Là phương tiện giao thông công cộng không thể thiếu góp phần làm giảm áp lực giao thông ở thành phố, tạo thuận lợi cho người nghèo, công nhân, học sinh sinh viên hay các công chức… di chuyển. Vì vậy, hơn 15 năm qua, thành phố luôn có chính sách trợ giá để thu hút hành khách.
Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, điều nghịch lý là trong khoảng vài năm trở lại đây, khi số lượng hành khách đi xe buýt liên tục giảm thì tiền trợ giá lại tăng đột biến. Cụ thể, nếu năm 2005, tiền trợ giá xe buýt chỉ khoảng 500 tỷ đồng/năm thì năm 2015, số tiền đã là 1.400 tỷ đồng.
Hơn nữa, hình ảnh xe buýt trong mắt người dân ngày càng xuống dốc bởi sự nhếch nhác, cũ kỹ và tai nạn mà nó gây ra. Với mô hình mà hầu khắp các thành phố lớn trên thế giới đang thực hiện, là phần lớn người dân tham gia giao thông bằng các phương tiện vận tải công công, xe buýt từng được xe là chìa khóa giải bài toán ùn tắc đô thị. Tuy nhiên, nhiều người đặt câu hỏi vì sao khách ít đi, mà tiền trợ giá cho hành khách lại tăng cao liên tục.
Giải thích về điều này, đại diện lãnh đạo Sở GTVT cho rằng, sở dĩ số tiền trợ giá ngày càng tăng mà hành khách đi xe ngày càng giảm là do trượt giá. Cụ thể, 2 nhân tố quyết định đến giá thành xe buýt là lương công nhân (khoảng 40-60%) và giá nguyên liệu (khoảng 25-30%) đều tăng cao trong khoảng 10 năm qua. Tính chung, chi phí cho 1km hoạt động của xe buýt tăng khoảng 18% so với năm trước là nguyên nhân dẫn đến những hậu quả trên.
Ông Lê Văn Khoa - Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh cho biết, tiền trợ giá xe buýt hàng năm chiếm một phần lớn ngân sách thành phố, khoảng từ 5-7%. Tuy nhiên, số tiền này không tương ứng với hiệu quả mà người dân mong đợi. Cụ thể, việc bỏ ra một số tiền lớn như vậy nhưng tình trạng kẹt xe, ùn tắc giao thông vì các phương tiện cá nhân vẫn rất lớn, ảnh hưởng đến các hoạt động khác của xã hội. Không những vậy, nhiều khi chính xe buýt còn là yếu tố gây kẹt xe, ùn tắc hay tai nạn ở thành phố.
Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, cần xã hội hóa xe buýt bằng cách cho phép quảng cáo trên thân xe để tạo nguồn thu, giảm áp lực cho ngân sách. Dự tính, mỗi năm sẽ có hàng trăm tỷ tiền quảng cáo được thu về và nhiều doanh nghiệp cho biết cũng sẵn sàng hợp tác với xe buýt. Tuy nhiên, sau nhiều lần trì hoãn, đến nay quyết định cho phép quảng cáo ở xe buýt vẫn chưa thể thực hiện được trong khi các phương tiện giao thông công cộng khác như taxi, xe khách đều đã thực hiện từ rất lâu rồi.
Mặc dù đã có nhiều ý kiến, hội thảo và bàn luận về việc nâng cao hiệu quả của hoạt động xe buýt, thu hút người dân tham gia đi xe buýt. Tuy nhiên đến nay chưa có biện pháp hữu hiệu nào được đưa ra. Xe buýt vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng, chưa giải quyết được các vấn đề cần thiết của giao thông thành phố.