Hôm vào Huế được bạn chiêu đãi bữa nhậu trong đó có món đặc sản canh chua cá ngạnh sông Hương. Đúng là tôi chưa từng bắt gặp loài cá này, nói gì được ăn.
Bây giờ nhớ lại những ngày bé ở trên quê, tôi mới nhận ra đồng đất nơi mình sống quý đến chừng nào. Thì ra cánh đồng là cái tủ thức ăn trời dành cho tất cả mọi người.
Cá ngạnh thuộc loài nước ngọt da trơn, màu tối, thân to bằng ngón tay cái. Nhưng đặc biệt con nào cũng có buồng trứng to, như loài cá trứng nhập khẩu bán trong các siêu thị. Nhìn kĩ thì cá ngạnh khá giống con trê thu nhỏ. Anh giải thích, chỉ mùa này đến Huế mới có cá ngạnh sông Hương. Mùa mưa lũ, cá ngạnh bơi ngược dòng đẻ trứng. Nó rối rít bơi hàng đàn, thế mới bắt được.
Vừa ăn tôi vừa ngẫm nghĩ đến loài cá hồi ở Bắc Âu. Khi sinh đẻ chúng cũng bơi ngược dòng. Con cá đực thụ tinh cho trứng, rồi kiệt sức mà chết. Không biết loài cá ngạnh có giống thế không?
Lan man nhớ lại vùng núi phía Bắc mình ngày xưa cũng có cách bắt cá vào những ngày mưa lũ. Nhưng là loài cá khác. Cách nay trên nửa thế kỉ, bắt cá bằng sa, còn thô sơ lắm. Cách làm sa bắt cá là cách của thời nguyên thủy. Người ta chọn chỗ hẹp xếp đá chặn dòng suối để lại một cửa khẩu rộng chừng 1 - 2m. Đem những cây nứa ngộ ghép lại rồi lót tấm đan bên dưới có dóng cây đỡ. Hai bên bờ sa cũng làm thành cao hơn gang tay ghép nứa. Phía cửa khẩu có thanh chắn để chặn cá ngược dòng. Phía đuôi sa nâng cao lên. Độ dài của sa chừng 3 đến 4 mét . Thế là xong.
Không hiểu sao những năm ấy mưa nhưng không lũ ống dã man như bây giờ. Thấy mưa to thì khoác áo tơi ra ngồi bên sa chờ lũ về. Nước bị bờ đá chặn dòng, chỉ có cửa sa thấp, nước tràn qua. Khi dòng lũ bắt đầu dâng từ từ thì nước đổ vào cửa sa dào dạt. Những đàn cá thè be trắng như thỏi bạc, mình dẹt, con to cũng chỉ bằng ba ngón tay ào ào lao theo dòng nước mát quẫng lên sung sướng như đi hội mùa Xuân. Tốc độ lao của thè be ngang với đám choai đua xe, cứ vòn vọt thẳng tiến không còn biết trời đất là gì. Qua cửa sa rồi, đàn cá theo quán tính trôi tuột về cuối sa nằm tênh hênh. Lúc ấy chúng mới hiểu ra nguy hiểm, giẫy đành đạch vội vàng “quay xe” tìm lối thoát mà nào có kịp. Chủ sa lúc này sung sướng rối rít lụm từng vốc cho vào vợt.
Cuộc đánh bắt chỉ xảy ra chừng mươi mười lăm phút, thì nước dâng lên ngập tràn qua sa. Khi sa chìm nghỉm trong nước mênh mông thì cũng là lúc chủ sa đã kiếm xong vài cân thè be đem về nhà. Tôi cũng từng làm sa bắt cá như thế.
Thế đấy, mùa sinh sản cũng rất không an toàn cho loài cá. Mùa lũ về tưởng đem niềm vui cho cá, nhưng cũng là lúc cái sống chết kề bên. Ngẫm thế sự cũng vậy, họa phúc song trùng như người xưa tổng kết.
Một bữa ăn ngẫm về thế sự, vui buồn cứ trộn vào nhau.