Nhìn vào kết quả xuất khẩu nông sản của năm 2016 có thể thấy rằng, trong năm ngành nông nghiệp tăng trưởng đầy kịch tính và bấp bênh.
Theo Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng âm khi giảm tới 0,18%. Nguyên nhân là tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ở Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu. Đây chính là lý do khiến cho khu vực nông nghiệp giảm so với cùng kỳ năm 2015. Lội ngược dòng so với tăng trưởng của 6 tháng đầu năm, những tháng cuối ngành nông nghiệp đã có những bứt phá trở lại. Cụ thể, từ tháng 7 nông nghiệp tăng trưởng 0,68%. Kết thúc năm, nông nghiệp vẫn đảm bảo mức đóng góp 17 – 18% GDP.
Dựa trên tình hình thực tế về xuất khẩu nông sản thấy rõ, ngành này còn tồn tại nhiều khuyết điểm mang tính cố hữu chưa giải quyết triệt để.
Thứ nhất, giá trị nông sản chưa được đánh giá cao vì đa phần nông sản Việt xuất thô, không tạo ra được những thương hiệu để lại dấu ấn mạnh trong người tiêu dùng các nước. Đơn cử, đối với xuất khẩu gạo, từ trước đến nay ngành này liên tục đặt ra chỉ tiêu sản lượng xuất khẩu gạo mà quên chú trọng tăng giá trị thông qua sản phẩm chất lượng. Giải pháp mà lãnh đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam đưa ra, không thể chạy theo mác nhà xuất khẩu gạo nhất - nhì thế giới về sản lượng. Cần phải hạ chỉ tiêu sản lượng xuất khẩu, tập trung sản xuất và xuất khẩu gạo ngon thay vì gạo tầm trung và gạo cấp thấp. Ngành lúa gạo Việt không thể cung cấp cho thị trường những sản phẩm có sẵn mà phải cung cấp sản phẩm thị trường đang cần.
Tương tự, trước giờ ngành nông nghiệp không ngừng khẳng định, Việt Nam là nước xuất khẩu gạo, tiêu, cà phê,… lớn cho thị trường thế giới, tuy nhiên kể tên một số sản phẩm có thương hiệu thì hoàn toàn khó khăn. Đây chính là điểm bất lợi cho hoạt động xuất khẩu nông sản, trong khi sân chơi ngày càng cạnh tranh hơn. Không riêng việc xây dựng thương hiệu tăng giá trị cho nông sản, thời gian qua việc đầu tư cho nông nghiệp vẫn còn bỏ ngỏ và chưa có hấp dẫn cao. Theo các chuyên gia, tín dụng và đất đai đang là hai rào cản lớn nhất hiện nay để các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Bằng chứng, chỉ có khoảng 3.643 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, chiếm chưa tới 1% tổng số doanh nghiệp cả nước. Đó cũng chính là một trong những nguyên nhân quan trọng trì hoãn ngành này phát triển mạnh.
Vấn đề đặt ra hiện nay, phải tập trung xây dựng thương hiệu cho nông sản để nông sản đủ điều kiện tối ưu nhất nhằm chiếm lĩnh thị trường các nước. Đổi mới mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại với sản phẩm chất lượng là mục tiêu mà ngành này hướng đến. Như vậy, giải pháp sắp tới phải xây dựng cho được nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp công nghệ cao tạo ra những sản phẩm mang tính cạnh tranh cao. Mong muốn ngành nông nghiệp có những đột phá, mới đây Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định gói tín dụng lên tới 60 ngàn tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao.
Tiếp đó, Thủ tướng nhất trí với ý kiến cần thiếu sửa đổi Luật Đất đai về điều kiện nhận chuyển nhượng, góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện các dự án đầu sản xuất tạo điều kiện để nông nghiệp phát triển, làm ăn lớn.