Đơn vị quản lý nhãn hiệu tập thể “Mật ong U Minh Hạ” khẳng định, những cơ sở kinh doanh mật ong có dán nhãn hiệu, logo do Cục Sở hữu trí tuệ cấp là những cơ sở uy tín, được chứng nhận về chất lượng.
Huyện U Minh có trên 31.000ha rừng (chủ yếu là rừng tràm và keo lai) nên thuận lợi cho việc phát triển đàn ong tự nhiên lấy mật. Với tiềm năng của địa phương, năm 2011 huyện U Minh được Cục Sở hữu trí tuệ quyết định cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể "Mật ong U Minh Hạ" sự kiện này đã đánh dấu bước ngoặc quan trọng để mật ong và các sản phẩm từ mật ong U Minh khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, mở ra cơ hội mới để người làm nghề gác kèo ong ở U Minh càng thêm phát triển, tăng thu nhập.
Ông Phạm Văn Nhạn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện U Minh (đơn vị quản lý nhãn hiệu tập thể "Mật ong U Minh Hạ") khẳng định, các cơ sở kinh doanh mật ong sử dụng logo mang nhãn hiệu tập thể “Mật ong U Minh Hạ” do Hội Nông dân huyện quản lý là mật ong đạt tiêu chuẩn. “Để tránh mua nhầm mật giả, kém chất lượng, người tiêu dùng nên chọn mua sản phẩm ở các cơ sở có uy tín, sản phẩm phải có dán nhãn mác, sử dụng nhãn hiệu tập thể “Mật ong U Minh Hạ” và có mã quét QR để tra cứu về nguồn gốc xuất xứ”, ông Nhạn khuyến cáo.
Theo ông Nhạn, Hội Nông dân huyện U Minh hiện đang quản lý 24 cơ sở kinh doanh mật ong đăng ký sử dụng nhãn hiệu “Mật ong U Minh Hạ” và 33 hộ dân làm nghề gác kèo ong có truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Hàng năm, địa phương này cung cấp ra thị trường khoảng từ 70.000 – 80.000 lít mật ong. “Tất cả 24 cơ sở sử dụng logo nhãn hiệu tập thể do Hội Nông dân huyện U Minh quản lý đều kinh doanh mật ong 100% hoàn toàn là tự nhiên, đạt chất lượng”, ông Nhạn cho biết.
Mật ong U Minh Hạ (huyện U Minh, Cà Mau) là sản phẩm mật ong nguyên chất, hoàn toàn tự nhiên và đã khẳng định được chất lượng trên thị trường. Tuy nhiên, hiện nay trên một số trang mạng xã hội có nhiều người rao bán sản phẩm mật ong không có nhãn mác, xuất xứ nhưng lại khẳng định là “Mật ong U Minh Hạ”. Điều này sẽ khiến khách hàng nhầm lẫn và mua phải những sản phẩm kém chất lượng, làm ảnh hưởng đến thương hiệu này.
Anh Đỗ Hoài Bảo (38 tuổi), ngụ thị trấn U Minh, huyện U Minh – người có nhiều năm kinh doanh mật ong rừng U Minh Hạ cho biết, sản phẩm của anh bán ra thị trường là sản phẩm chất lượng, được kiểm định và bảo đảm an toàn. Đặc biệt, sản phẩm mật ong của anh sử dụng logo nhãn hiệu tập thể do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN cấp) và có mã QR để khách hàng truy xuất nguồn gốc.
“Tôi thường bán mật trên mạng xã hội và bán cho các mối quen, người ta thấy mình bán mật ong uy tín, có thương hiệu, nhãn mác, dễ dàng truy xuất nguồn gốc nên tin tưởng chọn mua rồi giới thiệu cho bạn bè cùng mua”, anh Bảo nói. Đồng thời anh cho biết, trung bình mỗi tháng anh Bảo bán ra thị trường từ 30 – 50 lít mật ong, có thời điểm anh tiêu thụ từ 100 – 200 lít/tháng.
Nguồn mật anh Bảo bán ra thị trường được liên kết thu mua từ các hộ dân chuyện nghề gác kèo ong ở địa phương và những hộ này đã được Sở KH-CN tỉnh Cà Mau cấp phép sản phẩm có truy xuất nguồn gốc. “Mật ong thật có vị ngọt dịu nhưng có hậu chua nhẹ, thời gian mật ong thường sử dụng được từ 1 – 2 năm, nếu để lâu quá mật sẽ chuyển sang màu sậm. Khi thu mua mật ong về tôi thường gửi mẫu ra Sở KH-CN tỉnh Cà Mau kiểm định, nếu đạt tiêu chuẩn tôi mới bán ra thị trường. Giá mật ong rừng U Minh Hạ hiện được tôi bán ra với giá khoảng 500.000 đồng/lít. Mật ong có tác dụng bồi bổ sức khoẻ, hỗ trợ tiêu hoá, thanh lọc cơ thể...”, anh Bảo nói.
Ông Lê Hồng Thịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện U Minh cho biết, để định hướng phát triển mật ong U Minh Hạ, UBND huyện đã tổ chức họp các ban, ngành, đoàn thể cấp huyện công bố chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Mật ong U Minh Hạ”. Đồng thời, ban hành quyết định thành lập Ban quản lý nhãn hiệu tập thể có trách nhiệm cấp và thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể “Mật ong U Minh Hạ”.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện U Minh, Ban Quản lý nhãn hiệu tập thể “Mật ong U Minh Hạ” có trách nhiệm phối hợp với các ngành chức năng tuyên truyền trên các phương tiện thông tin trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, lồng ghép vào các cuộc họp để đẩy mạnh tuyên truyền trong hệ thống Hội Nông dân và các tổ chức đoàn thể có liên quan về việc đăng ký, sử dụng nhãn hiệu tập thể “Mật ong U Minh Hạ”.
Để giữ gìn và phát huy giá trị “Mật ong U Minh Hạ” UBND huyện U Minh thường xuyên chỉ đạo các ngành, đơn vị có liên quan kiểm tra, kiểm soát tình hình sử dụng nhãn hiệu nhằm đảm bảo chất lượng, uy tín của hàng hóa, dịch vụ. Đồng thời, địa phương phối hợp các ngành chức năng kiểm tra các cơ sở đăng ký sử dụng nhãn hiệu tập thể định kỳ, lấy mẫu kiểm tra đánh giá chất lượng như: hàm lượng nước, độ an toàn vệ sinh thực phẩm…, thực hiện quy trình cấp và thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể “Mật ong U Minh Hạ”.
“Địa phương thường xuyên quảng bá, xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ; thiết kế mã dán về truy xuất nguồn gốc sản phẩm; kiểm mẫu, phân tích giám sát chất lượng sản phẩm; thiết kế nhãn hàng hóa cho sản phẩm nhằm đáp ứng quy định về ghi nhãn hàng hóa từ phương án hỗ trợ phát triển các nhãn hiệu đã được bảo hộ. Từ đó, củng cố uy tín, chất lượng cho mật ong U Minh nhằm thu hút khách du lịch, nâng cao giá trị của mật ong trên thị trường. Qua đó nâng cao đời sống của người dân sống nghề rừng và góp phần bảo vệ phát triển rừng, các nguồn tài nguyên của rừng. Đồng thời, UBND huyện khuyến cáo người dân không vì lợi nhuận mà làm giảm chất lượng mật ong vốn được xem là thương hiệu của vùng đất U Minh”, ông Thịnh cho biết.