Cảng cá không chỉ thể hiện vai trò là nơi tàu thuyền đánh bắt của ngư dân neo đậu, trao đổi thủy sản đánh bắt; tránh trú bão… mà còn có vai trò chiến lược phát triển kinh tế biển. Tuy nhiên hiện nay cảng cá còn bộc lộ những bất cập.
Ảnh minh họa.
Ngày 7/12, tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) đã tổ chức Hội nghị toàn quốc về công tác quản lý cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, với sự tham dự của các nhà quản lý, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, các cơ quan chức năng một số tỉnh thành khu vực phía Nam.
Tại Hội nghị, Bộ NN&PTNT cho biết, trên địa bàn cả nước hiện có 82 cảng cá đã đi vào hoạt động tại 27 tỉnh, thành phố ven biển, đạt 65% so với quy hoạch. Trong số này, có 25 cảng cá loại I, 57 cảng cá loại II.
Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn là mới có 9 cảng đáp ứng cho tàu cá công suất tới 1.000 CV và 2 cảng đáp ứng được cho tàu công suất tới 2.000 CV.
Đồng thời, cũng mới chỉ có 23 tỉnh ven biển công bố được khu neo đậu tránh trú bão tại các cảng cá.
Thực tế nêu trên đặt ra vấn đề phải tìm giải pháp để nâng cấp, khai thác đúng tiềm năng phát triển của các cảng cá.
Từ thực tế trên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, Chính phủ và Bộ NN&PTNT ngày càng quan tâm đến các cảng cá, nơi gắn liền với hoạt động đánh bắt thủy hải sản, lưu trú tránh bão mỗi năm cho ngư dân.
Tuy nhiên, ông Tám cũng cho rằng, thời gian qua, việc đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá của nhiều địa phương có biển còn bộc lộ các hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra…
“Các hạn chế trong đầu tư cơ sở hạ tầng là nguyên nhân không nhỏ dẫn đến việc Ủy ban châu Âu phạt “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam”, Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhìn nhận.
Các đại biểu một số địa phương có biển trình bày nguyên nhân chính dẫn đến một số tỉnh, thành vẫn chưa có điều kiện khai thác tiềm năng của các cảng cá, trong đó Luật Thủy sản 2003 có nhiều quy định đã lạc hậu, không theo kịp thực tiễn phát triển.
Nhu cầu đầu tư cảng, khu neo đậu theo quy hoạch được duyệt rất lớn nhưng Ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp đã không đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành.
Hiện nay, mỗi năm nguồn ngân sách đầu tư cho các cảng cá chỉ vào khoảng 1.900 tỷ đồng (giai đoạn 2011 – 2015), nhưng chỉ đáp ứng được khoảng 32% so với nhu cầu thực tế.
Thêm nữa, nguồn nhân lực làm việc tại ban quản lý các cảng cá hiện nay vừa thiếu vừa yếu, làm việc chủ yếu dựa trên kinh nghiệm thực tế, ít qua đào tạo.
Đối với khu neo đậu tránh trú bão thì không có nguồn thu, hoạt động phụ thuộc vào nguồn Ngân sách Nhà nước cấp hàng năm nên rất khó khăn, hạn chế trong hoạt động. Nhiều địa phương kêu ca không có kinh phí để tu sửa hàng năm, dẫn đến không đáp ứng nhu cầu của hoạt động cảng cá.