gặp sự cố, tránh có những hành động gây tổn thương, sợ hãi.

Trong trường hợp xác định được đối tượng cung cấp thông tin vi phạm các quy định hiện hành thì tùy theo mức độ, ngành Thông tin và Truyền thông sẽ áp dụng hình thức xử lý kịp thời theo quy định tại Nghị định số 15/2020/NĐ – CP ngày 3/2/2021 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử; Nghị định 119/2020/NĐ-CP ngày 7/10/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản để đảm bảo chế tài xử phạt tương ứng với các hành vi vi phạm về quảng cáo trên mạng xã hội.

Trường hợp vi phạm mức độ nhẹ thì nhắc nhở, rút kinh nghiệm; trường hợp vi phạm ở mức độ nặng có thể xem xét xử phạt vi phạm hành chính, thu hồi giấy phép, thu hồi tên miền và nếu vi phạm nghiêm trọng ngành công an sẽ khởi tố xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp không xác định được tổ chức, cá nhân vi phạm thì đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thôn gửi yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ như Google, YouTube, Facebook… thực hiện các biện pháp ngăn chặn, gỡ bỏ theo quy định tại Thông tư số 38/2016/TT-BTTTT.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bảo vệ trẻ em trước cạm bẫy trên không gian mạng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO