Năm 2011, tình trạng ngập lụt nghiêm trọng khiến hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng. Tỉnh Nghệ An đã phê duyệt dự án khu tái định cư (TĐC) cho các hộ dân vùng thiên tai, sạt lở đất. Tuy nhiên, đến nay sau hơn 10 năm, dự án TĐC khẩn cấp này vẫn chưa có bóng dáng người dân.
Dự án khẩn cấp… hơn 10 năm mới xong
Tại xóm 9 với gần 200 hộ dân, xã Xuân Lam (trước đây thuộc xóm 6,7,8 xã Hưng Lam), huyện Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An) hàng chục năm nay, cứ đến mùa mưa bão là lại thấp thỏm lo âu. Khi mùa lũ ập về thì vùng đất này trở thành “ốc đảo”, muốn vào phía trong đê phải di chuyển bằng thuyền. Và cũng chừng ấy thời gian, đất canh tác không thể sản xuất, đời sống người dân gặp khó khăn.
Trước tình trạng đó, năm 2011, UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt dự án đầu tư mở rộng quy mô dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu TĐC cho các hộ dân vùng thiên tai, sạt lở đất ở xã Xuân Lam (huyện Hưng Nguyên). Theo đó, dự án này sẽ có 100 lô đất ở (mỗi lô 315m2) nằm phía trong đê sông Lam để bố trí chỗ ở mới cho 100 hộ dân vùng ngập lũ và sạt lở đất phía bên ngoài đê. Trong đó, phần lớn là dành cho cư dân xóm 9. Khu TĐC nằm ngay bên đường ven đê Tả Lam, có vị trí giao thông khá thuận tiện. Hạ tầng khu TĐC gồm đường bê tông, mương thoát nước, điện sinh hoạt. Tổng kinh phí đầu tư hơn 24 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ và ngân sách của huyện, xã để di dân khẩn cấp khỏi vùng thiên tai. Dự án do Chi cục Phát triển nông thôn Nghệ An làm chủ đầu tư, tiến độ thực hiện 24 tháng.
Sau khi có dự án, UBND xã đã thông báo cho người dân ở 4 xóm nằm ngoài đê. Sau đó, có 100 hộ dân đã đăng ký đến khu TĐC với hy vọng thoát khỏi cảnh chạy lũ. Vậy nhưng, phải hơn 10 năm sau đó, dự án cơ bản hoàn thành và bàn giao cho địa phương. Dù là dự án khẩn cấp, người dân cứ mòn mỏi chờ đợi hết năm này đến năm khác. Tuy nhiên, sau khi bàn giao, khu TĐC vẫn bỏ hoang, chưa có một hộ dân nào đến ở. Một số khu vực, người dân còn tận dụng để trồng rau, làm sân thể thao, chăn thả trâu bò.
Với việc dự án di dân khẩn cấp nhưng kéo dài nhiều năm khiến nhiều hộ dân đăng ký di dời cách đây 10 năm đã ngán ngẩm. Và để hạn chế thiệt hại khi mùa mưa lũ đi qua, họ đã chống chọi bằng cách vay mượn tiền xây dựng kiên cố hơn.
Đơn cử như gia đình ông Nguyễn Xuân Sinh (55 tuổi) xóm 9, xã Xuân Lam. Do không thể chờ đợi, hơn 3 năm trước ông Sinh đã gom góp, vay mượn xây kiên cố lại căn nhà của mình để vượt qua bão lũ. “Chúng tôi chờ quá lâu để được TĐC, do vậy phải xây dựng kiên cố hơn để ở. Không những vậy, nếu giờ phải di dời thì việc đền bù, hỗ trợ đến nơi ở mới liệu còn phù hợp?” - ông Sinh nói.
Nói về việc chậm trễ này, ông Lê Văn Lương - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Nghệ An cho biết, do nguồn vốn được bố trí quá nhỏ giọt nên dự án tái định cư này phải kéo dài. Riêng việc người dân đến nay không có nhu cầu, chúng tôi đã đề nghị địa phương tổ chức họp dân để khảo sát nguyện vọng, có thể là đấu giá khu tái định cư.
Bất cập đối tượng tái định cư
Quá trình tìm hiểu, chúng tôi ghi nhận tại xóm 9, xã Xuân Lam sự bất cập trong việc xác định đối tượng được TĐC. Bởi, tại khu dân cư này, còn có 8 hộ sống sát mép sông Lam, nhiều năm trước di dời từ sông nước lên bờ. Nhưng đến nay, diện tích đất này vẫn không được cấp sổ đỏ vì nằm trong phạm vi sạt lở. Nhưng họ lại không thuộc diện di dời TĐC.
Ông Đoàn Quyết Thắng (45 tuổi) - người dân trú xóm 9, xã Xuân Lam cho biết, sau nhiều năm lênh đênh sông nước, năm 2010 cả gia đình lên bờ định cư, thuê một mảnh đất sát sông của xã để sinh sống. Hơn 10 năm trước, trong một dự án TĐC di dời người dân sống trên sông nước lên bờ, nhẽ ra ông thuộc diện này nhưng khi ấy, chính quyền cho rằng ông Thắng đã có đất ở nên không bố trí TĐC. “Đến dự án này cũng vậy, gia đình tôi cũng như nhiều hộ khác vẫn không có danh sách di dời. Trong khi mảnh đất chúng tôi đang ở thì không được cấp sổ đỏ” - ông Thắng nói.
Trao đổi về vấn đề trên, ông Nguyễn Lưu Việt - cán bộ địa chính xã Xuân Lam cho biết, việc người dân nói không có nhu cầu chuyển đến khu TĐC chúng tôi cũng chỉ mới nghe nói vì chưa khảo sát lại. Vấn đề này phải đợi huyện, xã họp dân khảo sát mới nắm được ai có nhu cầu di dời hay không. Riêng việc có 8 hộ dân tại xóm 9 không thuộc diện TĐC là do thời điểm khảo sát, những gia đình này đã có đất ở.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Phận - Chủ tịch UBND xã Xuân Lam cho hay, dự án khẩn cấp nhưng mãi đến năm 2020 chủ đầu tư mới bắt đầu đắp đất, làm mặt bằng. Do khu TĐC này xây quá lâu, người dân không thể chờ đợi được nên hầu hết họ đã tự xây lại nhà và nâng cao nền để đối phó với lũ. Ngoài ra, cũng theo ông Phận, dù đã bàn giao cho địa phương từ hơn 1 năm trước nhưng một số hạng mục của khu TĐC vẫn chưa hoàn thiện. Những hạng mục này gồm các tuyến mương thoát nước, cột điện nằm quá xa nhau.