Sau gần 10 năm triển khai, nhưng đến nay khu TĐC cho các hộ dân làng chài Vận Tải có địa điểm tại Khe Mừ, xã Thanh Thủy, Thanh Chương (Nghệ An) vẫn chỉ là một bãi đất hoang, tiêu điều.
Những người gần đất xa trời như bà Bảy, không biết khi nào mới thoát cảnh lênh đênh sông nước.
Lãng phí
Được triển khai xây dựng từ tháng 5/2010 với số vốn 83 tỷ đồng, đến nay khu TĐC cho các hộ dân làng chài Võ Liệt ở Khe Mừ, xã Thanh Thủy, Thanh Chương vẫn chỉ là một bãi đất hoang, tiêu điều. Theo kế hoạch, sau quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng, đến đầu năm 2011 dự án sẽ bàn giao đất sản xuất, nền đất ở cho 100 hộ dân vào sinh sống tại vùng Khe Mừ, xã Thanh Thuỷ và 45 hộ vùng đập Triều Dương, xã Thanh Lâm trên tổng diện tích quy hoạch là 420ha và mỗi hộ được hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở theo quy định hiện hành của Nhà nước.
Khó khăn lắm, chúng tôi mới tìm được một, hai căn nhà có người ở. Hỏi ra, đó là dân bản địa chứ không phải là những người dân làng chài Võ Liệt lên sinh sống. Dò hỏi, chúng tôi được một người dân bản địa gần khu TĐC cho hay, dự án này nghe nói xây dựng cho bà con làng chài Võ Liệt, nhưng không hiểu sao đang thi công dở dang, họ lại dừng lại. Bà con trong vùng thấy đất hoang hóa thì tiếc nên tận dụng làm nơi chăn bò, canh tác thêm. Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Xuân Lĩnh – Chủ tịch UBND xã Võ Liệt cho biết: Đến thời điểm này trên địa bàn xã chúng tôi có 48 hộ vạn chài rất muốn lên bờ để ổn định cuộc sống. Mặc dù địa điểm TĐC cách hơn 15km nhưng họ cũng muốn Nhà nước nhanh chóng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, để chuyển vào ổn định cuộc sống.
Như vậy, kể từ khi khởi công công trình này, đến nay đã hơn 9 năm, chủ thầu bỏ đi, các công trình xây dựng nay bị hư hỏng, xuống cấp… Theo quan sát của chúng tôi, trên khu TĐC này hiện có 4 ngôi nhà được xây lên nhưng chưa xong, đang làm chỗ ở cho trâu bò. Riêng đường sá, cầu cống thì bị hư hỏng nặng, trong khi đó, người dân vạn chài trên địa bàn huyện Thanh Chương đang từng ngày phải đối mặt với muôn vàn khó khăn trong cuộc sống do thiếu chỗ ở...
Đến thời điểm này, khu TĐC Triều Dương mới đã có một số hộ vào định cư. Còn tại Khe Mừ, do chủ đầu tư chưa hoàn thiện các hạng mục nên dù đã bình xét được 45 hộ đủ tiêu chí nhưng huyện Thanh Chương vẫn không đồng tình đưa dân vào tái định cư, vì cho rằng khu tái định cư này còn nhiều bất cập. Việc chậm tiến độ thi công, trách nhiệm trước hết thuộc về chủ đầu tư. “Chủ đầu tư đề nghị chính quyền di dân vào khu TĐC, nhưng chúng tôi không đồng ý, bởi dự án này chưa xong. Nếu sau này dân ở có vấn đề gì thì ai chịu trách nhiệm” - ông Nguyễn Văn Quế, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết.
Bất cập
Như bài trước chúng tôi đã nói, tại khu TĐC vạn chài xóm 6 xã Đặng Sơn, huyện Đô Lương có 68 hộ dân vạn chài ven sông Lam đã được lên bờ. Tuy vậy, lên bờ rồi, họ lại phải quay về với sông Lam để kiếm kế sinh nhai. Cụ thể, ngoài diện tích đất từ 150 - 160 m2 với mục đích xây dựng nhà cửa và các công trình phụ thì người dân không có đất để sản xuất nông nghiệp, hay trồng rau, xây chuồng trại chăn nuôi. Do đó, ngày ngày họ vẫn mưu sinh dọc theo dòng sông Lam cách đó chừng 4 đến 5 cây số bằng nghề đánh bắt cá, nghề vận tải hoặc khai thác cát, sỏi.
Ông Ngô Văn Lợi - xóm trưởng xóm 6, xã Đặng Sơn chia sẻ: Dù chuyển lên bờ đã hơn bốn năm nay bà con vẫn chưa có đất sản xuất, hằng ngày họ vẫn phải quay lại bám trụ sông nước để kiếm kế sinh nhai vì thiếu đất sản xuất. Ông Hoàng Ngọc Tuấn - Chủ tịch UBND xã Đặng Sơn khẳng định: Đến thời điểm này, chỗ ở của bà con khu TĐC làng chài cơ bản là ổn định, nói về đất sản xuất thì xã vẫn còn 5% đất công ích, tuy nhiên khi thông báo cho bà con khu TĐC làng chài làm ăn, phát triển kinh tế thì họ không có nhu cầu nhận.
Từ khi bà con làng chài về khu TĐC, chính quyền đã tạo điều kiện cho con em đi xuất khẩu lao động; động viên con em đi làm tại các khu công nghiệp trong Nam, ngoài Bắc và mở các lớp tập huấn nghề hằng năm như nghề mộc, đan lát, chăn nuôi để người dân chuyển đổi nghề cho phù hợp. Nhưng do không thích nghi được với việc canh tác trên đất liền, nên hàng ngày họ vẫn xuống sông làm ăn.